Những bất cập khiến Bộ Quốc phòng đề xuất sửa Luật Nghĩa vụ quân sự
(Dân trí) - Nhiều bất cập liên quan đến quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ, đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú, học tập, tiêu chuẩn sức khỏe… tạo kẽ hở để một số công dân trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Tại hồ sơ thẩm định đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023, Bộ Tư pháp đã thông tin kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Nghĩa vụ quân sự.
Luật Nghĩa vụ quân sự được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19/6/2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả 6 năm thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự giai đoạn 2016-2021. Theo đó, sau hơn 6 năm thi hành luật và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để các địa phương, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ tuyển quân, bảo đảm đủ chỉ tiêu, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, thực tế thi hành luật cũng đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập.
Trong đó có quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Nghĩa vụ quân sự. Luật hiện hành nêu rõ, công dân nam đủ 17 tuổi trong năm phải trực tiếp đến cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự, công dân trúng tuyển trình độ cao đẳng, đại học khi nhập học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, công dân khi thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc trong thời hạn 10 ngày phải làm thủ tục di chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan (Luật Cư trú) và thực tiễn cho thấy, quá trình thực hiện việc đăng ký di chuyển nghĩa vụ quân sự gặp bất cập: Còn tình trạng công dân trong độ tuổi không đăng ký di chuyển nghĩa vụ quân sự từ địa phương nơi đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đến nơi làm việc mới; đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, công tác đăng ký, quản lý nghĩa vụ quân sự chưa thành nề nếp, thực hiện đăng ký di chuyển nghĩa vụ quân sự khi nhập học và đăng ký di chuyển sau khi tốt nghiệp về địa phương, đến nơi làm việc hoặc thôi học chưa chặt chẽ.
"Qua đó tạo kẽ hở để một số công dân trong độ tuổi nhập ngũ trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự", thông tin từ Bộ Tư pháp cho hay.
Về số lần gọi nhập ngũ trong năm, thực hiện Điều 33 Luật Nghĩa vụ quân sự, hằng năm tổ chức tuyển quân một đợt trong năm đã tạo thuận lợi cho địa phương giao quân, hạn chế đơn thư liên quan về tạm hoãn nghĩa vụ quân sự tại ngũ dịp công dân trúng tuyển đại học, cao đẳng nhập học (tháng 9 hằng năm).
Dù vậy, việc tuyển quân một đợt trong năm dẫn đến tình trạng một số đơn vị quân, binh chủng kỹ thuật thiếu hạ sĩ quan, binh sĩ là nhân viên chuyên môn kỹ thuật (trong khoảng thời gian huấn luyện chiến sĩ mới và thời gian đào tạo chuyên môn kỹ thuật) nhiều hơn so với tuyển quân hai đợt/năm.
Nếu thực hiện tuyển quân hai đợt trong năm cũng không khắc phục được triệt để tình trạng trên và còn gây xáo trộn, tốn kém, đặc biệt sẽ phát sinh nhiều đơn thư liên quan đến tạm hoãn nghĩa vụ quân sự tại ngũ vào thời điểm tuyển quân đợt hai như trước khi có Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 (tuyển quân 2 đợt/năm).
Về thẩm quyền gọi khám và tiêu chuẩn sức khỏe đối với công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân: Việc gọi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân quy định tại Điều 40 đã bộc lộ vướng mắc, bất cập.
Một hội đồng nghĩa vụ quân sự nhưng đang có hai thẩm quyền gọi khám sức khỏe. Cụ thể, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, Trưởng Công an cấp huyện ra lệnh gọi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. Trong khi tiêu chuẩn sức khỏe tham gia Công an nhân dân chỉ lấy loại 1, loại 2; tiêu chuẩn sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự lấy đến loại 3. Điều này đã gây bất cập về chất lượng giao, nhận quân và tạo kẽ hở để lọt nguồn công dân gọi nhập ngũ, khó khăn trong quá trình giao chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ.
Quy định về tạm hoãn gọi nhập ngũ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự nêu rõ "là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động thì được xem xét tạm hoãn gọi nhập ngũ". Thực tế cho thấy, quy định "người không còn khả năng lao động" thiếu chi tiết, dẫn đến không thống nhất trong quá trình thực hiện xét duyệt đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ, ảnh hưởng công bằng xã hội. "Vì người không còn khả năng lao động được hiểu là người suy giảm % khả năng lao động, cũng có thể hiểu là người đã hết tuổi lao động, có lương hưu, không có lương hưu...", cơ quan thẩm tra phân tích.
Hơn nữa, điểm g khoản 1 Điều 41 quy định công dân đang được đào tạo trình độ đại học, cao đẳng hệ chính quy sẽ được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo. Tuy nhiên, những trường hợp được gia hạn học thêm, lưu ban, nợ môn, thi lại tốt nghiệp chưa được quy định cụ thể, dẫn đến tình trạng công dân lợi dụng để trốn tránh gọi nhập ngũ…
Từ những bất cập nêu trên, Bộ Quốc phòng đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ này chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.
Thời gian dự kiến trình Chính phủ xem xét trong tháng 12/2023; trình Quốc hội xem xét, thông qua chương trình lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự luật này tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 vào tháng 10/2025.