1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cần Thơ:

Những ẩn họa của giao thông đường thuỷ

(Dân trí) - Cũng như nhiều tỉnh ĐBSCL khác, thành phố Cần Thơ có hệ thống giao thông đường thủy tương đối phức tạp. Chính vì thế, thực trạng vi phạm an toàn giao thông đường thủy là khó tránh khỏi và việc kiểm soát là vô cùng khó khăn.

Đò ngang, đò dọc “4 không”

Ở bến đò ngang Vàm Bần Tân, thuộc phường Phước Thới, quận Ô Môn có 3 ghe tam bản đưa rước khách qua sông. Mỗi chiếc với chiều dài gần 10m, ngang chỉ 1m, nhưng chủ đò lúc nào cũng nhồi nhét 8 đến 10 người khách cùng nhiều xe gắn máy vượt sông trong tình trạng vừa chạy vừa…tát nước do bên mạn ghe bị rò rỉ.

Tương tự ở bến đò Cả Chôm, phường Phước Thới, quận Ô Môn. Tại đây có 4 chiếc ghe chở khác, vào các giờ cao điểm chở hơn 50 người vượt sông Hậu. Với tình trạng như vậy, khi ra giữa sông, chỉ cần có sóng lớn là ghe có thể lật bất cứ lúc nào.

Chúng tôi có mặt trên những chuyến đò ngang ở sông Hậu (huyện Thốt Nốt) thì thấy phần lớn các xuồng, ghe chở khách đều có tình trạng như vậy. Có một điểm chung nữa là tất cả đều “4 không”(không giấy phép, không bằng lái tàu, không có phương tiện cứu hộ và không đăng ký).

Có đi trên những chuyến đò như thế chúng ta mới thấy mạng sống của mình chực chờ trước miệng “thủy thần”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tại bến đò Vàm Bần Tân, vào cuối năm 2007 một chiếc ghe chở khách qua sông va chạm với sà lan.

Tai nạn xảy ra làm ghe bị chìm, 6 người khách cùng 3 xe gắn máy bị nước cuốn trôi. Rất may người dân địa phương đã kịp thời phát hiện cứu được tất cả các nạn nhân.

Theo Phòng cảnh sát giao thông đường thủy TP Cần Thơ, hiện nay thành phố Cần Thơ có 110 bến đò dọc, đò ngang, 42 bến đò chèo. Thống kê cho thấy 50% trong số này không có giấy phép, số đò phát sinh nhiều là từ nhu cầu đi lại hằng ngày của người dân.

Thời gian qua, các địa phương đã tổ chức đấu thầu các bến đò. Tuy nhiên, việc giám sát, quản lý các bến đò này không thật sự chặt chẽ. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người dân lại tự ý lập bến đò, ngang nhiên chở khách mà không bị ngành chức năng phạt, xử lý.

Cần những giải pháp quyết liệt, hiệu quả

Bên cạnh những tồn tại trong quản lý bến đò thì việc quản lý các phương tiện giao thông đường thủy còn nhiều bất cập.

Theo thống kê của ngành chức năng, giao thông đường thủy TP Cần Thơ cũng chiếm một số lượng lớn so với các đường giao thông khác, có 65.911 phương tiện giao thông thủy các loại, trong đó 25.903 phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm. Công tác đào tạo cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng, chứng chỉ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trong tổng số 1.578 thuyền trưởng đang hành nghề chỉ có 165 người có chứng chỉ chuyên môn sử dụng phương tiện. Điều này lý giải sự hạn chế về trình độ hiểu biết, ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy của người điều khiển phương tiện.

Theo báo cáo của Phòng cảnh sát giao thông đường thủy Công an TP Cần Thơ 6 tháng đầu năm 2008, qua kiểm tra 3.030 phương tiện đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 1.329 phương tiện với số tiền 802 triệu đồng; nhắc nhở 1.701chủ phương tiện.

Trao đổi với chúng tôi về các biện pháp nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, Thượng tá Trần Thị Ngọc Đẹp, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho biết, để đảm bảo an toàn cho hoạt động vận chuyển hành khách trên sông nhất là vào mùa mưa lũ, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy tổ chức phân luồng, phân tuyến.

Đồng thời đề xuất với Ban an toàn giao thông TP chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật giao thông đường thủy, chỉnh trang nâng cấp phương tiện, thay thế và bổ sung đủ áo phao, dụng cụ cứu sinh, cứu nạn… đến các xã, phường có bến đò hoạt động.

Một số kiến nghị được đưa ra, đối với các bến đò ngang, đò dọc không đủ điều kiện tham gia giao thông và vận tải hành khách, ngành chức năng cần kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động.

Đối với các phương tiện thủy, ngành chức năng và địa phương cần đẩy mạnh các biện pháp đồng bộ để hết năm 2008 hoàn tất việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa theo quy định của Nghị quyết 32 của Chính phủ (kể từ ngày 1/1/2009 các phương tiện giao thông thủy nội địa nếu chưa đăng ký, đăng kiểm sẽ bị đình chỉ hoạt động).

Huỳnh Hải