Những ám ảnh ở nơi từng là "thủ phủ" ma túy
(Dân trí) - Lượng Minh đã từng được xem là "thủ phủ" ma túy ở huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An). Bao nhiêu người đã chết, bao nhiêu người lâm vào cảnh tù tội, bao nhiêu đứa trẻ mồ côi… Khi cơn lốc ma túy tràn qua, những phận người trở nên bi đát hơn.
Trở lại Lượng Minh – nơi từng được coi là thủ phủ ma túy, điểm trung chuyển thuốc phiện từ Lào vào Việt Nam ngót 20 năm trước, chúng tôi vẫn thấy gai gai người.
Cách đây hàng thập kỉ, những đồi Pù Lôm, những bản Đửa, bản Xốp Mạt khiến những người lạ không dám đặt chân vào. Nơi đây cũng từng diễn ra những cuộc chiến không khoan nhượng giữa lực lượng chức năng và tội phạm ma túy.
Ông trùm Lô Văn Tuấn (còn gọi là Tuấn “trưởng bản”, kẻ mang 3 lệnh truy nã, cùng đồng bọn tổ chức mua bán 200 kg thuốc phiện, 152 bánh heroin), vợ chồng Trần Đăng Khoa, Vi Thị Thanh… lần lượt bị bắt cũng là khi nhiều bản làng của Lượng Minh đã tiêu điều, xơ xác vì ma túy.
Nghiện ma túy, nhiễm HIV, rồi lại dấn thân vào con đường mua bán ma túy để có tiền, có thuốc thỏa mãn cơn nghiện cứ như cái vòng luẩn quẩn ở đây.
Cứ bị bắt, bị phạt tù, mãn hạn tù lại quay lại con đường cũ không phải là hiếm. La Thị Hồng (SN 1976, bản Xốp Mạt, Lượng Minh) là một điển hình như thế. Khi chồng "xộ khám" về ma túy thì Hồng cũng bị bắt và lĩnh 13 năm tù, bỏ lại hai đứa con nhỏ, trong đó có 1 đứa bị tật nguyền cho mẹ già chăm sóc.
Năm 2013, Hồng mãn hạn tù thì chỉ sau đó chưa đầy 2 năm, người phụ nữ này tiếp tục bị bắt giữ vì liên quan đến một đường dây ma túy khác. Lần này, Hồng bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù.
Theo số liệu thống kê chưa chính xác, hiện toàn xã có gần 70 người đang chấp hành án phạt tù liên quan đến tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Công an xã đang quản lí hồ sơ 29 trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Có những gia đình vợ chồng, anh chị em lần lượt kéo nhau vào tù cũng bởi thứ hàng hóa siêu lợi nhuận này.
Trung tá Trần Phúc Tú – Trưởng Công an huyện Tương Dương cho biết, trong những năm qua, cơ quan chức năng đã đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này. Nhiều tụ điểm ma túy nhức nhối lần lượt được triệt phá. “Để xóa được tội phạm ma túy trên địa bàn xã Lượng Minh phải mất rất nhiều thời gian, công sức và phải có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội. Sau thời gian công an làm “rát”, tình trạng mua bán ma túy đã giảm xuống đáng kể nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại phức tạp hơn trước”.
Các điểm nóng mua bán được “hạ nhiệt” nhưng tình trạng nghiện thì vẫn rất nhức nhối. Mở tập hồ sơ dày cộp, Phó trưởng Công an xã Lượng Minh Nguyễn Na Ly đếm: “Theo hồ sơ quản lý của Ban Công an xã thì trên địa bàn hiện có 148 người nghiện ma túy. Bản Đửa là nhiều nhất, 33 người, Minh Thành, Chăm Puông mỗi bản 26 người, bản Côi 25 người, bản Lạ 23 người... So với các năm trước thì giảm nhiều rồi. Người nghiện có ở nhiều lứa tuổi, có cả đàn ông, có cả phụ nữ, phổ biến ở độ tuổi 20 đến 35. Có người mới nghiện, có người nghiện gần 20 năm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh trật tự trên địa bàn”.
Xốp Mạt là cái tên gợi nhiều ám ảnh nhất khi nhắc tới ma túy ở xã Lượng Minh. Năm 2016, bản Xốp Mạt được di dời đến nơi khác nhưng hệ lụy ma túy thì vẫn nguyên như cũ. Vượt qua dốc cao, chúng tôi đến nhà ông Lương Văn T. Ông từng là cán bộ bản, trên vách gỗ là những tấm giấy khen của các cấp về đóng góp của ông, trong đó có cả thành tích phòng chống ma túy. Thế nhưng, cũng chính ma túy đã phá nát gia đình ông.
Lương Thị H. (SN 1990) con gái ông lấy chồng, chồng nghiện ma túy rồi nhiễm HIV, lây sang cho vợ. Rất may đứa cháu ngoại không bị nhiễm mầm bệnh chết người này từ bố mẹ. Con rể chết, ít lâu sau con gái cũng bỏ ông đi. Hai vợ chồng già còm cõi nuôi nấng đứa cháu mồ côi.
Lương Thị M. - đứa con gái khác của ông bà lấy chồng mãi tận Tuyên Quang. Làm ăn khó khăn, vợ chồng M. dắt díu 2 đứa con về quê ngoại. Một thời gian sau thì anh con rể nghiện rồi đi buôn ma túy kiếm lời. Năm 2015, con rể ông T. bị tuyên phạt 4 năm tù. Gửi 2 đứa con nhỏ cho bố mẹ, Lương Thị M. ra Bắc Ninh làm thuê. Chả biết lương thưởng thế nào nhưng cả năm qua, M. chỉ gọi được 5 cú điện thoại và gửi về cho bố mẹ 1,5 triệu đồng để nuôi cháu rồi bặt vô âm tín.
“Hai ông bà già, 3 đứa trẻ nhỏ, không biết bấu víu vào đâu để sống. Nhà có nương sắn đó nhưng sức mình yếu rồi, cũng không làm được mấy. Lần trước con rể gửi thư về, nhắn bảo vợ nộp tiền án phí, gửi cho nó ít triệu nhưng vợ nó tôi cũng không liên lạc được thì biết nhắn cho ai. Chỉ thương các cháu, chúng còn nhỏ quá mà ông bà thì nghèo…”, ông buông một tiếng thở dài.
Tiếng thở bất lực như rơi tỏm trong cái âm u của căn nhà cũ kỹ, trong đôi mắt ngơ ngác của những đứa cháu tội nghiệp.
Hoàng Lam
(còn nữa)