Những ai được giảm 20-50% giá vé ở rạp chiếu phim?
(Dân trí) - Giờ chiếu phim cho trẻ em dưới 13 tuổi tại rạp không muộn hơn 20h. Người cao tuổi, có công với cách mạng, trẻ em,... được giảm ít nhất 20% giá vé.
Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh. Dự thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng.
Ấn định tỷ suất chiếu phim Việt Nam trong rạp
Theo dự thảo, phim Việt Nam phải được chiếu trong hệ thống rạp chiếu phim, đặc biệt vào các đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phim Việt Nam được ưu tiên chiếu vào khung thời gian từ 18-22h. Tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam trong hệ thống rạp chiếu phim được thực hiện theo lộ trình.
Cụ thể, giai đoạn 1, từ ngày 1/1/2023 (thời điểm dự kiến nghị định có hiệu lực - PV) đến hết ngày 31/12/2024, bảo đảm đạt ít nhất 15% tổng số suất chiếu trong năm.
Giai đoạn 2, từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 31/12/2029, bảo đảm đạt ít nhất 20% tổng số suất chiếu trong năm.
Giai đoạn 3, từ ngày 1/1/2030, bảo đảm đạt ít nhất 25% tổng số suất chiếu trong năm.
"Khung giờ bắt đầu chiếu phim cho trẻ em dưới 13 tuổi tại rạp chiếu phim không muộn hơn 20h", dự thảo đề xuất.
Đáng chú ý, người cao tuổi, người có công với cách mạng, trẻ em và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thể được giảm ít nhất 20% giá vé xem phim khi trực tiếp sử dụng dịch vụ tại rạp chiếu phim.
Người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn giá vé; người khuyết tật nặng được giảm tối thiểu 50% giá vé xem phim khi trực tiếp sử dụng dịch vụ tại rạp chiếu phim.
Xử lý phim phổ biến trên không gian mạng vi phạm pháp luật
Dự thảo đề xuất, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim trên mạng phải thiết lập các biện pháp kỹ thuật cần thiết để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em có khả năng dùng các biện pháp kỹ thuật đó để kiểm soát và giới hạn việc tiếp cận của trẻ em.
Trong đó phải xây dựng cơ chế tài khoản đa người dùng bao gồm tài khoản dành riêng cho đối tượng trẻ em; các tài khoản phải có mật khẩu bảo vệ, có cơ chế xác nhận khi chuyển tài khoản, có cơ chế báo cáo cho chủ tài khoản về lịch sử xem và hành vi của tài khoản trẻ em.
Khi truy cập phim gắn nhãn không dành cho trẻ em được truy cập sẽ có thông báo hiển thị xác nhận về độ tuổi truy cập hoặc biện pháp có tính chất tương tự khác.
Doanh nghiệp thực hiện hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng phải thiết lập các biện pháp kỹ thuật cần thiết, hiển thị phần báo cáo nội dung không phù hợp trong màn hình trình chiếu nội dung hoặc nội dung không phù hợp với phân loại độ tuổi người dùng được dán nhãn để người sử dụng dịch vụ khiếu nại, phản ánh, báo cáo phim vi phạm.
Đặc biệt phải xử lý phản ánh, khiếu nại, báo cáo của người sử dụng dịch vụ chậm nhất trong 48 giờ kể từ khi nhận được phản ánh, khiếu nại, báo cáo nếu thấy có căn cứ cụ thể, rõ ràng và kèm theo thông tin liên hệ của người sử dụng dịch vụ.
Trong trường hợp phát hiện phim phổ biến trên không gian mạng có nội dung vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyền yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn truy cập phim vi phạm pháp luật. Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các vi phạm đã được xử lý theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các nội dung vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền tác giả đối với phim thực hiện theo quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh
Dự thảo cho biết, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đại diện chủ sở hữu.
Nguồn thu của quỹ được hình thành từ các nguồn: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ khi thành lập quỹ; huy động đóng góp tự nguyện, tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn thu nhập hợp pháp khác; trích từ doanh thu bán vé của các phim nhập khẩu chiếu rạp tại Việt Nam; từ phí thẩm định và phân loại phim; tiền thuê bao của truyền hình trả tiền; doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình; doanh thu từ các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh bản quyền phim truyền hình, phim điện ảnh.