Nhức nhối tình trạng hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp
(Dân trí) - Nhà báo tác nghiệp là thực thi công vụ, hành vi cản trở, hành hung nhà báo là “chống người thi hành công vụ”. Tuy nhiên, điều này chưa được quy định rõ ràng trong luật, dẫn đến nhiều bất cập trong xử lý các vụ hành hung nhà báo thời gian qua.
Tình trạng hành hung, cản trở nhà báo ngày càng nghiêm trọng
Theo nhà báo Trần Đức Chính, Tổng biên tập báo Nhà báo & Công luận: “Số liệu trong 5 năm qua đã phản ánh số vụ hành hung nhà báo bị xử lý hình sự là rất ít, không có vụ nào khởi tố về tội chống người thi hành công vụ. Đáng chú ý là các vụ cản trở, hành hung nhà báo đều có biểu hiện là đương sự biết rõ người bị tấn công là nhà báo đang tác nghiệp. Tình hình này cho thấy cần phải thiết lập ngay những cơ chế hữu hiệu để bảo vệ danh dự, tính mạng của nhà báo”.
Đặc biệt, từ 1/1/2010 đến nay, tình hình hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp gia tăng cao, diễn biến phức tạp.
Có thể kể ở đây như vụ phóng viên Huỳnh Lộc và Hàn Giang (báo Pháp luật TPHCM) bị hành hung ở Long An, phóng viên Việt Hùng và Sinh Lượng (Đài truyền hình KTS VTC) bị hành hung ở cổng Tập đoàn Vinashin; phóng viên Duy Bùi (báo Thể thao 24h) bị hành hung ở sân Thiên Trường; phóng viên Thái Duy và Mỹ Phương (Đài PTTH Bình Dương) bị hành hung tại Thị xã Thủ Dầu Một; phóng viên Võ Minh Châu (báo Tiền phong) bị hành hung ở Hà Tĩnh; phóng viên Cẩm Châu (báo Nông thôn ngày nay) bị hành hung ở Quảng Nam và đặc biệt nghiêm trọng là vụ phóng viên Trần Thế Dũng (báo Người lao động) bị hành hung đến ngất lịm ở Kéo Kham - Lạng Sơn.
Thậm chí ở vụ hành hung phóng viên Trần Thế Dũng, đương sự còn đưa nạn nhân đến đồn Công an rồi mới bỏ đi, thể hiện sự thách thức kỷ cương phép nước, thách thức ý chí chống tiêu cực của nhà báo.
Vụ hành hung nhà báo Trần Thế Dũng, sau hơn hai tháng điều tra, Cơ quan điều tra CAH Cao Lộc - Lạng Sơn đã thông báo không khởi tố vụ án, chỉ phạt hành chính đối với 1 đối tượng. Phải đến khi dư luận lên tiếng, vụ án mới được khởi tố để điều tra.
Thực tế cho thấy, hành vi hành hung nhà báo cần được áp vào điều khoản luật “chống người thi hành công vụ”, tuy nhiên văn bản pháp luật chưa quy định rõ ràng.
Ông Ngô Huy Toàn (Trưởng phòng Thanh tra báo chí - xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng: “Nhiệm vụ mà nhà báo thực hiện là nhiệm vụ được cơ quan báo chí giao, là nhiệm vụ công. Vì lẽ đó, hoạt động của nhà báo phải được Nhà nước bảo hộ với ý nghĩa là chủ thể đặc biệt... Những trường hợp hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp nếu vượt quá phạm vi hành chính, cần phải khởi tố về tội chống người thi hành công vụ”.
Ông Toàn cũng cho rằng đối với các vụ cản trở, đe dọa, hành hung nhà báo chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần phải xem xét xử phạt vi phạm hành chính và công khai kết quả xử lý trước công luận.
Luật sư Trần Đình Triển - Trưởng văn phòng luật sư Vì dân - Đoàn luật sư TP Hà Nội nói rằng, chúng ta đã có các chế tài để xử lý hành chính những hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp nhưng chưa nói rõ cơ quan nào xử phạt. Các văn bản pháp luật cũng quy định rõ, các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, “nhưng họ không cung cấp thì sao, đã có ai bị xử lý về hành vi này chưa?”, ông Triển nêu câu hỏi.
Theo ông Toàn, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chưa cụ thể dẫn đến cơ quan chức năng khó áp dụng trong thực tiễn.
Vũ Văn Tiến