1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Tĩnh:

Nhọc nhằn nữ phu đá!

(Dân trí) - Dẫu biết nghề phu đá rất nặng nhọc, mạng sống có thể bị đá cướp bất cứ lúc nào. Thế nhưng ngày nối ngày hàng chục phụ nữ ở 2 xã Thạch Hải và Thạch Bàn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vẫn bám trụ ở những rẻo đá chỏng chơ đầy hiểm nguy rình rập

Nhọc nhằn bám đá Nói đến nghề phu đá, người ta nghĩ ngay đến nỗi cực nhọc, hiểm nguy, chính những người đàn ông cũng phải ngán ngẫm với nghề này. Thế nhưng tại vùng đất nghèo thuộc huyện Thạch Hà, chúng tôi bắt gặp những hình ảnh “thân cò” đang hì hục bưng bê những tảng đá nặng đến hàng chục kg lên những chiếc xe tải. Vì miếng cơm manh áo, vì ước mơ của con nhỏ và hạnh phúc gia đình, những người phụ nữ nơi đây đành chấp nhận “vắt” hết chút sức yếu ớt của mình trên tảng đá lớn, để đánh đỗi lấy những thứ quá đỗi bình thường với biết bao nhiêu phụ nữ khác.

Nhọc nhằn nữ phu đá!
Những hòn đá nặng hàng yến, chỉ một sơ sẩy cũng khiến các nữ phu đá gặp nạn. Vất vả, nguy hiểm, nhưng ngày nối ngày các chị vẫn phải gắng sức để mưu sinh. 
Trong cái lạnh “như cắt da, cắt thịt” với không gian rộng lớn đầy khói và bụi với tiếng máy đục, máy múc, tiếng máy khoan như đang thi nhau gầm rú, hàng chục phụ nữ say mê làm việc, họ cứ bưng, bê, kéo, đẩy những tảng đá nặng ra chỗ thuận lợi, rồi cùng nhau lấy hết sức mình bê lên thùng chiếc xe tải. Cứ thế cho đến lúc nào chiếc thùng xe được che bằng chiếc bạt lên phía trên, họ mới có thời gian tranh thủ húp lấy ngụm nước. Lấy tay quệt ngang những giọt mồ hôi, Chị Nguyễn Thị Qúy (SN 1985) trú tại thôn Bắc Hải, xã Thạch Hải kể hoàn cảnh khốn khó của gia đình. Gia đình chị có 3 đứa con, 2 đứa lớn đang trong độ tuổi đi học, một đứa út đang theo học lớp mầmthì mang căn bệnh tim bẩm sinh. Để nuôi được các con ăn học, chồng chị phải vào nam làm thuê, còn chị Quý hằng ngày phải dậy từ 5h sáng theo những chiếc xe đến mỏ đá. “Đến đây tùy vào chủ xe, ai thuê gì tui làm nấy. Công việc nặng nhọc và hiểm nguy lắm, như gạt đá trên thùng xe, hoặc bê đá lên xe. Biết là tính mạng nhiều khi sẽ bị đá cướp đi, nhưng không thể không lam lũ ở mỏ đá này vì ở nhà thì không có việc gì làm, chỉ có nước mẹ con chết đói”. Bi đát hơn gia đình chị Qúy, chị Nguyễn Thị Thái (SN 1972), có 3 người người chồng đã mất trong một chuyến đi biển, một mình đôi vai gầy của chị gánh vác cả gia đình: “Để nuôi được 3 em ăn học chị phải cố gắng rất nhiều lắm, ở cái đất này muốn làm gì cũng chịu, đất nông nghiệp thì không đáng là bao, nghề phụ không có, chị đành phải đi phu đá kiếm tiền nuôi các em. Biết là cực nhọc nhưng hàng ngày sáng sớm đi, trưa về tranh thủ ăn cơm lại ra mỏ đá chiều tối về cũng kiếm được chút ít để trang trải gia đình”.
Nhọc nhằn nữ phu đá!
Chị Thái cố sức bê hòn đá nặng chừng 4 yến lên xe công nông. Công việc nặng nhọc này chỉ mang lại cho chị trên dưới 100 ngàn đồng mỗi ngày  

Để có được thành quả cả ngày, về mùa đông những người phụ nữ như chị Quý, chị Thái phải thức dậy từ 5h sáng và kết thúc từ lúc 17h chiều, về mùa hè thì phải dậy từ 2 đến 3h sáng và làm cho đến tối mịt. Vất vả thời gian lao động nhiều, nhưng những người phụ nữ nơi đây mỗi ngày chỉ có thu nhập từ 50 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng. Chỉ từng ấy tiền kiếm được, nhưng là nguồn sống, là tất tần tật của cả những gia đình như 2 nữ phu đá nghèo xác xơ này.

Nỗi đau chưa dứt…

Tuy ngày ngày lặng lẽ, nặng nhọc trên các mỏ đá mưu sinh, nhưng đã có quá nhiều nữ phu đá đã không may mắn để tiếp tục rảo những bước chân, thô ráp trên các mỏ đá đầy khói bụi nữa. Những vụ tai nạn kinh hoàng, rợn người đã mãi mãi cướp đi mạng sống của họ, khiến thân xác của những người phụ nữ thân thương bị chôn vùi.

Ngồi với các mẹ, các chị, chúng tôi đã rợn người khi nghe thuật lại vụ sập núi đá diễn ra vào chiều ngày 27/12/2007 tại mỏ đá Rú Mốc xã Thạch Bàn đã cướp đi mạng sống của gần chục con người trong đó có 6 nữ phu, nhiều người khác cũng trở thành những tấm thân tàn tạ.

Chị Nguyễn Thị Bích - một nữ phu đá có mặt tại hiện trường vụ tai nạn hôm đó gạt nước mắt kể rằng, chị vẫn luôn bị ám ảnh, vẫn luôn nhớ như in cái ngày đau thương đã lấy đi của chị những người bạn, người chị, người em tốt bụng.

Nhọc nhằn nữ phu đá!
Hình ảnh đau thương sau vụ sập mỏ đá tại Rú Mốc (xã Thạch Đỉnh) hơn 7 năm trước vẫn còn là nỗi ám ảnh, khó nguôi ngoai đối với những người sống bằng nghê phu đá như chị Bích (ảnh: CTV)

“Thường thì hai HTX đá Văn Sơn và Sơn Long mà chúng tôi mưu sinh còn rất đông người, có khi lên đến cả trăm con người, nhưng hôm ấy vì trời đã xế chiều một số người nhà ở xa đã về trước, còn các nạn nhân gặp nạn cố nán lại bốc xong cho chiếc xe công nông chờ sẵn. Xe đá sắp xong rồi, bỗng một tảng đá lớn đổ từ trên cao xuống. Không ai kịp chạy thoát, chỉ trong tích tắc chiếc xe công nông và 7 con người bị đè bẹp. Hiện trường sau vụ sập núi đá thật kinh hoàng, không ai có thể tưởng tượng được. Các thi thể bị chôn vùi, còn bên ngoài tiếng người la hét đau đớn, thảm thiết. Đá đã mang lại cho chúng tôi miếng cơm, manh áo, nhưng cũng chỉ trong một buổi chiều, đá đã lấy đi của chúng tôi gần chục con người. Những người chị, người bạn, người em của chúng tôi từ lành lặn đã không còn nguyên vẹn khi về với cõi vĩnh hằng" – chị Bích buồn bã nhớ lại.

Chị Bích kể tiếp, sau vụ sập núi đá, Thạch Bàn, Thạch Đỉnh nhuốm màu tang thương. Những ngôi nhà vốn đã khó khăn, lại càng cùng cực, không lối thoát khi những những đứa con nheo nhóc không còn bàn tay chăm sóc của người mẹ tảo tần, những người cha rơi vào cảnh gà trống nuôi con. Nhờ sự hỗ trợ, động viên của các cấp chính quyền, của các nhà hảo tâm và sự gượng dậy của các những người ở lại, gia đình các nạn nhân mới dần vượt qua được nỗi mất mát, đau thương.  

Tai nạn, chết chóc vì đá, nhưng như câu chuyện buồn mà ông Nguyễn Hải Lý, Chủ tịch xã Thạch Hải kể, thì người dân nơi đây có quá ít cơ hội để thoát khỏi cơn hậu hỏa mang tên đá.  “Với số dân 3.128 người, nhưng diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp còn 75 hecta. Trước đây dân ở đây có nghề đi biển, nhưng gần đây vì không có cảng để thuyền neo đậu, sản lượng hải sản ít nên người dân bỏ đi biển. Về nông nghiệp thì có 75 ha đất trồng lạc, thế nhưng do ảnh hưởng của mỏ sắt Thạch Khê, số sản lượng lạc cũng giảm hẳn. Chính vì thế nên một số người dân chọn con đường đi làm thuê, còn phụ nữ ở nhà chỉ có nghề phu đá. Nghề phu đá cực kỳ nặng nhọc, nhưng với phụ nữ nơi đây họ vẫn phải làm để có thêm thu nhập, nuôi sống cả gia đình” – ông Lý nói.

Rời các mỏ đá ở miền biển ngang của huyện Thạch Hà, tiếng máy khoan, máy múc như đang thi nhau gầm rú vang cả vùng quê, hình ảnh những người phụ nữ chân yếu, tay mềm đang cố vắt hết sức, đối mặt với chết chóc trên những tảng đá để đổi lấy những đồng tiền ít ỏi chúng tôi không khỏi chạnh lòng.Anh Tấn - Văn Dũng                          

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm