Nhọc nhằn nghề đi “giật lùi” trên biển
(Dân trí) - Khi nước biển rút xuống để lại những bãi bồi mênh mông cát trắng, hàng chục ngư dân nghèo ở xã Hoằng Trường (Thanh Hóa) lại tất bật vào mùa nạo giắt mưu sinh trên những bãi bồi này.
Xã Hoằng Trường là một trong 8 xã ven biển của huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Ngư dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề đi biển đánh bắt cá. Số ít những hộ dân còn lại sống bằng những nghề phụ thuộc vào biển và buôn bán. Trong những nghề phụ ở quê biển có nghề đào ngao, nạo giắt mưu sinh.
Tháng 5 oi bức, cũng là lúc loài giắt biển sinh sản mạnh. Giắt nằm dưới lớp cát mỏng có kích thước to hơn hạt đậu, màu trắng, ruột nhỏ li ti. Giắt ăn có vị thanh mát nên được người dân dùng nấu canh làm thức ăn trong những ngày hè oi bức. Chính vì thế mà nạo giắt cũng trở thành nghề kiếm thêm thu nhập cho những ngư dân nghèo ven biển.
Sáng sớm, khi trời còn chưa tỏ mặt người , chị Nguyễn Thị Hoan ở thôn 3, xã Hoằng Trường lại mang vác đồ nghề lỉnh kỉnh men dọc bờ biển đi nạo giắt. Gọi là đồ nghề chứ những dụng cụ để nạo giắt rất đơn giản. Chỉ cần một cái vợt làm bằng lưới xiếc, ở miệng gắn một thanh sắt mỏng như dao cạo để “ăn” cát biển cho dễ, một cái rổ để đựng và một chiếc xe đạp để thồ giắt đi bán.
Để lấy được giắt, hai tay phải cầm chắc thanh sắt, người cúi lom khom sát mặt nước biển, đi giật lùi thật chậm và cạo nhẹ nhàng dưới lớp cát mỏng. Giắt và cát sẽ chui hết vào trong vợt, chỉ cần đem vợt ra nước sâu đãi cho cát lọt ra ngoài, giắt còn lại sẽ được đưa lên đổ vào rổ.
Một ngày làm việc của chị Hoan thường bắt đầu vào lúc 4 giờ sáng, đây cũng là lúc thủy triều rút ra xa. Đưa tay gạt ngang giọt mồ hôi đang lăn dài trên gò má, chị Hoan cho biết: “Làm nghề này không phải là vất vả nhưng cũng không dễ dàng chút nào. Mỗi ngày tay chân phải ngâm dưới nước mặn ít cũng 4 - 5 tiếng đồng hồ, người lúc nào cũng phải cúi lom khom sát mặt nước và đi giật lùi. Nhiều hôm nắng to, làm chỉ được ít giờ là phải nghỉ vì mệt”.
Gặp hôm thuận lợi, thủy triều lên muộn, chị cũng nạo được khoảng 50 – 100kg giắt. Với giá bán sỉ 1.500/kg cho chủ nuôi vịt, chị Hoan cũng kiếm được 100 – 200 nghìn đồng mỗi ngày. Nhưng số tiền ấy cũng chẳng thấm vào đâu khi chi phí cho một gia đình với 8 miệng ăn và chạy chữa bệnh thoát vị đĩa đệm cho chồng. Vì thế mà chị bảo ngày nào còn sức khỏe ngày đó vẫn còn phải đi nạo giắt, với chị ngoài nghề này ra cũng chẳng còn kiếm được cái việc nào nhàn hơn hay cho thu nhập cao hơn.
Cũng như chị Hoan, bà Lê Thị Thìn cũng là người có kinh nghiệm hàng chục năm làm nghề nạo giắt. Nhưng vì không có mối để đổ sỉ nên nạo được bao nhiêu giắt bà lại bưng đi bán rong khắp làng. Ngày nào nhiều thì được vài chục nghìn, ngày ít dăm ba nghìn, đủ để ông bà rau cháo nuôi nhau. Giắt bán lẻ có giá rất thấp, chỉ từ 500 – 1.000 đồng/1kg.
Ở cái tuổi 74, chưa có tiền trợ cấp của Nhà nước dành cho người cao tuổi, cộng thêm sức khỏe kém, xem ra bà cũng chẳng kiếm được việc nào thuận lợi hơn. Đi nạo giắt với bà dù sao cũng còn thoải mái và dễ kiếm thu nhập, có tiền đong gạo. Một ngày bà chỉ phải đi nạo giắt mấy tiếng vào buổi sáng sớm, còn chiều ở nhà bà có thể chăm con lợn con gà. Hơn nữa, thời gian làm không gò bó, khi nào khỏe thì bà làm còn khi nào lưng đau thì nghỉ.
Xòe đôi bàn tay nhăm nhúm vì ngâm nước biển lâu cho chúng tôi xem bà Thìn cười bảo: “Vài năm nữa chắc tôi cũng không còn đủ sức khỏe mà chạy theo con giắt được rồi, đôi bàn tay già này chỉ ngâm dưới nước vài tiếng là đã nhăn nheo hết lại, chẳng tài nào mà cầm cán vợt được nữa”.
Nói là thế nhưng ngày nào cũng như ngày nào, cứ đúng 4 giờ sáng là bà lại mang vác đồ nghề ra biển mà kiếm ăn. Chỉ những ngày nước lớn hoặc bận mùa màng bà mới chịu ở nhà. Bà bảo: “Làm nghề này lâu năm nên giờ thành thói quen, cứ ngày nào không ra biển lại thấy nhớ như là nước biển đã ngấm vào máu thịt mình rồi, không được ngâm mình dưới biển thì thấy khó chịu lắm”.
Ngoài việc bị nước biển ngấm vào người, nghề nạo giắt nhiều khi cũng nhiều tai họa rình rập. Nhẹ thì chỉ bị vỏ ốc, vỏ hàu đâm vào chân chảy máu. Nặng thì bị mảnh chai, mảnh sành do người dân vứt bừa bãi ra biển làm đứt chân tay. Cũng có người mỗi ngày chỉ kiếm được vài ba chục nghìn tiền giắt nhưng vì ngâm mình, bị tai nạn về ốm cả tháng. Đặc biệt, nghề thường xuyên dầm mình dưới nước biển này tuổi thọ không cao vì khi về già thường hay phát bệnh…
Loài giắt biển sinh sản mạnh và rất nhanh, hàng triệu triệu con nằm chen chúc dưới lớp cát mỏng. Hàng chục ngư dân nạo giắt với đôi tay thoăn thoắt cũng không thể cào hết được thứ “lộc trời” ban cho vùng biển nghèo này. Nhiều năm nay, giắt mang đến cho chị Hoan, bà Thìn mà còn hàng chục hộ dân nghèo khác nơi đây những khoản thu nhập đáng kể.
Nhưng “lộc trời ban” cho vùng biển này rồi cũng có lúc cạn kiệt khi mà loài giắt chỉ sinh sản từ khoảng tháng 5 đến tháng 8 mỗi năm. Những ngư dân nghèo sống bằng nghề nạo giắt cũng phải nghỉ việc và xoay vần trong cái nghèo cái khó cố hữu.
Trưa đến, ánh mặt trời chói chang phản chiếu xuống mặt nước. Những người thợ nạo giắt nghiêng người, nheo mắt nhìn lên bầu trời trong xanh. Quần áo họ đã ướt sũng vì mồ hôi và nước biển. Tất cả thu dọn đồ nghề bê giắt lên chiếc xe đạp cũ thồ về, kết thúc một ngày đi “giật lùi” trên biển...
Thái Bá