Nhọc nhằn bữa cơm công nhân
Liên tục những thông tin rùng rợn liên quan đến bữa ăn công nhân xuất hiện trên mặt báo: Hơn chục công nhân nhập viện vì ăn phải bánh mì có dòi; Dòi xuất hiện trong cá viên chiên của bữa cơm công nhân Cty TNHH quốc tế All Well…
Sự việc công nhân phát hiện có dòi trong bánh mì đã qua lâu, nhưng khi nhắc lại, nhiều công nhân Cty Wonderful Sài Gòn Electric vẫn còn hoảng hốt. Ảnh: Lê Tuyết
Tôi đã vào vai một công nhân thực thụ, và phát hiện bữa ăn của số đông không chỉ có chuyện mấy con dòi.
“Canh toàn quốc” và “thịt nhìn xuyên thấu”
Câu chuyện về những ổ bánh mì có dòi nổi tiếng khắp KCN VSIP, cũng như dòi lại xuất hiện trong cá viên chiên của bữa cơm công nhân của Cty TNHH quốc tế All Well giờ đã nổi tiếng khắp Bình Dương, Vũng Tàu. Ở KCN VSIP, hỏi đường tới Cty Wonderful Sài Gòn Electric hiếm có người biết, nhưng hỏi Cty có công nhân ngất xỉu vì ăn phải bánh mì có dòi nằm ở đâu thì ai cũng rành. Hai tuần sau vụ hơn chục công nhân nhập viện vì ăn phải bánh mì có dòi của tiệm Hồng Phát, tôi trở lại Cty Wonderful Sài Gòn Electric.
Những người lao công, công nhân vẫn chưa nguôi nỗi ám ảnh về bữa ăn kinh hoàng hôm đó. Dòi vẫn còn là chủ đề xôn xao bàn tán trong công nhân, nhưng phía Cty thì từ chối trả lời mọi thắc mắc của tôi với lý do: “Giờ có nói thêm nữa thì chúng tôi và công nhân vẫn không có thêm lợi ích gì”(!?).
Để hiểu rõ hơn một bữa cơm của công nhân như thế nào, tôi xin vào học việc cho một Cty may trên KCN Tân Bình. Tôi học việc không lương nhưng vẫn được hỗ trợ ăn trưa một ngày 12.000đ chia làm 2 phiếu. Có mặt từ 7h sáng, cặm cụi làm việc tới 12h, nghe chuông lần 1, xưởng 1 đi ăn; chuông lần 2, xưởng 2 và phải đến chuông lần 3 thì mới đến lượt chúng tôi, lúc đó cũng đã gần 13h.
Căngtin được chia làm nhiều phòng, ngoài cùng dành cho quản lý, các sếp lớn, kế đến là những sếp nhỏ hơn; trong cùng, rất đông đúc, chật chội là nơi dành cho công nhân và những người học việc như tôi. Cùng đi với tôi là bé Hà, quê tận Phú Thọ, vừa thi xong lớp 12, nhưng thấy không hy vọng gì nên “hành phương Nam” và xin vào đây làm công nhân kiếm sống.
Tôi và Hà gần như là tốp cuối xuống ăn cơm nên không có nhiều sự lựa chọn về thức ăn. Ngoài cơm, Hà chọn một tô canh rau muống, một đĩa rau muống luộc và chén nước chấm. Hết 8.000đ cho bữa trưa, cô bé được thối lại 4.000đ. Tôi chọn canh, rau luộc, gà kho và dưa cải, phải bù thêm 4.000đ. Hạt cơm rời rạc, nở bung, nhạt thếch vì ngâm lâu trong nước, nồi canh bây giờ chỉ còn lềnh bềnh nước. May có miếng thịt gà mà mình phải bù thêm tiền mới có, tôi mới nuốt nổi cơm.
Hà nhìn tôi lắc đầu: “Chị tiêu tiền dữ quá”(!). Hà bảo bố mẹ em từng làm công nhân và ngày đầu tiên đi làm, em đã được dặn: “Muốn trụ được với công nhân, trước hết phải biết hà tiện, chưa làm ra tiền, ăn cơm với rau muống cũng là quá tốt”. Không riêng gì Hà, công nhân ở đây ai cũng tằn tiện, tính toán với từng cọng rau như vậy. Cạnh tôi là vợ chồng anh Khánh, chị Nhưng vừa qua 1 tháng thử việc góp chuyện: “Cô là người mới nên chưa ngán, cứ ăn vài hôm rồi sẽ biết, cơm nở, “canh toàn quốc”, “thịt nhìn xuyên thấu” là thế nào”.
Sau mấy ngày ăn cơm công nhân và phải bù thêm từ 4.000 - 6.000đ/suất, tôi tính ra giá cũng không đến nỗi, nhưng thực tế thật khó để nuốt cho trôi được. Mỗi lần nhìn phần cơm của mình, tôi lại nhớ đến câu chuyện của GĐ Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai D&F: “Chúng tôi đã làm việc với hàng loạt doanh nghiệp đề nghị cung cấp thực phẩm sạch cho suất ăn công nghiệp. Nhà báo biết chúng tôi nhận được câu trả lời sao không? Ai cũng công nhận thịt từ D&F rất sạch, nhưng không ai chịu mua vì: Thịt ở ngoài chợ, ngoài đường rẻ hơn! Từ trước đến nay, chúng tôi chưa đưa được 1 lạng thịt sạch nào vào suất ăn công nghiệp cả!”.
Thu lợi trên bữa cơm công nhân
Trong lúc những nhà phân phối như Đồng Nai D&F muốn đưa thực phẩm sạch vào cho công nhân nhưng cứ mãi đứng ngoài rìa, thì hàng loạt những cơ sở T, doanh nghiệp MH, nhà ăn S... lộng hành, múa may với hàng loạt chiêu bài giá rẻ và chiết khấu cao. Qua lời giới thiệu của một người quen, tôi gọi điện cho một người chuyên kinh doanh “cơm công nghiệp” nổi tiếng giá rẻ, chi hoa hồng mạnh tay nếu thắng thầu, để đề nghị được cung cấp cơm cho 500 công nhân của một Cty trong KCN Bến Cát, Bình Dương.
Vừa nghe tôi nói qua, ông ta đã hồ hởi mời chào: “Nếu em giúp bên anh ký được hợp đồng, bên anh sẽ trích hoa hồng cho em 5 triệu. Hằng tháng sẽ gửi thêm cho em chi phí bồi dưỡng, tùy vào số lượng, lợi nhuận. Em yên tâm, bên anh sẽ không bao giờ để em chịu thiệt”.
Theo lời của bạn tôi, mỗi năm các Cty sẽ mở những buổi đấu thầu cung cấp cơm cho công nhân, đơn vị, cơ sở nào bỏ giá thấp nhất sẽ được chọn, nghĩa là “đấu giá ngược”, giống như những trò chơi nhắn tin giá thấp nhất để được điện thoại trên các gameshow đang hot vậy. Bạn tôi nói: “Tiền hoa hồng sau đó đều được tính trong hợp đồng. Lấy “mỡ nó rán nó” cả thôi”. Vậy nên thêm một đồng chi ra cho nhân sự quản lý, bộ phận quản lý cơm thì đồng nghĩa với việc miếng thịt trong bữa cơm của công nhân sẽ mỏng hơn một chút”.
Chưa hết, hiện giá cả tăng với tốc độ phi mã, nhưng các Cty vẫn đặt mỗi bữa cơm cho công nhân từ 10.000 - 12.000đ/suất, cao nhất cũng chỉ 15.000đ/suất. Số tiền đó, nếu đi ăn cơm bụi vỉa hè thì chẳng thể nào tìm được một bữa cơm đúng nghĩa nói chi đến yêu cầu đủ chất, đủ lượng.
Một đầu bếp công nhân lâu năm chia sẻ: “Thời kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thì muốn giảm tối đa chi phí, các cơ sở cung cấp cơm thì muốn có lời nên ai cũng bày ra đủ chiêu để thu lợi trên bữa cơm của công nhân. Gạo, rau, thịt cũng có năm, bảy đường cung cấp. Chỗ tôi thì nhập về từng sọt rau lớn, chất đó nấu dần, chẳng phải bỏ úa, sâu gì cả, nhân viên ít mà công việc thì nhiều, ngồi nhặt rau có mà bị đuổi việc. Gạo trước khi nấu phải ngâm cho nở ra...”.
Một nghiên cứu gần đây của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Bình Dương về suất ăn công nghiệp của công nhân trên địa bàn các KCN Bình Dương cho kết quả: 47,7% số công nhân trả lời cơm ăn không no và 51% cho rằng cơm không ngon và thiếu chất.
TS-BS Lưu Ngân Tâm - Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Chợ Rẫy - cho biết: “Nếu giá từ 12.000 - 15.000đ/suất với số lượng nhiều thì công nhân vẫn có thể có được một bữa cơm ăn được với điều kiện cơ sở đừng bớt xén, chiết khấu hoa hồng từ chính bữa ăn của công nhân. Tuy nhiên suất ăn đó cũng chỉ là ăn được, ăn cho qua bữa chứ đảm bảo đủ chất thì có vẻ hơi khó. Gần đây có khá nhiều ca ngộ độc thực phẩm tập thể hàng trăm người mà đối tượng chủ yếu là công nhân, đã đặt ra vấn đề là ATVSTP trong bữa cơm của công nhân chưa được quan tâm đúng mực. Theo tôi, các ban ngành có trách nhiệm phải làm tốt hơn nữa khâu kiểm tra và kiên quyết xử lý các cơ sở sai phạm thì may ra công nhân mới có thể an tâm mà ăn cơm...”.
Lời của TS-BS Lưu Ngân Tâm làm tôi nhớ lại câu chuyện ở tiệm bánh Hồng Phát. Ngay sau khi 11 công nhân nhập viện vì ăn bánh mì có dòi, Đội cảnh sát kinh tế Công an thị xã Thuận An và Trung tâm Y tế Thuận An đã kiểm tra khay patê phát hiện dòi bò lúc nhúc. Tại thời điểm kiểm tra, tiệm bánh Hồng Phát không xuất trình được giấy phép kinh doanh cũng như giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau đó, Chi cục ATVSTP Bình Dương cũng đã trả lời báo chí rằng sẽ xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm ATVSTP, trong đó có tiệm bánh Hồng Phát.
Tuy nhiên mới đây khi thực hiện phóng sự này, tôi tìm đến tiệm bánh Hồng Phát và thấy kẻ mua, người bán vẫn tấp nập. Tôi hỏi mua ổ bánh mì đúng kiểu mà trước đó những công nhân của Cty Wonderful Sài Gòn Electric đã ăn, nhưng được trả lời là “hết patê rồi”. Tôi thắc mắc vì rõ ràng còn patê. Chủ tiệm đột ngột nhìn xoáy vào tôi dò xét. Hình như đoán được tôi là nhà báo, chủ tiệm giả vờ làm ngơ, rồi đột ngột đổi giọng, nhát gừng: “Không bán nữa”...
Theo Lê Tuyết
Lao động