Nhớ mãi lần gặp nghệ sỹ nhiếp ảnh 17 năm chụp ảnh Bác Hồ

Phạm Ngọc Triển

(Dân trí) - Đó là nhà báo - nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định, nguyên Tổng thư ký Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam; người 17 năm chụp ảnh về Bác Hồ, trong đó có nhiều tác phẩm rất nổi tiếng.

Nhớ mãi lần gặp nghệ sỹ nhiếp ảnh 17 năm chụp ảnh Bác Hồ - 1

Nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Đinh Đăng Định (bìa phải) và NSNA Đinh Quang Thành (bìa trái) cùng tác giả bài viết tại Triển lãm ảnh nghệ thuật Sa Pa năm 2003 ở Thủ đô Hà Nội (Ảnh: Câu lạc bộ nhiếp ảnh Hồng Hà).

Tôi nhớ mãi dịp dự triển lãm ảnh nghệ thuật Sa Pa do Câu lạc bộ nhiếp ảnh Hồng Hà (Thủ đô Hà Nội) tổ chức đầu tháng 5/2003. Tại triển lãm mình có cơ may được gặp gỡ nghệ sỹ nhiếp ảnh lão thành Đinh Đăng Định người nổi tiếng chụp nhiều bức ảnh Bác Hồ rất đẹp.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh - nhà báo Đinh Quang Thành, nguyên phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam, chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiếp ảnh Hồng Hà vừa được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, một người chụp khá nhiều ảnh về vùng đất và con người Sa Pa có sáng kiến chọn các tác phẩm ảnh xuất sắc của các nghệ sỹ nhiếp ảnh mở cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật nhân kỷ niệm 100 năm du lịch Sa Pa (1903-2003) tại Thủ đô.

Nhớ mãi lần gặp nghệ sỹ nhiếp ảnh 17 năm chụp ảnh Bác Hồ - 2

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi - Ảnh của NSNA Đinh Đăng Định nằm trong cụm các tác phẩm ảnh xuất sắc nhất chụp về Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật năm 2000.

Hồi ấy tôi có vinh dự thay mặt cơ quan Báo Lào Cai được mời về dự triển lãm và phát biểu chào mừng thành viên Câu lạc bộ nhiếp ảnh Hồng Hà có những tác phẩm ảnh nghệ thuật xuất sắc về Sa Pa được chọn trưng bày.

Xong lễ khai mạc, nghệ sỹ Đinh Quang Thành giới thiệu tôi với anh trai cả của ông là nhà báo - nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định khách mời đặc biệt của triển lãm vì ông từng là Tổng thư ký Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam 17 năm liên tục và là nhà nhiếp ảnh nổi tiếng chụp ảnh về Bác Hồ từ năm 1949 tới năm 1966, trong đó có nhiều tác phẩm ảnh rất đẹp và có giá trị cao.

 Vì thế nhà báo - nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định đã được trao Giải thưởng cao quý nhất về văn học, nghệ thuật mang tên Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác phẩm ảnh xuất sắc nhất ông chụp Bác Hồ trong nhiều năm cầm máy ảnh phục vụ Bác. 

Tôi thưa với nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định về những bức ảnh tư liệu lịch sử đặc biệt quý hiếm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp duy nhất Người lên thăm tỉnh Lào Cai ngày 23-24/9/1958 đang được Bảo tàng Lào Cai lưu giữ như báu vật và Báo Lào Cai có vinh dự được chọn đăng trên các ấn phẩm đặc biệt.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định xúc động nghe tôi kể chuyện và ông cho biết thêm tất cả các bức ảnh ông chụp về Hồ Chủ Tịch từ năm 1949 tới năm 1966 đều được lưu giữ lâu dài tại Thông tấn xã Việt Nam và chọn trưng bày tại các bảo tàng lớn trong nước...

Chia tay tôi nhà báo - nghệ sỹ Đinh Đăng Định nhắc lại mấy lần: "Cán bộ lãnh đạo tỉnh Lào Cai ngày xưa giỏi và năng động lắm... Mình muốn lên thăm lại Lào Cai và Sa Pa quê các bạn để chụp ảnh tiếp về sự đổi thay hiện nay nhưng bây giờ sức khỏe không cho phép đi xa rồi...".

Nhớ mãi lần gặp nghệ sỹ nhiếp ảnh 17 năm chụp ảnh Bác Hồ - 3

Bác Hồ nói chuyện với bộ đội tại Đền Hùng trước khi tiếp quản Thủ đô năm 1954 (Ảnh: Đinh Đăng Định). 

Mấy tháng sau tôi nghe tin buồn nhà báo - nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định đã từ trần do tuổi cao, sức yếu, hưởng thọ 83 tuổi.

Nhà báo - nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành em trai cố nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định trong dịp lên giúp Báo Lào Cai mở lớp nâng cao chất lượng ảnh báo chí đã kể với chúng tôi: Nghệ sỹ Đinh Đăng Định quê ở Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Đây là làng quê có nghề dát vàng, bạc nổi tiếng và duy nhất ở Đông Dương.

Ông say mê chụp ảnh từ nhỏ, năm 16 tuổi đã tham gia Hội Ái hữu thợ ảnh do ông Phan Trọng Tuệ (sau này làm Phó Thủ tướng Chính phủ) làm hội trưởng. 

Trước Cách mạng Tháng Tám, ông Đinh Đăng Định làm thợ ảnh cho hiệu ảnh Bel Photo ở số 4, phố Tràng Thi, thành phố Hà Nội và được giác ngộ cách mạng. 

Từ năm 1938, ông được phân công chụp ảnh cuộc mít tinh lớn tại nhà Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô) đòi quyền dân sinh, dân chủ của các tầng lớp nhân dân, thợ thuyền.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông hăng hái tham gia chụp ảnh phong trào ủng hộ "Tuần lễ vàng", "Hũ gạo chống đói", "Bình dân học vụ"… 

Sau ngày 2/9/1945, nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định là một trong số 6 người chụp ảnh được ông Trần Kim Xuyến, Giám đốc Nha Thông tin - Tuyên truyền cử chụp ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bắc Bộ Phủ. 

Sau buổi ấy, ông Đinh Đăng Định còn có dịp chụp ảnh Bác Hồ từ Hội nghị Phông-ten-nơ-blô trở về thành phố Hải Phòng bằng tàu biển và tiếp xúc với nhân dân thành phố này tại một trường học ở Ngõ Nghè.

Được gần gũi Bác Hồ và được Người trực tiếp chỉ dạy, ông Đinh Đăng Định dần trở thành một nhà báo, một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài năng.

Trong 17 năm liên tục sống bên Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã có nhiều ảnh rất đẹp chụp về lãnh tụ vĩ đại của dân tộc như: Bác Hồ cưỡi ngựa đi công tác, Bác ngồi câu cá, đánh bóng chuyền, Bác đọc báo trong hang Pác Bó, Bác Hồ tại mặt trận Đông Khê, Bác tát nước chống hạn cùng nông dân, Bác tiếp chuyện văn nghệ sĩ nước ngoài, Bác vui chơi với các cháu thiếu nhi trong vườn Phủ Chủ tịch, Bác quàng khăn đỏ cho  cháu thiếu niên, Bác tiếp đoàn anh hùng chiến sĩ thi đua Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Bác về thăm quê ở làng Kim Liên (Nghệ An) v.v...

Sau gần 20 năm được sống bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chụp ảnh Bác (1949-1966), nhà báo - nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định nhận nhiệm vụ tập hợp các cán bộ, phóng viên nhiếp ảnh biên chế trong các cơ quan báo chí, văn hóa, các công ty ảnh và hợp tác xã nhiếp ảnh thành lập Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

Đại hội Nhiếp ảnh Việt Nam lần thứ nhất, năm 1966 đã bầu nghệ sỹ Đinh Đăng Định làm Tổng thư ký đầu tiên của Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam trong suốt gần 20 năm liên tục. 

Ông cũng là người tổ chức tờ Tạp chí Nhiếp ảnh và là Tổng biên tập liên tục 17 năm đầu.

Nhà báo - nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định làm việc không ngừng nghỉ, say mê sáng tác ảnh và với những kiến thức sâu rộng về đất nước và con người trong lịch sử hào hùng của dân tộc. 

Ngoài phần thưởng Huân chương Độc lập hạng 3 được tặng trước đó, năm 2000 ông được Chủ tịch nước trao tặng phần thưởng cao quý "Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật".

Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định dù đã qua đời 20 năm nay nhưng những bức ảnh ông chụp năm xưa về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có bộ ảnh Bác lên thăm và làm việc tại tỉnh Lào Cai ngày 23-24/9/1958 còn mãi với lịch sử.