Nhớ hòn Vọng Phu trên đất Nghệ
(Dân trí) - Hàng năm cứ đến ngày 8/3, người dân xứ Thái (Quế Phong, Nghệ An) lại đội lễ ra dòng Nậm Giải, nơi trước đây có hòn Vọng Phu - một khối đá trắng cao khoảng 10m có dáng mẹ bồng con cúi mặt nhìn ra dòng Nậm Giải.
Theo truyền thuyết, đây là câu chuyện tình xúc động của chàng trai chốn thuỷ cung với người con gái Thái đất Mường. Chàng trai vốn là con của Long Vương, trong lần trốn vua cha lên trần gian để dạo chơi hội Xuân đã gặp người con gái Thái xinh đẹp trong váy áo ngày hội, chàng trai mê mẩn quên cả đường về...
Họ cùng nhau trao duyên qua từng câu Nhuôn, câu Xuối, điệu Lăm, điệu Khắp để rồi như duyên tiền định họ kết làm vợ chồng. Họ sống với nhau hạnh phúc bên đứa con thơ - kết quả của một tình yêu say đắm. Ngày ngày chồng lên rừng săn bắt thú, xuống suối bắt cá tôm... vợ ở nhà chăm con dệt vải quay tơ.
Cho đến một ngày, Long Vương cho quân lên tìm bắt chàng trai về trị tội đã vi phạm lề luật tự ý kết duyên với người trần. Không dám chống lệnh, chàng trai từ biệt vợ con để quân lính đưa ra bờ sông theo về chịu tội với vua cha. Trước lúc rẽ nước về thuỷ cung, chàng trai còn quay lại dặn vợ con hãy chờ ngày tái ngộ...
Nhưng từ đó người chồng ra đi mãi mãi. Người vợ chờ mãi, ngày ngày, tháng tháng vẫn bặt tin chồng. Để khuây khỏa nỗi nhớ nhung, hàng ngày nàng lại bồng con ra bến nước nơi người chồng ra đi để trầm tư ngồi đợi tin và trông ngóng bóng chồng.
Mỏi mòn con mắt trong nỗi đợi chờ tuyệt vọng. Cho đến một ngày sau một trận mưa lớn, sáng sớm mai dân bản ra bến nước đã thấy mẹ con người phụ nữ đã hóa đá, dưới chân tảng đá trắng là những dây trầu xanh ngắt leo bám chặt vào từng thớ đá.
Thương cảm cho chuyện tình của họ, từ đó hàng ngày những thiếu nữ Thái trong bản lại cùng nhau đưa những tấm vải do tay mình dệt và những cuộn tơ vàng ra phơi trên tảng đá và kể cho nhau nghe chuyện đá trông chồng đầy cảm động...