1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nhịp sống người Hà Nội trở về "bình thường cũ" được chưa?

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Những ngày qua, không khó để bắt gặp những hình ảnh quá đỗi quen thuộc với người dân Hà Nội. Đường phố bắt đầu đông đúc, ùn ứ; hàng quán nhộn nhịp tới đêm khuya… "báo hiệu" về một trạng thái mới.

Đường phố đông đúc, hàng quán nhộn nhịp

Di chuyển bằng xe máy từ quận Hai Bà Trưng về nhà ở quận Hà Đông trong giờ tan tầm, anh Nguyễn Khắc Quân (SN 1988) cần chờ đợi 2 nhịp đèn mới thoát khỏi nút giao Trần Phú - Vũ Trọng Khánh - Nguyễn Khuyến.

"Cuộc sống dần bình thường trở lại rồi. Kẹt xe, di chuyển khó khăn vẫn hơn cảnh đường phố vắng hoe" - anh Quân nói và liệt kê những điểm ùn ứ mà bản thân vừa gặp phải trên lộ trình di chuyển của mình. Anh Quân nhận xét, cảnh đường phố "đông như cũ" này mới trở lại khoảng 2 tuần nay.

Nhịp sống người Hà Nội trở về bình thường cũ được chưa? - 1

Dù chưa vào giờ tan tầm nhưng phố Nguyễn Trãi, đoạn qua địa bàn quận Thanh Xuân đã nườm nượp phương tiện di chuyển (Ảnh: Thành Trung).

Tâm trạng phấn khởi, háo hức là từ được chị Trần Thị Thu Trang (chủ quán Ốc nướng Tiểu Khu ở Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ về những ngày qua. Doanh thu bắt đầu khởi sắc tiếp thêm động lực để chị duy trì công việc kinh doanh.

Lý giải về dấu hiệu khởi sắc trong việc làm ăn, chị Trang cho rằng, một phần do các quy định đã "cởi mở" hơn, để quán xá hoạt động bình thường thay vì yêu cầu phải đóng cửa trước 21h. Phần còn lại, do tâm lý của người dân cũng thoải mái hơn khi thành phố đã qua đỉnh dịch.

"Hi vọng trạng thái tích cực này sẽ được duy trì ổn định. Công việc kinh doanh thuận lợi mới giúp tôi nhanh bù đắp được các khoản thua lỗ trong thời gian dài đóng cửa hoặc mở cửa nhưng hoạt động hạn chế, cầm chừng" - chị Trang kỳ vọng và dự tính sẽ hoạt động 100% công suất trong thời gian tới.

Nhịp sống người Hà Nội trở về bình thường cũ được chưa? - 2

Doanh thu bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc đã tiếp thêm động lực để chị Trần Thu Trang tiếp tục duy trì việc kinh doanh (Ảnh: Thành Trung).

Và, không khó để có thể thấy lại những hoạt động, cảnh tượng vốn đã quá đỗi quen thuộc với bất kỳ người dân Hà Nội nào trước đây.

Phố đi bộ quanh Hồ Gươm đông vui, đón hàng nghìn người tới thư giãn cuối tuần; thực khách ngồi chật kín ngã tư phố Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến hoặc cảnh hàng nghìn người đổ về con đường hoa phong linh nở vàng rực ở quận Hà Đông để chụp ảnh… là những "dấu hiệu" cho thấy nhịp sống ở Hà Nội bắt đầu "hồi sinh" khi thành phố đi qua đỉnh dịch.

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) lý giải, về mặt tâm lý, người dân đã quá ức chế, căng thẳng và mệt mỏi khi phải trải qua 2 năm dịch bệnh. Từ trạng thái quá sợ hãi về Covid-19, cho đến giờ, khi biến thể Omicron càn quét, mọi người đã nhận thấy dịch bệnh không quá đáng sợ.

Chính vì vậy, xu hướng muốn trở lại trạng thái bình thường về lao động, bình thường về sinh hoạt hàng ngày là tâm lý chung của tất cả người dân. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã nới lỏng nhiều quy định hạn chế các hoạt động tập trung đông người để phòng chống dịch bệnh.

Nhịp sống người Hà Nội trở về bình thường cũ được chưa? - 3

Bác sĩ Trần Văn Phúc ủng hộ chủ trương đưa Covid-19 về bệnh truyền nhiễm nhóm B. Điều này sẽ giúp xã hội được "giải phóng" (Ảnh: NVCC).

Đã có thể trở lại trạng thái "bình thường cũ"?

Trước đó, đại diện sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 9/3, thành phố đã ghi nhận nhiều ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng với tỷ lệ tới 85% số mẫu bệnh phẩm. Vì vậy, Omicron đã là chủng lưu hành chính tại Hà Nội và dự báo số ca mắc sẽ tăng cao.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, những ngày qua, số ca mắc Covid-19 vẫn còn cao nhưng đã có xu hướng giảm. Tỷ lệ bệnh nhân F0 nhập viện thấp, số ca tử vong giảm. Điều này cho thấy Hà Nội đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, trong bối cảnh Hà Nội gần như đã "mở hết" các hoạt động, dịch vụ mà số ca mắc vẫn "đi xuống" thì người dân hoàn toàn có thể trở lại trạng thái bình thường như trước dịch. Nguyên lý, khi dịch Covid-19 luôn thay đổi theo thời gian nên tất cả các biện pháp phòng, chống dịch cũng cần phải điều chỉnh linh hoạt.

"Chúng ta phải thay đổi. Chính phủ cũng đã đưa ra chủ chương nghiên cứu, đánh giá, căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Tôi cho rằng đây là chủ trương hợp lý và cả nước có thể trở lại trạng thái "bình thường cũ", không còn là trạng thái "bình thường mới" nữa" - bác sĩ Phúc chia sẻ.

Nhịp sống người Hà Nội trở về bình thường cũ được chưa? - 4

Đã không quá khó để có thể bắt gặp những hoạt động, cảnh tượng vốn đã quá đỗi quen thuộc với người dân Hà Nội trước khi dịch Covid-19 xuất hiện (Ảnh: Hưng Phan).

Cùng chung đánh giá "nguyên tắc 5K có một số điểm không còn phù hợp", bác sĩ Phúc cho rằng, cả nước nên quay lại nguyên tắc 2K, đó là đeo khẩu trang và khử khuẩn.

Bởi lẽ, ở quy mô toàn xã hội, yêu cầu giữ khoảng cách trong các hoạt động là rất khó. Ngoài ra, không thể không cho tụ tập đông người… vì với làm như vậy nghĩa là cả xã hội lại "đứng im".

Ở góc độ cá nhân, người dân nên đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, việc này thì không chỉ trong đại dịch mà bình thường vẫn cần thực hiện. Đây là những biện pháp phòng vệ mà người dân cần thiết phải làm, phải tạo thành quy tắc sống cho bản thân.

Bên cạnh đó, bác sĩ Phúc cũng lưu ý, cần tránh cả 2 thái cực: Một là thái cực thả lỏng hoàn toàn, chủ quan; hai là thái cực sợ hãi, bắt cả xã hội "đứng im".

"Cả 2 thái cực này đều rất nguy hiểm. Đứng về mặt xã hội, về hoạt động điều hành, tôi ủng hộ chủ trương đưa Covid-19 về danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B. Điều này sẽ giúp xã hội được "giải phóng", không hao tốn mọi thứ một cách quá mức nhưng ngược lại, chúng ta cũng không được quá chủ quan. Và để không quá chủ quan thì cần phải làm tốt công tác phòng vệ cá nhân, trang bị ý thức, kỹ năng với mỗi người dân" - bác sĩ Phúc bày tỏ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm