Trở lại "bình thường cũ"

Nguyễn Lân Hiếu

(Dân trí) - Bác sĩ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đề xuất sớm đưa Covid-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, chuyển từ nhóm A sang nhóm B và trở lại "bình thường cũ".

Chúng tôi vừa "đóng" một đơn nguyên hồi sức bệnh nhân Covid-19 nguy kịch tại Bệnh viện Hoàng Mai. Đây là cơ sở y tế có nhiệm vụ điều trị bệnh nhân nặng nguy kịch với quy mô 500 giường. Lúc cao điểm vừa qua, bệnh viện này có hơn 200 trường hợp nguy kịch, nhưng hiện chỉ còn 69 bệnh nhân nặng với 17 ca thở máy. Theo tôi được biết, sức ép điều trị ca nặng ở các bệnh viện khác trên toàn quốc cũng đã giảm rõ rệt so với tuần đầu tháng 3. Như vậy dự đoán của giới chuyên môn về việc Việt Nam sẽ vượt qua đỉnh dịch vào giữa tháng 3 đã đúng.

Bản tin trên báo Dân trí mới đây "Phố đi bộ Hồ Gươm đông vui như chưa từng có dịch Covid-19", phần nào phản ánh mức độ ảnh hưởng của đợt dịch đã qua và xu hướng người dân ứng xử với dịch bệnh hiện nay. Còn tôi vừa tận mắt chứng kiến công viên trên đường Tôn Đức Thắng, người dân TP HCM xả stress cuối tuần mặc dù vẫn nghiêm chỉnh đeo khẩu trang ngoài những lúc bỏ ra tạo dáng chụp ảnh selfie.

Chúng ta không chủ quan. Nhưng các dữ liệu về tiêm chủng (Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới), về khả năng phòng vệ với Covid-19 của các cơ sở y tế và thái độ của người dân…, đều cho thấy đã đến lúc cần có cách tiếp cận khác với Covid-19.

Trở lại bình thường cũ - 1

Bác sĩ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu

Chính phủ mới đây yêu cầu nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Tôi cho rằng cần sớm đẩy nhanh quá trình này, ngay trong tháng 3 này, vì chúng ta đã hoàn toàn có đủ khả năng tiếp nhận, điều trị Covid-19 như một bệnh lý chuyên khoa. Nghĩa là một bệnh nhân mắc Covid-19 cũng như những bệnh về tiêu hóa, tim mạch hay tai, mũi, họng… Họ sẽ tìm đến chuyên khoa Covid ở các bệnh viện để khám và điều trị.

Theo quy định hiện nay, người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí. Khi chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh sẽ như với các bệnh lý khác, có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.

Nếu chúng ta vẫn giữ những quy định ngặt nghèo của bệnh truyền nhiễm nhóm A với Covid-19, sẽ rất khó khăn cho các bệnh viện hoạt động khi phải chữa các bệnh lý khác. Trong khi đó, tỷ lệ các bệnh lý không do Covid-19 gây ra đang nhiều hơn, nguy hiểm hơn so với các bệnh lý do Covid. Chỉ có đưa Covid trở thành bệnh lý chuyên khoa, hệ thống y tế mới trở lại "bình thường cũ", còn kéo dài như hiện nay thì hệ thống sẽ không thể nào trụ được. Đơn cử, trước khi dịch bùng phát, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở 1 ở Tôn Thất Tùng có quy mô 500 giường bệnh và vừa qua mở thêm cơ sở 2 ở Trương Công Giai. Tổng số nhân viên y tế hơn 1.000 người. Sau khi đại dịch xảy ra, ngoài việc chi viện các tỉnh, Bộ Y tế giao Bệnh viện Đại học Y Hà Nội xây dựng cơ sở điều trị Covid-19 ở Hoàng Mai cũng với quy mô 500 giường, nghĩa là cần khoảng gần 1.000 cán bộ nhân viên nữa. Đội ngũ nhân viên y tế đã nỗ lực đáp ứng yêu cầu chống dịch trong giai đoạn vừa qua, nhưng nếu kéo dài sẽ tốn kém nguồn lực và thực tế không thể duy trì được.

Ông Nguyễn Lân Hiếu là bác sĩ chuyên ngành tim mạch, Phó giáo sư, Tiến sĩ Y khoa; Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; thành viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIV, XV.

Khi coi Covid là một chuyên khoa, không có nghĩa là hạ thấp sự nguy hiểm của dịch bệnh này, mà chúng ta theo dõi thật sát và phản ứng linh hoạt. Có ba chỉ số cần theo dõi, gồm: Xét nghiệm thăm dò để phát hiện biến chủng mới; ghi nhận sự lây lan đột ngột dịch bệnh trong một cộng đồng nhất định; và tình hình bệnh nhân chuyển nặng phải nhập viện. Những chỉ số này nếu phát sinh vấn đề đáng lưu ý thì cơ quan quản lý chuyển trạng thái chống dịch. Nghĩa là chúng ta không ngồi chờ diễn biến của Covid mà phản ứng linh hoạt. Còn trong tình hình hiện nay, đã đến lúc phải trở lại "bình thường cũ" để hướng tới hai mục tiêu. Một là, tránh quá tải cho hệ thống y tế, các bệnh viện đủ sức điều trị các bệnh lý thông thường, bao gồm Covid. Hai là phục vụ cho lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế - xã hội thời kỳ "hậu Covid".

Nếu có gì khác với trước khi bùng dịch, đó là các cơ quan quản lý vẫn cần khuyến khích người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng, rửa tay thường xuyên hơn. Những ai nhiễm Covid vẫn nên ở nhà, có dấu hiệu chuyển nặng thì vào bệnh viện điều trị. Các trường hợp bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng vẫn nên hạn chế tiếp xúc để tránh nguy cơ lây nhiễm cho nhóm nguy cơ cao như người già, trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai… Việc cách ly người bệnh dứt khoát không cực đoan như trước đây. Bất cứ ai xét nghiệm nhanh âm tính sẽ đi làm trở lại bình thường.