Nhiều ý kiến “bác” đồ án quy hoạch “siêu Thủ đô”
(Dân trí) - Cuộc hội thảo thứ 2 lấy ý kiến phản biện về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội, các ý kiến từ Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật và Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội đã không giấu nhiều hoài nghi về triển vọng xây dựng "siêu Thủ đô".
Hà Nội thu nhập 20.000 USD/người khó khả thi
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị (QHPTĐT) Hà Nội nêu 7 vấn đề còn mắc từ đồ án do liên danh tư vấn PPJ: Perkins Eastman - Posco E&C - Jina (Mỹ - Hàn Quốc) thực hiện.
Ông Nghiêm tỏ ý băn khoăn về mức độ tăng trưởng, mục tiêu phát triển của thành phố, cấu trúc, quy mô đô thị, quy mô dân số, ý tưởng mô hình vành đai xanh, khu hành chính quốc gia, xây dựng sân bay quốc tế đặt ra trong đồ án.
Hiện trạng Hà Nội phát triển tự phát và ý tưởng quy hoạch đô thị trung tâm.
Dưới con mắt của ông Kiến trúc sư trưởng một thời của Hà Nội thì nhà tư vấn đã đưa ra những phương án thiếu khả thi khi “tham vọng” xây dựng Hà Nội thành một Thủ đô bền vững hàng đầu thế giới với quy mô dân cư lên tới khoảng 15 triệu dân, mức thu nhập bình quân đầu người 20.000 USD/năm.
Ông Nghiêm phân tích, mức thu nhập hiện tại của Hà Nội là 830 USD/người/năm, kém xa TPHCM. “Nếu cứ nhìn mức dự báo của tư vấn thiết kế, tôi “sướng”… run vì chỉ 10 năm nữa, dân Hà Nội đã có mức sống như dân Hàn Quốc hiện tại” - ông Nghiêm cho rằng kịch bản tươi đẹp không có “cửa” đạt được.
Khái niệm vành đai xanh, theo Phó Chủ tịch Hội QHPTĐT Hà Nội, từ thời ông tại nhiệm đã có chủ trương phải làm, phải giữ cho được khu vực giãn cách “bọc” thành phố. Tuy nhiên, vành đai vẫn lần lượt bị chọc thủng bởi chính lợi thế của các khu vực lân cận áp sát, lấn át dần.
Mô hình thành phố phát triển dọc 2 bên bờ sông Hồng cũng từng là niềm tự hào của những người làm kiến trúc thành phố. Ông Nghiêm còn dẫn vị trí 7 cây cầu trên bản vẽ quy hoạch của mình nhưng qua 11 năm, mới chỉ triển khai làm 2 chiếc mà đến giờ vẫn chưa xong.
Từ bài học thực tế, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố cảnh báo, những dự báo đưa ra nếu không chuẩn sẽ tiếp tục đẩy thành phố vào những vấn đề “xôi đỗ” phức tạp.
Ông Đào Ngọc Nghiêm đặt dấu hỏi cho 7 vấn đề của đồ án.
GS. Nguyễn Xuân Hãn tỏ ý đồng tình với phần phản biện ông Nghiêm khi đã chỉ ra được những mâu thuẫn của các con số. Ước vọng một Thủ đô quy mô hàng đầu thế giới như đồ án sẽ có diện tích, dân số, lượng xây dựng lớn hơn cả Matxcơva - Thủ đô của đất nước chiếm tới 10% diện tích thế giới.
ThS. Bùi Tâm Trung (Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Thủ đô) góp ý, không nên đề ra tầm nhìn “cao sang” cho Hà Nội phải trở thành hiện đại hay hoành tráng hàng đầu khu vực, thế giới vì chẳng du khách nào tới Việt Nam để xem mức độ hiện đại mà chỉ để tìm đến một thành phố có bản sắc riêng của Á Đông.
Theo ông Trung, ngay cả mục tiêu xây dựng Hà Nội thành trung tâm kinh tế, công nghệ cao, nông nghiệp, công nghiệp… hàng đầu cả nước cũng không nhất thiết. Ông Trung nêu ví dụ: Nước Mỹ đặt nhiệm vụ đó cho New York chứ không phải Washington, Trung Quốc cũng xây dựng một Thượng Hải sôi động, đỡ gánh cho Bắc Kinh.
Khu hành chính quốc gia “lệch” triết lý người Việt
Bản quy hoạch chung Thủ đô đưa ra những phương án di chuyển trung tâm hành chính quốc gia tới khu vực tây Hồ Tây, đoạn giữa sông Đáy - sông Tích hay tại Thạch Thất (Hà Tây cũ) đã bị hầu hết các ý kiến đến từ Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Hà Nội “bác” thẳng thừng.
TS. Vũ Hoan cho rằng, trung tâm hành chính quốc gia không thể tách dời khu Ba Đình, nơi hội tụ đủ yếu tố địa chính trị, địa kinh tế, địa xã hội được khẳng định từ thời Lý Thái Tổ dời đô.
Còn TS. Nguyễn Hoàn (Hội Kinh tế Việt Nam) phân tích, bản quy hoạch không được nhìn dưới con mắt, quan điểm của người Hà Nội, người Việt Nam nên “lệch” so với tư duy, triết lý của người Việt.
2 phương án tổ chức không gian Hà Nội của tư vấn PPJ.
Về việc xây dựng một sân bay quốc tế mới phục vụ cho Thủ đô, TS. Hoàn góp ý, quy mô đủ tầm quốc tế phải đảm bảo cho máy bay A380 lên xuống thoải mái. Diện tích sân bay mới theo đó phải khoảng 5.000ha, con số vượt hơn nhiều so với phương án của đơn vị tư vấn quy hoạch.
Với diện tích chiếm đất lớn, theo ông Hoàn, không nên xây dựng sân bay trong lòng Hà Nội, không nên “phung phí” khu vực Láng - Hoà Lạc nhưng cũng không nên xây dựng từ nền sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Khoảng cách phù hợp được kiến nghị là khu vực Hưng Yên, Hải Dương.
Đứng trên góc độ cơ quan quản lý về giao thông vận tải, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Thanh Lợi “nhắc” những quy chuẩn cần đảm bảo từ bản đồ án: quỹ đất giao thông tối thiểu 26%, bãi đỗ xe 5%...
Mạng lưới đường cũng được kiến nghị thay đổi, thiết kế dạng bàn cờ và vành đai thay vì dạng dẻ quạt. Ông Lợi cũng cho rằng giao thông đối ngoại cần được quan tâm hơn trong đồ án để tránh tình trạng xung đột, tắc đường từ thành phố tỏa ra các trục quốc lộ, cao tốc như thời gian vừa qua.
P. Thảo