1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thừa Thiên Huế:

Nhiều xã cho người chết "sống lại" để ăn tiền

(Dân trí) - Sau vụ việc đã đem ra xét xử tại xã Quảng Phú, thời gian gần đây các cơ quan chức năng huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) liên tục phát hiện thêm nhiều xã cho người chết "sống lại" để ăn chặn tiền chính sách xã hội trong một thời gian dài.

Sai phạm qua nhiều đời cán bộ

Mới đây, cơ quan CSĐT huyện Quảng Điền đã tiến hành điều tra tại xã Quảng Thái. Cũng với thủ đoạn tương tự từ tháng 1/2001 đến tháng 8/2004, Xã Đội phó Văn Đức Quang (giữ chức vụ phụ trách cấp phát tiền chính sách xã hội - CSXH) đã lợi dụng chiếm đoạt gần 50 triệu đồng.

Bên cạnh đó, ông Quang còn để cho thân nhân những người được hưởng chế độ chết không làm thủ tục báo tử, hoặc chậm báo tử dẫn đến việc làm hồ sơ cắt giảm chậm gây thiệt hại từ năm 2001 đến tháng 8/2004 là trên 40 triệu đồng.

Cuối tháng 9/2007 TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Hoàng Trường Nguyên, nguyên cán bộ chính sách (CBCS) xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, 7 năm tù giam về tội "tham ô tài sản".

 

Trong thời gian từ tháng 10/2002 - 9/2005 Hoàng Trường Nguyên đã rút ruột tiền chính sách xã hội tổng cộng 104 triệu đồng.

Sau khi sự việc được Phòng Nội vụ Lao động Thương binh và Xã hội (Nội vụ-LĐ-TB&XH) huyện phát giác, ông Quang đã bị đình chỉ công tác để kiểm tra. Thế "chân" ông Quang, ông Hồ Linh "nối gót", từ tháng 9/2004 đến tháng 8/2005. Cùng chiêu thức và thủ đoạn trên ông Linh đã làm thất thoát tiền của nhà nước gần 50 triệu đồng.

Cũng với thủ đoạn chi trả “khống” sau khi đối tượng chính sách qua đời, ông Lê Công Úy, nhân viên hợp đồng xã Quảng Công, đã gây thất thoát 15 triệu đồng công quỹ.

Tương tự, ông Nguyễn Hiếu, CBCS xã Quảng Vinh cũng dùng thủ đoạn không báo tử lúc đối tượng chính sách đã qua đời, kéo dài thời gian chi trả 1-3 tháng để chiếm đoạt 1,5 triệu đồng. Sự việc đã được Phòng Nội vụ-LĐ-TB&XH phát hiện và buộc thôi việc đầu năm 2006, để cơ quan kiểm tra vào cuộc.

Vụ án kéo dài do đâu?

Mặc dù thủ đoạn chiếm dụng tiền chính sách theo kiểu này không mới, với số tiền không phải đặc biệt lớn (hơn 200 triệu đồng), nhưng đây là tiền trợ cấp cho những gia đình "chính sách" và phạm tội trong một thời gian dài.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Bửu Trưởng Phòng Nội vụ-LĐ-TB&XH huyện Quảng Điền cho biết: "Phần nhiều các cán bộ cấp phát tiền CSXH xã đã báo cáo lùi để ăn chặn tiền, bên cạnh đó chính quyền xã không quản lý chặt chẻ. Trách nhiệm này thuộc về xã, đứng đầu là những cán bộ đứng ra ký duyệt".

Cũng theo ông Bửu, mặc dù anh em đã cố gắng hết mình nhưng vẫn bị sơ hở do không phối hợp chặt chẽ giữa Phòng, xã và cán bộ cấp phát tiền CSXH.

Theo quy định khi có đối tượng hưởng trợ cấp chết, cán bộ cấp phát tiền CSXH phải hướng dẫn nhân thân của họ làm thủ tục khai tử theo quy định của pháp luật, căn cứ giấy chứng tử của UBND của xã, cán bộ CSXH phải lập phiếu báo giảm theo mẫu C05-H/LĐ trình chủ tịch UBND xã ký đóng dấu, sau đó gửi về Phòng Lao động thương binh xã hội huyện để làm thủ tục thôi hưởng trợ cấp.

Tuy nhiên có 1 thực tế là không hiểu vì lý do gì sau khi những người được hưởng trợ cấp mất đi, các ngành chức năng của huyện, xã phải có trách nhiệm đi viếng. Vậy tại sao trong quá trình phê duyệt, cắt giảm các chế độ lại không phát hiện ra người đã mất...?!

Hiếu Giang