1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Nhiều vụ án được phá thành công thông qua quản lý tần số

Thế Kha

(Dân trí) - Công tác phối hợp quản lý thiết bị phá sóng gây nhiễu thông tin di động để thực thi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia đã được thực hiện chặt chẽ, xác định rõ đối tượng được sử dụng thiết bị phá sóng.

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Tần số vô tuyến điện đang được Bộ Tư pháp thẩm tra, từ năm 2010 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận và xử lý thành công trên 1.300 vụ nhiễu có hại. Trong đó có tới trên 900 kháng nghị nhiễu mạng thông tin di động (với gần 3500 trạm gốc); trên 100 vụ can nhiễu liên quan đến mạng vô tuyến điện phục vụ mục đích điều hành, giám sát hoạt động bay; 40 nguồn can nhiễu liên quan đến đài phát thanh, truyền thanh không dây, mạng truyền dẫn truyền hình cáp có phát xạ không mong muốn gây can nhiễu…

"Nguyên nhân can nhiễu mạng thông tin di động chiếm tỷ lệ lớn là do các thiết bị vô tuyến điện sử dụng tần số không phù hợp quy hoạch phổ tần số quốc gia, không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật gây can nhiễu. Các tỉnh, thành phố bị can nhiễu chủ yếu gồm: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế,..."- báo cáo cho hay. 

Nhiều vụ án được phá thành công thông qua quản lý tần số - 1

(Ảnh minh họa).

Xử lý thành công các vụ can nhiễu có tính chất nghiêm trọng

Trong công tác phối hợp giải quyết can nhiễu các mạng đài vô tuyến điện phục vụ mục đích kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xử lý thành công các vụ can nhiễu có tính chất nghiêm trọng như: can nhiễu do thiết bị chế áp gây nhiễu các mạng thông tin di động; can nhiễu đến hệ thống ra-đa cảnh giới làm ảnh hưởng đến khả năng phát hiện mục tiêu; can nhiễu ảnh hưởng đến mạng điều hành bay, ra-đa dẫn đường bay quân sự.

Trong 10 năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, phát thanh truyền hình thực hiện nhiều cuộc phối hợp tần số với các nước có chung đường biên giới như Lào, Campuchia, Trung Quốc về thông tin di động, về tần số phát thanh truyền hình ... góp phần đảm bảo sự thông suốt về thông tin khu vực biên giới.

Cụ thể, hiện tại Việt Nam đã hoàn thành phối hợp các mạng thông tin di động thế hệ 2G, 3G với các nước láng giềng (Lào, Campuchia, Trung Quốc), góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước sử dụng mạng vô tuyến điện tại khu vực vùng biên được hiệu quả, thông suốt và không có can nhiễu.

Việt Nam cũng đang tích cực hợp tác với các nước nghiên cứu, đàm phán các phương án sử dụng tần số phát thanh truyền hình tại khu vực vùng biên. Nhờ các thỏa thuận về thủ tục xử lý can nhiễu trong Biên bản phối hợp tần số vùng biên, các vụ can nhiễu về tần số di động, phát thanh truyền hình đều được hai bên phối hợp xử lý nhanh, giảm ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà mạng.

Thông qua việc trao đổi, cập nhật về tình hình quản lý tần số của mỗi nước hàng năm, Việt Nam đã tranh thủ tìm kiếm, vận động các nước láng giềng có cùng quan điểm về việc sử dụng tần số đối với các nghiệp vụ quan trọng mà hai bên cùng quan tâm. Từ đó xây dựng các quan điểm chung của nhóm gửi đến các hội nghị tần số vô tuyến điện quốc tế, đảm bảo giữ vững quyền lợi và chủ quyền quốc gia về mặt tần số vô tuyến điện cho Việt Nam.

Nhiều vụ án được phá thành công thông qua quản lý tần số - 2

Trạm thu phát sóng di động ở Hà Nội (Ảnh: Minh Thi).

Xác định rõ đối tượng được sử dụng thiết bị phá sóng

Theo báo cáo, triển khai thực hiện Luật Tần số vô tuyến điện, Bộ Quốc phòng đã thành lập Ban quản lý tần số vô tuyến điện, Bộ Công an có Cục Viễn thông và Cơ yếu là đầu mối quản lý tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh. Thông qua các cơ quan đầu mối này công tác lập quy hoạch và phối hợp kiểm soát và xử lý can nhiễu ngày càng chặt chẽ, việc sử dụng tần số của các bên dần đi vào nề nếp, tuân thủ quy hoạch, không để xảy ra những vụ vi phạm nghiêm trọng.

Với việc xác định cơ quan đầu mối, cùng với thủ tục xử lý nhiễu rõ ràng, đơn giản, 3 Bộ đã tổ chức phối hợp tốt trong việc kiểm soát xác định nguồn can nhiễu, rút ngắn thời gian xử lý nhiễu có hại giữa các mạng đài vô tuyến điện phục vụ mục đích kinh tế -xã hội, quốc phòng, an ninh.

Công tác phối hợp quản lý thiết bị phá sóng gây nhiễu thông tin di động để thực thi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia đã thực hiện chặt chẽ, xác định rõ đối tượng được sử dụng thiết bị phá sóng, nhờ đó giảm thiểu ảnh hưởng không mong muốn từ thiết bị gây nhiễu đến các mạng thông tin vô tuyến điện, đặc biệt là các mạng thông tin di động như đã thường xuyên xảy ra trước đây.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp kiểm soát tần số vô tuyến điện trong thời gian diễn ra Hội nghị quan trọng của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, luôn được chú trọng, không để xảy ra vụ việc bất ngờ.

"Thông qua hoạt động phối hợp quản lý tần số, nhiều vụ án như sử dụng thiết bị vô tuyến điện đã được phá án thành công. Ví dụ như: đài phát thanh trái phép tuyên truyền phản động; lừa đảo bằng công nghệ cao; tổ chức đánh bạc xuyên biên giới Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia"- báo cáo dẫn chứng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm