1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Tĩnh:

Nhiều văn nghệ sĩ xót xa tiếc nuối danh thắng Sư Tử

(Dân trí) - Hầu hết ý kiến của các nhà văn, nhà nghiên cứu về núi Hồng sông La đều mong muốn tỉnh Hà Tĩnh đóng cửa mỏ, phản đối kiến nghị của Sở TN-MT cho phép Tổng công ty hợp tác kinh tế Quân khu 4 được mở rộng diện tích khai thác, để cứu ngọn Sư tử linh thiêng trước khi chưa quá muộn.

Những ngày qua, sau khi Dân trí lên tiếng về tình trạng ngọn Sư Tử - một tuyệt tác của tạo hóa nằm trong danh thắng núi Hồng ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh - bị bức tử không thương tiếc bởi tình trạng khai thác đá thương phẩm tại đây, nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu đã gửi tới Dân trí những ý kiến bày tỏ sự luyến tiếc, xót xa trước di sản đã đi vào thi ca, văn hóa của xứ sở Hồng Lam.


Đầu sư tử trong danh thắng núi Hồng bị bức tử loang lổ.

"Đầu sư tử" trong danh thắng núi Hồng bị bức tử loang lổ.

"Vì sao ra nông nỗi này?"

Nhà văn Đức Ban - nhà nghiên cứu, người vừa vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về sự nghiệp văn chương - chia sẻ đầy trăn trở: "Hồng Lĩnh bao đời là danh thắng bậc nhất, là biểu tượng văn hóa của Xứ Nghệ. Dãy núi kỳ thú này ngót một ngàn năm đã đi vào văn chương, nghệ thuật, vào ký/chí... như một huyền thoại...

“Cửu thập cửu phong thứ đệ bài”- Chín mươi chín ngọn núi giăng bày (Thơ Thiệu trị) thu hút sự chú ý, tạo cảm hứng nhiều nhất cho các thi nhân, chính khách... Và ngọn Sư Tử, một ngọn núi có hình dạng con Sư tử trong thần thoại Hán – Việt, ai cũng biết đến ngọn núi này vì đó là một công trình thiên nhiên, là “chiếc cầu mà các nàng tiên tắm ở đó” (Le Breton; An Tĩnh cổ lục; NXB VHTT trang 85).


Nhà văn Đức Ban

Nhà văn Đức Ban

Ai đã từng được nhìn ngọn Sư Tử một lần, đặc biệt là lúc bình minh rực đỏ trên những mào núi hoặc khi hoàng hôn ráng trời phớt màu hồng lên bờm Sư tử sẽ không bao giờ quên được cái cảm giác về một ngọn núi gần gũi mà xa xôi, giản dị mà cao cả, linh thiêng.

Đấy là trước năm 2001, khi tỉnh Hà Tĩnh chưa cấp phép cho Tổng công ty hợp tác kinh tế QK4 khai thác, xẻ thịt ngọn Sư Tử. Khi tiếng mìn và khói bụi chưa làm rùng mình màu xanh sườn Tây Hồng Lĩnh. Còn nay đi trên QL 1 nhìn ngọn Sư Tử tôi tin nhiều người, rất nhiều người tử tế sẽ hỏi: Vì sao? Vì sao ra nông nỗi này? Có cứu sống được ngọn Sư Tử - một giá trị văn hóa, một linh khí đất trời hàng ngàn năm tụ kết được nữa không? Ai sẽ trả lời?".


Nhà văn Đức Ban: Có cứu sống được ngọn Sư Tử - một giá trị văn hóa, một linh khí đất trời hàng ngàn năm tụ kết được nữa không?

Nhà văn Đức Ban: Có cứu sống được ngọn Sư Tử - một giá trị văn hóa, một linh khí đất trời hàng ngàn năm tụ kết được nữa không?

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng viết về quê hương Hà Tĩnh, người được tặng Huy chương “Vì sự nghiệp Văn hóa” năm 2000, bày tỏ: “Khi viết về Hà Tĩnh, người ta, trong đó có tôi, thường nhắc đến núi Hồng - sông La. Bất cứ một ngọn núi, một dòng suối, một cành cây ngọn cỏ nào ở dải Ngàn Hống này cũng trở thành một gia vị, một cái gì đó rất tinh túy, là nguồn cảm hứng bất tận cho người nhạc sĩ như tôi khi viết về quê hương Hà Tĩnh. Giờ nhìn cả một ngọn núi như thế quả là quá xót xa!

Tôi nghĩ rằng muộn còn hơn không, chúng ta cần phải chung tay bảo vệ danh thắng có một không hai, hình ảnh biểu trưng đầy tự hào của người dân Hà Tĩnh”.

Nhà văn, nhà báo Phan Trung Hiếu - Chủ tịch Hội liên hiệp Văn hóa nghệ thuật Hà Tĩnh bày tỏ: “Người ta bỏ tiền để mua sư tử đá của Tàu về thờ, còn sư tử thật trong thế núi hình sông của đất nước, quê hương thì sao? Tôi không am tường lắm về phong thủy, nhưng thật lấy làm e ngại và tiếc cho cái đầu sư tử của Ngàn Hống linh thiêng đang che chắn cho mạn Bắc lại bị chính chúng ta phế bỏ”.

Nhà văn Phan Trung Hiếu
Nhà văn Phan Trung Hiếu

Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Quang Ái, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh, rất hoan nghênh loạt phóng sự dài kỳ của báo Dân trí phơi bày thực trạng ngọn Sư Tử bì bức tử đến biến dạng.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ cách đặt vấn đề của Dân trí. Vì hơn ai hết là người nghiên cứu văn hóa – du lịch, tôi hiểu những giá trị văn hóa – lịch sử thiêng liêng của dãy núi Hồng Lĩnh mà người xưa đã tự hào tôn vinh là “Hoan Châu đệ nhất danh thắng”. Vì những thuận lợi về giao thông, những lợi ích trước mắt mà người ta đã khai thác ồ ạt, băm vằm, xẻ thịt, lột da dãy núi huyền thoại này”- nhà nghiên cứu Phạm Quang Ái nói.

Không nên mở rộng khai thác

Hầu hết ý kiến của các nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa nêu trên đều bày tỏ phản đối kiến nghị của Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh gửi UBND tỉnh này cho phép Tổng công ty hợp tác kinh tế Quân khu 4 được mở rộng khai thác thêm hơn 1,8ha diện tích tại ngọn Sư tử.

Các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ đều phản đối việc Sở TNMT tỉnh Hà Tỉnh đề xuất UBND tỉnh cho phép doanh nghiệp mở rộng diện tích mỏ ở ngọn Sư tử.
Các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ đều phản đối việc Sở TNMT tỉnh Hà Tỉnh đề xuất UBND tỉnh cho phép doanh nghiệp mở rộng diện tích mỏ ở ngọn Sư tử.

Nhà văn Phan Trung Hiếu bức xúc: “Tôi nhất quyết rằng, đã là nơi giang sơn tụ khí, nơi kết tụ hồn thiêng sông núi, mang tính biểu tượng của cuộc sống tâm linh thì phải được các nhà lãnh đạo tham chiếu từ rất nhiều giác độ. Chúng ta đã có những bài học đáng để nhớ đời về việc làm ăn kinh tế bất chấp hậu quả của sự biến đổi môi trường. Vì phát triển kinh tế mà chúng ta dẫm đạp lên cả thiên tạo, lịch sử, văn hóa thì di họa ấy có lẽ sẽ còn mãi đeo đẳng cho mãi đến tận tới những đời sau. Thế nên bất cứ lý do gì mà vẫn cho mở rộng khai thác bức tử ngọn Sư Tử thì tôi đều phản đối”.

PV Dân trí đã trao đổi trực tiếp những nội dung nêu trên với ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Đang bận họp Quốc hội nên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận các ý kiến trên, đồng thời cho biết sẽ sớm hồi âm.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!

Văn Dũng – Tiến Hiệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm