Nhiều vấn đề gợi mở nghiên cứu về tôn giáo, tín ngưỡng dân gian Việt Nam
(Dân trí) - Hội thảo quốc tế "Tôn giáo, tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam và khu vực: Cách tiếp cận so sánh" đã gợi mở những vấn đề, các cách tiếp cận đa chiều, đặt ra những vấn đề để chúng ta cùng suy nghĩ.
Hội thảo quốc tế "Tôn giáo, tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam và khu vực: Cách tiếp cận so sánh" đã diễn ra ngày 2/12.
Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức.
Hội thảo thu hút gần 90 báo cáo khoa học. Trong số đó, có nhiều nhà nghiên cứu, nhà tu hành đến từ các tỉnh và thành phố thuộc miền Nam và miền Trung Việt Nam. Qua đó cho thấy sự quan tâm của xã hội về chủ đề này. Đây cũng là sự khích lệ nhà trường và các nhà nghiên cứu trong việc cân nhắc chủ đề của các cuộc hội thảo về tôn giáo, tín ngưỡng trong thời gian tới.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, ở Việt Nam đa phần là tôn giáo, tín ngưỡng dân gian. Trong phân loại của các học giả phương Tây, là những tôn giáo phi thiết chế, không có tổ chức giáo hội.
Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, các tôn giáo thiết chế có tổ chức giáo hội ở Việt Nam hiện gần 28 triệu người. Tương đương gần 1/3 dân số cả nước. Nếu tính cả những người theo tín ngưỡng, tức là các tôn giáo phi thiết chế thì khoảng 85% dân số cả nước.
Trong khi tôn giáo đã hiện diện ở mảnh đất Giao Chỉ từ thời tiền sử, thì ngược lại, ngành tôn giáo học ở Việt Nam nói chung, Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng còn khá non trẻ.
Thực tế, từ đầu những năm 1990 trở lại đây, ngành tôn giáo học ở Việt Nam mới có điều kiện gây dựng lại. Cùng với sự mở cửa về kinh tế đã chứng kiến sự bùng nổ của đời sống tôn giáo ở Việt Nam trong hơn ba chục năm qua.
Hơn một nửa trong số gần ba chục nghìn cơ sở thờ tự được xây mới hoặc tu sửa trong mấy thập niên vừa rồi. Đời sống tôn giáo vô cùng phong phú và sôi động đang đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ cho giới nghiên cứu.
Hội thảo cũng là dịp để các nhà quản lý, các nhà tu hành và các nhà khoa học cùng thảo luận, trao đổi, tạo sự tin cậy lẫn nhau.
Kinh nghiệm cho thấy ở đâu giữa các cơ quan chức năng và các chức sắc tôn giáo có sự đồng thuận, ý thức được trách nhiệm công dân và tín đồ của mình, tất cả vì sự nghiệp chung "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh", thì việc khó mấy cũng có thể dần dần được tháo gỡ.
Hội thảo quốc tế "Tôn giáo, tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam và khu vực: Cách tiếp cận so sánh" cũng gợi mở những vấn đề, các cách tiếp cận đa chiều, đặt ra những vấn đề để chúng ta cùng suy nghĩ. Điều quan trọng là phải nhìn nhận đời sống tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh chung của khu vực. Trong một thế giới mở, chúng ta chỉ có thể giải quyết những vấn đề đó nếu có sự chia sẻ kinh nghiệm cả những thành công và thất bại của các đồng nghiệp quốc tế.