Quảng Nam:
Nhiều thủy điện cùng xả lũ, nhiều vùng trũng bị cô lập
(Dân trí) - Từ tối qua (13/12) đến sáng nay 14/12, hàng loạt thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia và Thu Bồn phải xả lũ do mưa lớn nên nước ở các sông vùng hạ du lên mức báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2 khiến một số vùng trũng thấp bị cô lập cục bộ…
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Lân – Phó Giám đốc Công ty thủy điện Sông Tranh (chủ đầu tư nhà máy thủy điện Sông Tranh 2) – cho biết, đến sáng nay (14/12), đơn vị vẫn đang xả lũ với lưu lượng 450 m3/s, cộng với phát điện 2 tổ máy tổng cộng 200 m3/s. Tuy nhiên, theo ông Lân, hiện nay ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 trời đã ngưng mưa và nắng ráo.
Theo thông báo của Công ty CP thủy điện Đắk Mi (đơn vị quản lý nhà máy thủy điện Đắk Mi 4), ngày 13/12, lượng nước về hồ từ 500-2.000 m3/s, do đó lúc 22h ngày 13/12, đơn vị đã thông báo xả lũ từ 800-2.000 m3/s, cộng với phát điện trên 100m3/s để đưa mực nước hồ về cao trình bình thường là 256,5m.
Nhà máy thủy điện A Vương cũng thông báo xả lũ với lưu lượng từ 35-200 m3/s và chạy máy 76 m3/s. Thời gian xả bắt đầu từ 7h ngày 14/12. Thủy điện Sông Bung 4 cũng thông báo xả lũ với lưu lượng 166 m3/s.
Ngoài ra, nhiều nhà máy thủy điện khác trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn như Sông Bung 4A, 4B cũng thông báo xả lũ với lưu lượng từ 30 m3/s.
Do hàng loạt thủy điện ở thượng nguồn xả lũ nên từ sáng sớm nay, vùng hạ du một số huyện như Nông Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn… nước đã bắt đầu lên.
Tại thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc), ông Hứa Văn Hùng – Chủ tịch thị trấn – cho biết, mực nước sáng ngày 14/12 tại Ái Nghĩa là 8,6m, dưới báo động 3 là 0,4m. “Tình hình mưa to cộng với lưu lượng xả nước ở các hồ thủy điện đang diễn biến phức tạp nên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thị trấn đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, người dân… chuẩn bị các phương án phòng chống lũ”, ông Hùng cho hay.
Đến trưa ngày 14/12, trên địa bàn thị trấn Ái Nghĩa đã có một số vùng bị ngập do nước lũ.
Tại xã Đại Cường (huyện Đại Lộc), tuyến đường độc đạo dẫn qua các thôn 8, 9,10 của xã đã bị ngập sâu, các thôn này đang bị lũ bao vây, cô lập. Khu vực kiệt sâu nằm trên tuyến ĐH3-ĐL qua xã Đại Minh, khu vực ngoại thương (thị trấn Ái Nghĩa) ngập sâu, đã bị chốt chặn.
Nước lũ đang dâng cao ở sông Vu Gia đoạn qua thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc
Theo ông Ngô Xuân Yến - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, hiện nhà cửa của hàng chục hộ dân sống ven sông Vu Gia, vùng Hà Tân đã bị ngập sâu trong nước; vùng trũng thấp khu vực thôn Hà Dục Đông, tuyến đường độc đạo ĐT 609 qua khu vực Ba Khe (Đại Lãnh) đã bị lũ chia cắt cục bộ.
Tại các vùng sản xuất chuyên canh rau màu của các xã Đại An, Đại Nghĩa, Đại Hồng, Đại Lãnh… từng bị ảnh hưởng bởi đợt lũ muộn xảy ra hồi đầu tháng 12 với 1.200ha rau, màu các loại bị hư hại nay tiếp tục bị ngập sâu trong nước, nhiều diện tích rau màu tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình trạng lũ lên nhanh trên sông Vu Gia.
Riêng xã Đại Hồng bị thiệt hại hơn 200ha cây trồng, rau màu Đông Xuân các loại, 70% diện tích bị ngập úng là cây đậu phụng, còn lại là cây ớt và các loại cây trồng khác, ước tính thiệt hại gần 4 tỷ đồng.
Theo thông tin từ các huyện Duy Xuyên, Nông Sơn, thị xã Điện Bàn… cũng đã xảy ra tình trạng ngập úng do mưa lũ và chia cắt cục bộ.
Theo Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam, mực nước lúc 1h ngày 14/12 trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 8,07m, trên báo động 2 0,07m; sông Thu Bồn tại Giao Thủy là 6,78m, trên báo động 1 0,58m; tại Câu Lâu lên mức 2,27m, trên báo động 1 0,27m.
Dự báo từ ngày 14-17/12, các địa phương trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện đợt mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, một số địa phương trong tỉnh có tổng lượng mưa hơn 200mm.
Công Bính