1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhiều thủ đoạn mua bán người “tinh vi” tại Việt Nam

(Dân trí) - Lợi dụng phụ nữ, trẻ em ở vùng nông thôn nghèo, học vấn thấp lừa bán cho chủ chứa; lợi dụng địa bàn miền núi đột nhập vào nhà dân, bắt cóc trẻ em; lợi dụng sơ hở của pháp luật để nhận con nuôi, thu mua trẻ sơ sinh, nội tạng …

Ngày 2/12, tại Khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Phòng, chống buôn bán người: Viễn cảnh Quốc tế, ASEAN và Việt Nam”.

Buôn từ bào thai đến đàn ông

Theo báo cáo của các địa phương, qua 6 năm thực hiện chương trình 130/CP, từ năm 2004 - 2010 tại Việt Nam đã xảy ra 1949 vụ mua bán người với 3.543 đối tượng, lừa bán 4.793 nạn nhân.

Đại tá Lê Văn Chương, Phó Cục trưởng C56, Bộ Công an cho biết: Việt Nam được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm không chỉ về mua bán người mà bọn tội phạm còn lợi dụng để đưa người di cư trái phép, môi giới lấy chồng nước ngoài, xuất khẩu lao động, nhận con nuôi… Tình trạng này đã trở thành vấn đề nóng bỏng, nhức nhối trong xã hội.

Cụ thể, tại Hà Giang lợi dụng địa bàn miền núi vắng vẻ, số đối tượng người Việt cấu kết với người ngoại quốc, tổ chức thành từng toán đột nhập vào nhà dân, giết người, bắt cóc trẻ em. Tính từ năm 2007 đến nay phát hiện 63 vụ, làm 07 người chết, 03 người bị thương, chiếm đoạt 86 trẻ em.

Tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai xảy ra ngày càng nhiều tại một số địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sóc Trăng, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP.HCM. Chúng sử dụng “vệ tinh” lân la tới các vùng quê để phát hiện phụ nữ trẻ lỡ có thai, hoặc gia đình trục trặc, khó khăn về kinh tế, sinh con ngoài ý muốn gạ gẫm mua bán lừa gạt, thu gom bán sang Trung Quốc. Điển hình vụ vợ chồng Nguyễn Văn Hiền và Phạm Văn Thinh, quê tại Hà Nội, cầm đầu, vùng 10 đối tượng khác từ tháng 7/2007 đến 2/2008 đã lừa bán 40 trẻ sơ sinh sang Trung Quốc với giá từ 10 - 30 triệu đồng/trẻ em.

Bên cạnh đó, bọn tội phạm còn lợi dụng sơ hở pháp luật về cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, chúng thu mua trẻ sơ sinh, rồi móc nối với các trung tâm núp dưới sự trợ giúp pháp lý nhân đạo, lập hồ sơ trẻ em bị bỏ rơi để hợp pháp hóa rồi tìm cách chuyển ra nước ngoài bán. Điển hình là vụ Vũ Tiến Mạnh, nguyên trưởng phòng Sở Tư pháp Ninh Bình, cấu kết với đồng bọn từ năm 1992 đến 1998 bán ra nước ngoài 174 cháu, hay chỉ trong 02 năm tại trung tâm bảo trợ xã hội huyện Ý Yên, Trực Ninh, Nam Định đã thu gom 253 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi rồi lập hồ sơ giả chuyển cho người nước ngoài.

Đặc biệt, tội phạm tích cực lợi dụng công nghệ viễn thông hiện đại thông qua mạng Internet, điện thoại di động để lừa những người có trình độ học vấn cao ra nước ngoài bán hoặc thiết lập các đường dây mua bán gái gọi qua mạng, qua điện thoại di động, tổ chức chuyến du lịch tình dục xuyên quốc gia.

Không chỉ mua bán phụ nữ, trẻ em nhóm tội phạm này còn mua bán cả đàn ông, xảy ra ở Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn. Nạn nhân bị bán cho các chủ lò gạch, khai thác quặng tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, xuất hiện đường dây đưa người sang Trung Quốc bán nội tạng cho các bệnh viện tư…Tình trạng phụ nữ Việt Nam bị lừa dưới dạng kết hôn xảy ra ở nhiều các tỉnh, thành phố phía Nam…

Theo Đại tá Chương, đối tượng phạm tội này chủ yếu là bọn lưu manh, chuyên nghiệp. Qua đấu tranh, công an đã phát hiện một số đường dây người Việt với người nước ngoài… lợi dụng chính sách mở của Việt Nam vào khu du lịch, thăm thân, liên doanh, liên kết làm ăn kinh tế để lừa người dưới dạng xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi, kết hôn rồi đưa ra nước ngoài bán. Nạn nhân của những vụ buôn bán trên đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc trắc trở về đường tình duyên…
 
Nhiều thủ đoạn mua bán người “tinh vi” tại Việt Nam - 1
Trẻ em là đối tượng của nạn buôn bán người

Cần nhiều giải pháp!

Theo Đại tá Lê Văn Chương, hiện nay tiềm ẩn tội phạm ở nước ta rất lớn. Theo điều tra khảo sát của công an, hiện nay cả nước có gần 4.000 đối tượng, trong đó có khoảng 250 đường dây, với gần 700 đối tượng có biểu hiện hoạt động mua bán người, xác định 51 tuyến và 182 địa bàn trọng điểm trong nước mà bọn tội phạm thường xuyên hoạt động, đó làn hững tiềm ẩn dễ phát sinh phát triển tội phạm bất cứ lúc nào.

Đại tá Chương cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, xu thế hợp tác phát triển trên thế giới với cách mạng khoa học công nghệ phát triển, bọn tội phạm đã lợi dụng thiết lập đường dây tội phạm mua bán người xuyên quốc gia với những phương thức thủ đoạn tinh vi xảo quyệt, trong khi quản lý nhà nước ta chưa theo kịp, thiếu các chế tài hình sự, hành chính để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý triệt để. Đặc biệt, trong quản lý người nước ngoài, quản lý nhân hộ khẩu, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý hợp tác lao động, kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, du lịch nên tình trạng người bị lừa đưa ra nước ngoài bán vào các động mại dâm, lao động cưỡng bức và ép buộc lấy chồng bất hợp pháp tiếp tục tăng nhanh.

Theo báo cáo không chính thức của Tổ chức Di cư thế giới, hàng năm có khoảng 1 triệu phụ nữ trẻ em trên toàn thế giới bị mua bán và hoạt động này đem lại lợi nhuận khoảng 10 tỷ USD cho các băng nhóm tội phạm. Hiện nay, tình trạng mua bán người trên thế giới diễn biến phức tạp nhất là khu vực châu Á và châu Âu.

Khắc phục tình trạng trên, Đại tá Đặng Xuân Khang, Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam đề nghị: “Các cơ quan chức năng cần rà soát, nghiên cứu, tham mưu đề xuất Chính phủ Việt Nam xây dựng ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm mua bán người; Đàm phán, ký kết, phê chuẩn các Hiệp định tương trợ tư pháp song phương và đa phương. Thỏa thuận hợp tác phòng chống tội phạm buôn người với các nước, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới; Tăng cường hợp tác quốc tế với các cơ quan thực thi pháp luật, lực lượng cảnh sát các nước trong đó tập trung thông qua kênh hợp tác Interpol, ASEANAPOL trong công tác phòng chống tội phạm mua bán người; Đề nghị Chính phủ cũng như các bộ ngành quan tâm tiếp tục hỗ trợ kinh phí đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho các cơ quan chức năng phòng, chống buôn người từ TƯ đến địa phương…”.

Chia sẻ về việc khắc phục nạn buôn bán người tại Việt Nam, ông Charles E, Tucker, giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Luật nhân quyền quốc tế thuộc ĐH Luật Depaul, Chicago, Illinois, Hoa Kỳ cho biết: “Nhiều người Việt Nam thiếu những thông tin, kiến thức đầy đủ về những nguy hiểm của nạn buôn bán người. Việc buôn người, lạm dụng tình dục ở Việt Nam là một vấn đề phức tạp. Cách thức tốt nhất để đấu tranh với vấn đề này là một bài toán mà thông qua một cách tiếp cận toàn diện sẽ giải quyết cả cung và cầu.
 
Để giải quyết thành công ở 2 khía cạnh trên của nạn buôn người ở Việt Nam những cải cách pháp luật và chính sách cần phải tiếp tục cải tiến. Trong việc chống buôn người cần bổ sung, và cần tập trung vào những dịch vụ giúp phục hồi nhân phẩm. Thông qua những hành động toàn diện, nó sẽ tạo thành một khả năng to lớn trong việc đấu tranh thành công với nạn buôn người. Đặc biệt, tăng cường các chiến dịch tuyên truyền về nạn buôn bán người tại các trường học. Nếu như những chương trình này được chấp nhận đưa vào giảng dạy tại các trường học của Việt Nam thì chúng ta sẽ trang bị cho trẻ em, đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của hoạt động buôn bán người. Lượng thời gian đưa vào giảng dạy có lẽ chỉ là 1 ngày học”.

Hồng Hạnh