Nhiều tệ nạn trong “Ngày văn hóa các dân tộc”
(Dân trí) - Móc túi hoành hành, hàng loạt ổ bạc “lưu động” mọc lên với nhiều hình thức như: úp ngửa tiền xu, xóc đĩa, vui chơi có thưởng… diễn ra trong Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây).
Các nhóm đối tượng thi nhau cho cò mồi trúng thưởng để “hút” người đổ về sới bạc của mình. Xung quanh các sới bạc được bố trí hệ thống che chắn để “báo động” khi có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.
Đồng chí Phạm Quang Dương (Cảnh sát 113 Sơn Tây) cho biết: “Lực lượng của chúng tôi gồm các chiến sỹ mặc sắc phục và cả thường phục. Từ sáng, chúng tôi đã bắt được nhiều vụ đánh bạc. Tuy nhiên, các ổ bạc này hễ thấy “động” là chúng giải tán rất nhanh”.
Tổ chức trên bàn và dưới đất, cờ bạc “núp” dưới hình thức vui chơi có thưởng “hoành hành” và thu hút rất đông người tham gia. Đơn cử như “trò chơi” quăng vòng, các mức thưởng hấp dẫn được định giá từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng.
Ngoài “ăn” tiền mặt, nhiều sạp hàng khác còn tổ chức theo kiểu giải thưởng là nước uống, thú bông, kẹo, đồ phụ kiện lặt vặt… Bà Mị, một chủ sạp vui chơi ăn tiền cho hay: “Tôi chỉ tổ chức các trò chơi trẻ con cho vui thôi chứ cờ bạc gì”. Tuy nhiên, ngay sau đó bà Mị đã bị công an “tóm gọn” vì tổ chức cờ bạc.
Bác Hoa (xã Cổ Đông, Sơn Tây) nhăn nhó: “Buổi tối, khi đang xem các chương trình biểu diễn thì tôi bị đối tượng đứng đằng sau giật mất sợi dây chuyền vàng 3 chỉ. Giờ đến báo công an nhưng không biết có tìm lại được không nữa…”.
Cho đến trưa 19/4, lực lượng an ninh đã bắt được một số đối tượng móc túi, cướp giật cùng tang vật. Tuy nhiên, để xác định và tìm lại được những tài sản đã bị mất là rất khó.
Trên 1 phương diện khác, sự sắp xếp trong không gian lễ hội rất thiếu khoa học. Các gian hàng trưng bày, khu vui chơi “lẫn lộn” với các hoạt động “ngoài luồng” và tràn lan như: ăn uống, kinh doanh buôn bán…
Vì thế để xảy ra nhiều “nhũng nhiễu” trong Ngày hội văn hóa có lẽ nguyên nhân 1 phần cũng là do công tác tổ chức, quản lý không thực sự chặt chẽ.
Như Quỳnh