Nhiều tàu cá miền Trung bị nạn trên biển
(Dân trí) - Báo cáo của BCH phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Phú Yên, BCH đã thông báo cho gần 24.000 tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của cơn bão số 2 để chủ động phòng tránh.
Đặc biệt, nhiều vụ tai nạn trên biển đã xảy ra kể từ khi thời tiết trên biển xuất hiện áp thấp và bão số 2. Trong đó, tàu cá QB 92109 TS trên tàu có 7 ngư dân tỉnh Quảng Bình bị mất liên lạc lúc 19 giờ 30 ngày 16/6 khi đang hoạt động ở tọa độ 16020’N-109000’E. Cục Cứu hộ, cứu nạn đã điều tàu SAR đi tìm kiếm lúc 6 giờ 30 ngày 18/6 từ Đà Nẵng, hiện nay vẫn chưa có thông tin.
Tàu cá QB 93436 TS của ông Nguyễn Văn Nam, trên tàu có 8 lao động, tàu bị chết máy ngày 17/6, thả trôi tại tọa độ 14040’N-111047’E. Trên tàu không có bộ đàm nên phải nhờ tàu QB 93436 làm trung gian, hiện tàu QB 93436 đang ở gần nhưng không thể kéo về vì tàu nhỏ.
Tàu cá ĐNa 90538 của ngư dân Đà Nẵng có 8 lao động bị nạn ngày 16/6, đến 20 giờ 30 ngày 17/6 tàu SAR 274 đã cứu kéo tàu bị nạn về đến Đà Nẵng an toàn.
Tàu cá QNa 91594 của ngư dân Quảng Nam do ông Trần Bẹn làm thuyền trưởng (trú tại thôn 2, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam), trên tàu có 12 lao động bị hỏng máy trôi dạt lúc 10h30 ngày 17/6. Lúc 14h30 ngày 17/6, tàu cứu hộ của Vùng Cảnh Sát biển II (đóng tại cảng Kỳ Hà, huyện Núi Thành) đã xuất phát đi cứu nạn, dự kiến sáng ngày 19/6 sẽ tiếp cận tàu bị nạn.
Tại Quảng Ngãi có tàu QNg 94095 TS do ông Võ Công Tính (SN 1976, trú Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng, trên tàu có 6 lao động, bị sóng lớn đánh chìm lúc 19 giờ ngày 16/6, toàn bộ 6 thuyền viên trên tàu đã được tàu QNg 44029 của ông Phạm Văn Phú (trú Phổ Thạnh, Đức Phổ) cứu vớt và đưa vào Đà Nẵng an toàn lúc 17 giờ 30 ngày 17/6.
Tàu QNg 48818 TS, của ông Châu Hùng Binh (trú xã Phổ An, Đức Phổ, Quảng Ngãi) trên tàu có 8 lao động bị sóng lớn đánh chìm ngày 17/6, toàn bộ 8 thuyền viên trên tàu đã được tàu QNg 98746 TS của ông Nguyễn Tuấn cứu vớt.
Tàu QNg 98279 TS, của ông Trần Tính (trú xã Phổ Quang, Đức Phổ, Quảng Ngãi) có 10 lao động trên tàu, bị gãy lắp lúc 19 giờ ngày 16/6, hiện đang được tàu QNg 98159 TS do ông Huỳnh Minh Em làm thuyền trưởng kéo về Đà Nẵng.
Ngoài ra, có 8 tàu với 74 ngư dân Quảng Ngãi xin vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) trú tránh bão; Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao đã có Công hàm gửi đại sứ quán Trung Quốc xin được trú tránh. Hiện đã vào trú tránh an toàn.
Tàu cá QB 92836 với 8 lao động ở Quảng Bình khi chạy tránh bão số 2 đã bị hỏng máy, chưa khắc phục được, thả trôi lúc 18h30 ngày 17/6. Hiện tàu cá QB 93436 hoạt động gần khu vực đến hỗ trợ giúp đỡ tàu.
Tàu cá QB 92109 TS với 7 lao động bị mất liên lạc với gia đình lúc 19h30 ngày 16/6/2012. Cục Cứu hộ, cứu nạn đã điều tàu SAR đi tìm kiếm từ 6h30 ngày 18/6/2012 từ Đà Nẵng, hiện nay vẫn chưa có thông tin.
Tàu cá KG 91658 với 18 lao động ở Kiên Giang đã bị phá nước có nguy cơ chìm lúc 1h30’ ngày 18/6. Hiện Đồn Biên phòng Rạch Gốc đã cứu được tàu bị nạn và đưa vào bờ an toàn.
Tàu TV-3736H với 3 lao động bị phá nước chìm lúc 2h30 sáng nay, 19/6 tại khu vực gần trạm Láng Nước, tỉnh Trà Vinh. Bộ chỉ huy Biên phòng Trà Vinh đã chỉ đạo Hải đội 2 sử dụng tàu Biên phòng 17-04-04 tham gia cứu nạn. Đến 3h40’ đã cứu được 3 người và đưa vào bờ an toàn.
Theo báo cáo, Cục Cứu hộ, cứu nạn, Bộ đội biên phòng đến sáng nay (19/6), cơ quan chức năng đã thông báo và hướng dẫn cho 55.428 tàu, lồng bè với 258.042 người đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng đi chuyển của bão số 2 để chủ động phòng tránh; khẩn trương tổ chức chỉ đạo kiểm đếm, nắm thông tin tàu thuyền, xử lý kịp thời các tình huống cứu hộ, cứu nạn và đề nghị trú tránh.
Thông báo mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TW cho biết, đến 10 giờ sáng nay, tâm bão còn cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 330km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.
Công Bính - Thanh Trầm