Nhiều tài sản bị chi sai từ mua sắm công
(Dân trí) - Báo cáo của kiểm toán nhà nước về việc mua sắm tài sản công tại các Ban quản lý dự án thuộc 4 Bộ và 3 địa phương, riêng trong năm 2007, số tiền mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn chế độ sai mục đích là hơn 95 tỷ đồng.
Nhiều tài sản bị chi sai quy định trong việc mua sắm công (ảnh minh họa).
Nhu cầu mua sắm công ở Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn. Chỉ tính riêng ngân sách Trung ương năm 2009, tổng chi dự toán cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính sự nghiệp là 160.231 tỷ đồng, trong số đó khoảng 20% được sử dụng để mua sắm tài sản.
Báo cáo của Kiểm toán nhà nước về việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản công tại các Ban quản lý dự án thuộc 4 Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo) và 3 địa phương (TPHCM, Ninh Bình, Đồng Nai) cho thấy: tình trạng sử dụng vốn ngân sách nhà nước sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức gây lãng phí xảy ra tương đối nhiều.
Cụ thể, năm 2007, số tiền mà các Ban quản lý dự án của 4 Bộ và 3 địa phương trên mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn chế độ, sai mục đích là hơn 95 tỷ đồng. Trong đó, tài sản nhà đất vượt tiêu chuẩn là 19 tỷ đồng, các phương tiện đi lại mua cao hơn tiêu chuẩn, không đúng nguồn lên tới hơn 53 tỷ đồng.
Còn trong năm 2008, tổng số tiền chi sai trong việc mua sắm tài sản công đã vượt gấp đôi năm 2007, lên tới 228 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều đơn vị đã dùng tiền ngân sách đi mua sắm máy móc, thiết bị không phù hợp, hoặc không thể sử dụng được.
Điển hình, trong giai đoạn 2007 - 2008, Ban quản lý dự án thành phố Điện Biên đã vay tiền ngân hàng mua xe ô tô trong khi không được cấp có thẩm quyền cho phép. Ban quản lý dự án hồ chứa nước Cửa Đạt đã mua sắm ô tô và trang thiết bị sai chế độ gần 3 tỷ đồng...
Từ 1/1/2008, Chính phủ cho áp dụng thí điểm việc mua sắm theo mô hình tập trung tại 13 bộ, ngành, địa phương đối với một số tài sản, hàng hóa có số lượng mua sắm nhiều, giá trị mua sắm lớn (còn từ trước đến giờ vẫn theo mô hình phân tán).
Theo ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cả mua sắm theo mô hình phân tán hay tập trung đều có những ưu điểm và nhược điểm.
Trong đó, mua sắm theo mô hình phân tán có nhược điểm là khó khăn cho công tác quản lý của nhà nước do không kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp mua sắm tài sản nhà nước không đúng tiêu chuẩn, định mức. Khả năng kiểm soát các hành vi tham nhũng, vi phạm các quy định về mua sắm rất khó khăn.
Mô hình mua sắm tập trung thì lại khó đáp ứng tất cả những yêu cầu cá biệt về tài sản khác nhau của mỗi cơ quan, đơn vị do không được chủ động lựa chọn chủng loại tài sản phù hợp.
Ngoài ra, việc mua sắm tập trung tại một đầu mối nếu không được quản lý tốt dễ dẫn đến thông đồng tiêu cực, hoặc phân chia gói thầu theo hướng có lợi cho một hoặc một số nhà cung cấp có quy mô lớn.
Trong khi việc áp dụng các mô hình mua sắm còn nhiều bất cập thì chúng ta lại chưa có một chế tài quy định một cách cụ thể rõ ràng các trường hợp vi phạm chế độ mua sắm.
Để giải quyết việc này, ông Lưu Hoàng, phó trưởng ban kho bạc nhà nước cho rằng cần quy định rõ trong Luật ngân sách nhà nước về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương khi thực hiện mua sắm công.
Có chế tài xử phạt đối với các đơn vị vi phạm các quy định trong việc quản lý, sử dụng kinh phí mua sắm hàng hóa hoặc kinh phí mua sắm thiết bị trong đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Lan Hương