"Nhiều sổ hộ tịch bị hư hỏng, chữ viết xấu không đọc được"

Thế Kha

(Dân trí) - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực nêu thực tế nhiều sổ hộ tịch bị hư hỏng, chữ viết trong sổ không đọc được do xấu và quá mờ. Nhiều thông tin trên sổ thiếu đồng nhất, không chính xác.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) vừa cho biết, các cơ quan đăng ký hộ tịch trên cả nước đang lưu trữ trên 8 triệu sổ đăng ký hộ tịch các loại, tương ứng với hơn 100 triệu dữ liệu hộ tịch.

Việc hoàn thành số hóa các dữ liệu hộ tịch này nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; bảo đảm cung cấp thông tin đầu vào, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu dân cư, thúc đẩy triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Nhiều sổ hộ tịch bị hư hỏng, chữ viết xấu không đọc được - 1

Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp (Ảnh: Thanh Nga).

Dữ liệu hộ tịch được số hóa, thông qua kết nối giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được rà soát, đối chiếu, chia sẻ, cập nhật 2 chiều.

Theo kế hoạch, trước ngày 1/1/2025 phải hoàn thành số hóa dữ liệu, chuyển vào cơ sở dữ liệu hộ tịch.

Đến nay, theo ông Hải, số sổ hộ tịch được số hóa trên 2,5 triệu với hơn 60 triệu dữ liệu; đã cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch trên 50 triệu dữ liệu. 16 địa phương thực hiện chậm và đang có nguy cơ không hoàn thành kế hoạch như trên.

Đánh giá về những vướng mắc đang gặp phải, Cục trưởng Nguyễn Thanh Hải cho rằng nhận thức của các cơ quan liên quan chưa chính xác, đầy đủ về nhiệm vụ số hóa. Còn xảy ra nhầm lẫn giữa số hóa sổ hộ tịch với nhập dữ liệu hộ tịch từ sổ hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Nhiều địa phương chưa được quan tâm bố trí kinh phí, nhân lực, cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng. Công chức tư pháp - hộ tịch ở nhiều xã chưa được bố trí máy tính riêng để làm việc, không có máy scan nên phải sử dụng máy điện thoại để chụp, đính kèm trang sổ...

Hệ thống thông tin quản lý, đăng ký hộ tịch điện tử dù đã được nâng cấp nhưng vẫn bị chậm, lỗi, từ chối truy cập…

"Quá trình số hóa cho thấy nhiều sổ hộ tịch có nhiều giai đoạn bị thiếu trường thông tin hoặc thông tin đồng bộ không chính xác như chức danh người ký, người đi khai, loại việc, giới tính. Sổ đăng ký hộ tịch còn rất nhiều sai sót do lỗi ghi chép của công chức hộ tịch, chữ viết trong sổ hộ tịch không đọc được do xấu và quá mờ. Nhiều quyển sổ rách, dẫn tới không đầy đủ thông tin, trùng lặp thông tin, số đăng ký lặp lại nhiều lần", ông Hải nêu thực tế.

Thậm chí, dữ liệu về đăng ký kết hôn nhưng không có ngày xác lập quan hệ hôn nhân; dữ liệu khai sinh không có ngày, tháng, năm đăng ký khai sinh; thiếu thông tin về dân tộc, về cha, mẹ hoặc năm sinh của cha, mẹ trong giấy tờ hộ tịch. Thông tin trong sổ khai sinh và giấy khai sinh không thống nhất..

"Nhiều sổ hộ tịch bị hư hỏng do nhiều yếu tố như côn trùng cắn, một số địa phương bị lũ lụt... Khi kiểm tra để scan trang sổ đính kèm thì sổ đã bị hư hỏng, rách nát không thể thực hiện được", Cục trưởng Nguyễn Thanh Hải phản ánh.

Nhiều sổ hộ tịch bị hư hỏng, chữ viết xấu không đọc được - 2

Chuyên viên Phòng Tư pháp thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa kiểm tra kết quả số hóa sổ hộ tịch của các xã, phường ở địa phương (Ảnh: Báo Khánh Hòa).

Để giải quyết khó khăn, ông Hải nói Sở Tư pháp địa phương cần tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện đúng tiến độ. Quá trình số hóa, Sở Tư pháp tổng hợp, tháo gỡ kịp thời cả về kỹ thuật và nghiệp vụ hộ tịch.

Do có nhiều vướng mắc liên quan đến xử lý dữ liệu nên Sở Tư pháp cần là đầu mối thường xuyên trao đổi, phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực để xử lý kịp thời.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cũng sẽ tổ chức kiểm tra việc số hóa tại các địa phương, nhất là với các địa phương còn chậm tiến độ.

Vai trò của sổ hộ tịch

Sổ hộ tịch là căn cứ pháp lý để lập, cập nhật, điều chỉnh thông tin hộ tịch của cá nhân trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

Sổ hộ tịch là sổ giấy được lập và lưu giữ tại cơ quan đăng ký hộ tịch nhằm xác nhận hoặc ghi các sự kiện hộ tịch quy định tại Điều 3 Luật Hộ tịch, bao gồm: Xác nhận vào sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch (khai sinh; kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; khai tử).

Ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Thay đổi quốc tịch; xác định cha, mẹ, con; xác định lại giới tính; nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi; ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn; công nhận giám hộ; tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Ngoài ra, luật còn quy định ghi vào sổ hộ tịch sự kiện khai sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài...