Nhiều rủi ro cho người lao động xuất khẩu sang Macao
(Dân trí) - Sau khi Đài Loan đóng cửa thị trường lao động giúp việc với nước ta, Macao trở thành “địa chỉ đỏ” của không ít đơn vị XKLĐ vốn duy trì hoạt động tại Malaysia và Đài Loan. Nhưng chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài của Macao đặt người lao động Việt Nam trước nhiều rủi ro.
Đi lao động bằng visa du lịch
Trong lá đơn của mình, chị Trần Thị Hương trú tại xã Duyên Thái, huyện Thường Tín (Hà Tây) cho biết: Tháng 7/2007, chị nộp đơn vào Công ty cổ phần Simco Sông Đà để đi giúp việc gia đình tại Macao. Ngày 11/8, khi đặt chân đến Macao, chị và hơn chục lao động từ Việt Nam mới ngã người khi nhận tấm visa đi du lịch một tháng. Vì quá lo lắng, chị Hương cùng một người cùng đoàn tên Nguyễn Thị Loan đã bỏ về nước ngay sau đó.
Tiếp xúc với chúng tôi sáng 4/9, một số lao động vừa trở về từ Macao cho biết: trong khi một số lao động đã bỏ về Việt Nam, những lao động còn lại sống trong tâm trạng lo âu. Nơi ở của họ là gầm cầu thang một khu nhà chung cư. Mỗi ngày họ được chi tiêu ăn uống trong khoản tiền 10 MOP (tiền Macao), tương đương với 20 nghìn đồng Việt Nam. Mọi sinh hoạt ăn ở tại chỗ, không được đi ra ngoài.
Tại đây hàng ngày các chủ sử dụng đến xem và “tuyển” người. Chị Đinh Thị Huyền (Hà Tây) cho biết: chị được một người Macao đến định thuê làm công việc gia đình nhưng thấy chị không biết tiếng nên lại thôi.
Được biết, mỗi lao động đi Macao chi phí hết khoảng 17-18 triệu đồng.
Công ty XKLĐ: “Chúng tôi không sai”
Trao đổi với chúng tôi vào chiều 5/9, ông Nguyễn Thiện Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Simco Sông Đà khẳng định: Không hề có chuyện công ty “đem con bỏ chợ” như phản ánh của người lao động.
Ông Mỹ cho biết: Với thị trường Macao, không chỉ riêng Simco Sông Đà mà tất cả các công ty đều đưa lao động đi bằng visa du lịch. Visa có hạn 30 ngày, nếu hết 30 ngày mà chưa có chủ nhận, người lao động được phép gia hạn thêm 20 ngày và lần thứ 3 là 10 ngày. Nếu hết 3 lần gia hạn visa mà lao động vẫn chưa có việc làm, phía Công ty Simco Sông Đà sẽ có trách nhiệm đưa lao động về nước và hoàn trả lại tiền.
Về 12 trường hợp lao động bỏ về trước ngày 4/9, ông Mỹ thừa nhận: những lao động này đều được phía công ty ký hợp đồng với đối tác Vạn Sự Hưng. Đây là chuyến đưa lao động sang Macao lần thứ 5 của công ty.
Trước những nghi ngờ về sự chuyên nghiệp của phía đối tác tại Macao, ông Mỹ khẳng định: “Chúng tôi đã có 4 lần kiểm tra trực tiếp cơ sở vật chất, cung cách làm việc của phía đối tác này. Chúng tôi đang liên lạc để tìm hiểu nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự việc trên. Nếu nguyên nhân đến từ phía đối tác Vạn Sự Hưng, chúng tôi sẽ chấm dứt cộng tác”.
May rủi khó lường
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân An - Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu lao động - cho biết: Lao động phổ thông và lao động giúp việc gia đình khi sang Macao làm việc đều phải nhập cảnh bằng visa du lịch. Theo đó, nếu là lao động phổ thông đã được chủ tuyển chọn, người lao động sẽ được chủ làm thủ tục xin cấp thẻ xanh để có thể làm việc hợp pháp. Nếu là lao động giúp việc gia đình, người lao động phải tập trung tại các công ty môi giới lao động của Macao để đợi chủ đến tuyển chọn. Nếu được chọn, chủ sử dụng lao động sẽ ký hợp đồng và làm thủ tục đổi visa cho người lao động có thể làm việc hợp pháp.
Rõ ràng, chính sách về lao động giúp việc gia đình của Macao khiến cả người lao động lẫn công ty xuất khẩu lao động đứng trước những rủi ro lớn. Người lao động sau khi nhập cảnh vào Macao mới được biết chủ sử dụng lao động là ai và ký hợp đồng với chủ.
Thêm nữa, công ty môi giới doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng như chính người lao động cũng không biết chắc mình có được chủ chọn hay không, thời gian ký kết hợp đồng là bao nhiêu, lương như thế nào... Ở Macao không có quy định về lương tối thiểu cho lao động giúp việc gia đình.
Không thể loại trừ trường hợp sẽ có nhiều lao động đã sang Macao nhưng không được chủ chọn. Và cũng không loại trừ khả năng người lao động, theo sự chắp nối của người quen, tự phá vỡ hợp đồng với công ty XKLĐ, tự tìm công việc bằng tấm visa du lịch.
Phúc Hưng - Thái Sơn