Quảng Bình:
Nhiều nhân viên bảo vệ rừng bỏ việc vì nghề nguy hiểm, lương không đủ sống
(Dân trí) - Đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã phát hiện và lập biên bản xử lý 640 vụ vi phạm về lâm sản, tịch thu hơn 455 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách hơn 5,5 tỷ đồng. Áp lực bảo vệ rừng ngày càng lớn, mức độ nguy hiểm cao thế trong khi số nhân viên bảo vệ rừng bỏ việc ngày một nhiều.
Một năm trên 600 vụ vi phạm quy định về lâm sản
Quảng Bình là địa phương có độ che phủ rừng hơn 67%, đứng thứ 2 cả nước, tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng phá rừng diễn ra ngày một nghiêm trọng.
Các đối tượng lâm tặc không chỉ khai thác gỗ trái phép từ rừng phòng hộ mà còn liều lĩnh vào sâu trong vùng lõi VQG Phong Nha - Kẻ Bàng chặt hạ gỗ quý. Dù lực lượng chức năng đã bắt giữ và khởi tố hàng chục đối tượng lâm tặc, đình chỉ, cách chức nhiều cán bộ quản lý rừng. Tuy nhiên, tình trạng khai thác rừng trái phép vẫn diễn ra.
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã phát hiện và lập biên bản xử lý 640 vụ vi phạm, tịch thu hơn 455 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách hơn 5,5 tỷ đồng. Nổi bật là 2 vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra vào cuối năm 2018, đầu năm 2019 tại Lâm phần rừng Trường Sơn và trong vùng lõi của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.
Tại vùng lõi của Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng, lâm tặc đã chặt phá 66 cây gỗ quý, trong đó có 45 cây gỗ mun, 21 cây còn lại gồm các loại: táu, trâm, nang, bài lài… Khu vực bị khai thác trái phép chủ yếu nằm dọc theo tuyến đường ra biên giới đang được đầu tư xây dựng và thuộc khu vực biên giới do Đồn Biên phòng Cồn Roàng quản lý.
Vụ phá rừng còn lại xảy ra tại địa bàn xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Tại khu vực này đã có 45 cây gỗ bị chặt phá, trong đó 26 cây gỗ lim, 17 cây gỗ gõ và 2 cây gỗ chua. Khu vực rừng này do Lâm trường Trường Sơn, thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm công nghiệp Long Đại quản lý.
Sau khi vào cuộc điều tra, Cơ quan CSĐT, Công an các huyện Quảng Ninh và Bố Trạch đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 18 đối tượng liên quan. Bên cạnh đó, một Trạm trưởng Kiểm lâm, một Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng cũng bị khởi tố, 7 lãnh đạo Đồn biên phòng Cồn Roàng, thuộc Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình bị kỷ luật.
Việc để xảy ra các vụ phá rừng nêu trên là đáng báo động, cho thấy sự yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của một số đơn vị chủ rừng. Nguyên nhân một phần là do các đối tượng phá rừng ngày một tinh vi, bên cạnh đó, áp lực bảo vệ rừng tự nhiên ngày càng lớn, mức độ nguy hiểm cao nhưng những năm gần đây, nhân viên bảo vệ rừng lại bỏ việc ngày một nhiều.
Mặt khác, tỉnh Quảng Bình hiện có 2 công ty lâm nghiệp đều hoạt động theo mô hình vừa doanh nghiệp công ích vừa sản xuất, kinh doanh. Trong sản xuất, kinh doanh, các đơn vị này đang nắm giữ nguồn tài nguyên đất đai và rừng tự nhiên lớn nhưng hoạt động lại kém hiệu quả. Nhiệm vụ đan xen giữa công ích và sản xuất, kinh doanh là một trong các nguyên nhân làm doanh nghiệp khó hoạt động, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo vệ rừng.
Nhiều bất cập trong công tác bảo vệ rừng!
Anh Hồ Trọng Bình, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Lâm trường Trường Sơn là người đã có 25 năm làm công tác bảo vệ rừng. Anh Bình cho biết, do diện tích rừng rất lớn nhưng số lượng nhân viên bảo vệ mỏng nên công tác tuần tra kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chế tài, quyền hạn bảo vệ rừng hạn chế, lương bổng lại thấp không đảm bảo cuộc sống, nhiều người đã xin nghỉ, chuyển công việc khác.
Chỉ tính riêng tại Công ty TNHH một thành viên lâm công nghiệp Long Đại đã được giao bảo vệ gần 50 ngàn ha rừng tự nhiên. Trước đây lực lượng bảo vệ rừng của Công ty này gần 150 người, sau đó kiện toàn toàn còn gần 100 thì nay chỉ còn 76 người. Trong đó, số lượng nhân viên bảo vệ rừng bỏ việc nhiều nhất là tại Lâm trường Trường Sơn (từ 40 người còn 27) và Lâm trường Khe Giữa (gần 40 người chỉ còn 24 người).
Được biết, thu nhập bình quân của các nhân viên bảo vệ rừng thấp, trung bình chỉ từ 3 đến 5 triệu đồng. Với mức lương này, nhiều nhân viên bảo vệ rừng đã bỏ việc vì không đủ sống. Tình trạng nghỉ việc của nhân viên giữ rừng tại Quảng Bình đã ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý và bảo vệ rừng, nhất là tại các chi nhánh lâm trường không đủ người để giữ rừng tự nhiên. Trong khi đó, việc tuyển lại nhân viên bảo vệ rừng tại các đơn vị bảo vệ rừng hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn.
“Với công tác bảo vệ rừng hiện nay áp lực rất lớn, thế nhưng thời gian qua việc chi trả lương so với điều kiện sống hiện cho chúng tôi tại là thấp, lại bị trả chậm so với hàng tháng nên một số anh em trong lực lượng chuyên trách đành tìm đến công việc khác để lo cho cuộc sống", ông Nguyễn Tri Phương, Tổ trưởng tổ cơ động, Lâm trường Khe Giữa chia sẻ.
Ông Trần Quang Đảm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình cũng cho hay, mặc dù công ty đã có nhiều chính sách, cơ chế để thu hút lao động nhưng điều kiện công ty chủ yếu thực hiện nhiệm vụ công ích, do đó vấn đề nâng cao thu nhập phụ thuộc vào cơ chế của nhà nước. Lương thấp nên nhân viên chưa yên tâm với công việc, trong khi việc được giao lại quá áp lực.
Ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cũng cho biết, công tác quản lý bảo vệ rừng trong điều kiện hiện nay hết sức khó khăn. Một phần vì thiếu kinh phí và một phần vì các công ty với nhiệm vụ là sản xuất kinh doanh nhưng lại đi bảo vệ rừng, do đó trách nhiệm và thẩm quyền về mặt pháp lý trong quản lý bảo vệ rừng có phần hạn chế.
Để giải quyết vướng mắc này, trong thời gian tới cần phải có sự rà soát, bóc tách những diện tích rừng tự nhiên để chuyển sang ban quản lý rừng phòng hộ để kết hợp bảo vệ chặt chẽ rừng tự nhiên và rừng phòng hộ.
Tiến Thành