1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhiều mặt hàng thiết yếu chống dịch Covid-19 bị tái chế, làm giả

Vân Sơn

(Dân trí) - Lợi dụng nhu cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng chống dịch của người dân tăng cao, các đối tượng làm ăn phi pháp liên tục đưa hàng giả, hàng tái chế vào TPHCM với số lượng lớn.

Các mặt hàng không an toàn tràn vào thành phố

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống dịch Covid-19, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, từ 25/7 đến nay, TPHCM đã ghi nhận 8 trường hợp dương tính với Covid-19, tất cả đều liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng. Hiện cả 8 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, sức khỏe các bệnh nhân hiện đều ổn định.

Nhiều mặt hàng thiết yếu chống dịch Covid-19 bị tái chế, làm giả - 1
TPHCM đã phát hiện 8 ca bệnh dương tính với Covid-19 liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng

Để nhanh chóng khoanh vùng, phát hiện ca bệnh, điều trị kịp thời, xử lý nguy cơ lây lan trong cộng đồng, ngành y tế TPHCM đã thực hiện việc ưu tiên xét nghiệm đối với các đối tượng là người từng đến các điểm dịch theo thông báo của Bộ Y tế, người tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Bên cạnh đó, thành phố đang tiếp tục thực hiện công tác khoanh vùng dập dịch đối với các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh, người tiếp xúc gần, người có liên quan, thực hiện việc cách ly tập trung, cách ly tại nhà đối với tất cả những người trong nhóm nguy cơ, thực hiện xét nghiệm.

Đến nay, thành phố đã phát hiện 123 người nhập cảnh trái phép, tất cả đã được chuyển tới Trung tâm cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm, tất cả các trường hợp trên đều có kết quả âm tính.

Qua công tác điều tra, cơ quan chức năng phát hiện có 2 đường dây đưa người nhập cảnh trái phép vào TPHCM với sự cấu kết của người nước ngoài và người Việt. UBND thành phố đã chỉ đạo cơ quan công an điều tra, củng cố hồ sơ tiến hành khởi tố, xử lý nghiêm theo chỉ đạo của Chính phủ.

Nhiều mặt hàng thiết yếu chống dịch Covid-19 bị tái chế, làm giả - 2
2,3 triệu bao tay y tế tại TPHCM bị làm giả được phát hiện xử lý trong cao điểm dịch Covid-19 (ảnh: CA TPHCM)

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã tiến hành kiểm tra các trường hợp liên quan đến sản xuất, vận chuyển những mặt hàng thiết yếu chống dịch như khẩu trang, găng tay y tế. Trên thực tế đã phát hiện 12 vụ, thu giữ 222 thùng khẩu trang (344.500 chiếc), hơn 2 triệu găng tay đã qua sử dụng nhưng tái chế để bán ra thị trường. Các vụ việc trên đang được tiếp tục củng cố hồ sơ sớm khởi tố những đối tượng liên quan.

Nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, TPHCM đã kích hoạt các trạm kiểm dịch tại cửa ngõ, tăng cường trấn áp tội phạm, rà soát nhóm người nước ngoài tạm trú trái phép trên địa bàn thành phố. Bắt đầu từ ngày 5/8, thành phố đã tiến hành xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng.

Sớm hoàn tất xét nghiệm cho hơn 44 nghìn người

Tính đến ngày 7/8 đã có 44.266 trường hợp từ Đà Nẵng trở về kể (từ ngày 1/7) đã khai báo y tế và được cách ly theo đúng hướng dẫn. Trong đó, gần 31.400 trường hợp đã được lấy mẫu xét nghiệm, hơn 28.300 mẫu có kết quả âm tính, phát hiện 6 ca dương tính, các mẫu còn lại đang đợi kết quả. Ông Ngô Minh Châu cho biết, dự kiến đến ngày 10/8 thành phố sẽ hoàn tất việc xét nghiệm cho tất cả 44.266 người trở về từ Đà Nẵng.

Nhiều mặt hàng thiết yếu chống dịch Covid-19 bị tái chế, làm giả - 3

TPHCM đang quyết liệt xử lý những người không mang khẩu trang tại nơi công cộng (ảnh: Phạm Nguyễn)

Để đẩy nhanh hoạt động xét nghiệm, kịp thời phát hiện ca bệnh, kiểm soát các yếu tố nguy cơ lây nhiễm, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, thành phố đang huy động nhiều đơn vị trên địa bàn, nâng cao năng lực xét nghiệm.

Số người từ Đà Nẵng trở về TPHCM rất lớn, thời gian qua, chúng tôi đã phân loại theo các nhóm nguy cơ, trong đó ưu tiên lấy mẫu sớm, xét nghiệm khẩn đối với những người có triệu chứng, buộc phải cách ly y tế tại bệnh viện xét nghiệm; nhóm những người từng đến các bệnh viện Đà Nẵng (theo thông báo của Bộ Y tế) hoặc đã từng tiếp xúc với các ca bệnh đã được xác định đều được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm ngay.

Năng lực y tế có giới hạn nên thời gian qua việc lấy mẫu không thể tổ chức một cách đại trà, buộc phải hẹn người dân theo thứ tự để có thể lấy mẫu hết tất cả những người trong nhóm nguy cơ. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 13 đơn vị được cấp phép đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2. Tuy nhiên, đa số các đơn vị chỉ có thể đáp ứng dưới 100 mẫu mỗi ngày, một số đơn vị đáp ứng được số lượng trên 1.000 mẫu như Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới.

Nhiều mặt hàng thiết yếu chống dịch Covid-19 bị tái chế, làm giả - 4
Dự kiến hơn 14 nghìn mẫu xét nghiệm sẽ được hoàn tất vào ngày 10/8

Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xét nghiệm trên địa bàn thành phố, những ngày qua Viện Pasteur đã hỗ trợ xét nghiệm cho TPHCM mỗi ngày hơn 2.000 mẫu; Bệnh viện Đại học Y Dược hỗ trợ 1.000 mẫu, 2 bệnh viện gồm Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng thành phố đáp ứng được từ 200 đến 300 mẫu mỗi ngày. Tổng số mẫu xét nghiệm được thực hiện trong ngày của TPHCM hiện khoảng gần 5.000 mẫu. Bên cạnh đó, Sở Y tế thành phố đang xúc tiến việc thẩm định thêm 8 đơn vị trên địa bàn để đẩy nhanh tiến độ, hoàn tất xét nghiệm cho người dân an tâm.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương: “Phải nâng cao khả năng đáp ứng xét nghiệm, đáp ứng kịp thời, nhanh nhất, tốt nhất để trả kết quả cho người bệnh đồng thời sớm có phương thức xử lý phù hợp những ca bệnh dương tính”.

Thủ tướng hoan nghênh giải pháp bắt buộc đeo khẩu trang đối với tất cả người dân tại nơi công cộng, xử phạt hành chính nghiêm những người không đeo đang được áp dụng tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng. Thủ tướng đề nghị nhân rộng giải pháp bắt buộc người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng đối với tất cả địa phương trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu sớm khởi tố, xét xử nghiêm những đối tượng tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép, xử lý các tổ chức, cá nhân làm giả, tái chế, vận chuyển, kinh doanh trái phép các mặt hàng thiết yếu phục vụ chống dịch.