Nhiều hợp đồng du lịch bị hủy vì "cháy" phòng
"Chúng tôi chưa kịp mừng khi khách quốc tế đến VN tăng mạnh thì đã đau đầu vì các khách sạn không còn phòng. Giá phòng tăng chóng mặt, nhiều khách sạn còn từ chối dù đã là bạn làm ăn lâu năm", Giám đốc Benthanh Tourist Hà Nội Lưu Đức Kế than thở.
Theo Tổng Cục du lịch Việt Nam, trong tháng 1 đã có gần 350.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, tăng 11,7% so với tháng 12/2005. Điều này hứa hẹn một năm làm ăn bận rộn của các công ty du lịch. Tuy nhiên, niềm vui ấy chẳng được bao lâu khi hiện nay các khách sạn đều thông báo hết phòng hoặc tăng giá.
Ngay tại Hà Nội, nhiều khách sạn lớn cũng không còn chỗ. Sofitel Metropole Hanoi cho biết, công suất sử dụng phòng của khách sạn luôn đạt trên 90%, giá phòng trung bình 150 USD/ngày đêm. Các phòng VIP có giá cao hơn, nhưng đều kín chỗ. Khách sạn Hilton, Sofitel Plaza, Meliá cũng đang trong tình trạng tương tự. Theo giải thích của các khách sạn, hiện tượng ''cháy'' phòng là do nhiều du khách nước ngoài đã chọn Việt Nam để nghỉ đông và hưởng không khí Tết Nguyên đán.
Ở những điểm du lịch nổi tiếng như Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, phòng nghỉ đều được đặt trước cả tháng mặc dù có nơi giá cao hơn ngày thường đến 40%. Giá phòng nhiều khách sạn nhỏ 2-3 sao cũng tăng khoảng 30% so với giá ngày bình thường.
Tại Hạ Long, Sapa, Huế, chỗ ở cho khách trở nên vô cùng khan hiếm. Theo anh Hoàng Giang, hướng dẫn viên du lịch tại thị trấn Sapa, ngoại trừ những đoàn khách của các công ty du lịch lớn, có mối làm ăn lâu dài được ưu tiên đặt phòng, hầu hết đều rất khó khăn. Nhiều lần hướng dẫn viên phải điều đình với khách để nhận 1-2 phòng trước rồi sau 2h khi những khách cũ trả phòng mới được tiếp nhận nốt các phòng ở còn lại.
Anh Giang cho biết: "Dịp cuối tuần, tình trạng này còn căng thẳng hơn. Các công ty du lịch phải chạy đôn chạy đáo khắp thị trấn tìm chỗ ở cho khách. Không ít trường hợp đoàn lớn bị xé lẻ, mỗi người một nơi".
Công ty du lịch Tre Việt vừa phải từ chối 2 đoàn khách Hàn Quốc và Nhật Bản vì không lo được chỗ ở cho họ. "Các khách sạn bây giờ đều hoạt động hết công suất. Đặc biệt khách sạn cao cấp đều đã hết phòng. Một số nơi cũng dành lại vài suất cho Tre Việt nhưng chỉ đủ cho đoàn khách nhỏ, hơn nữa giá lại tăng lên đến 30%. Chúng tôi không dám mạo hiểm, vì muốn giữ uy tín", anh Hải than phiền.
Nhiều công ty du lịch tỏ ra rất bức xúc bởi vào những mùa thấp điểm, các khách sạn "săn" đại lý du lịch ráo riết. Họ liên tục mời chào, đưa ra những thỏa thuận, khuyến mại hấp dẫn và có nhiều dịch vụ chăm sóc khách hàng. Song khi vào mùa đông khách thì họ lại quay lưng lại và làm giá với chính những đại lý thân thiết.
Giám đốc Benthanh Tourist phàn nàn: "Nhiều nơi còn nói thẳng rằng họ chú trọng vào khách bussiness và chỉ dành 10% cho khách du lịch. Điều này khiến chúng tôi đau đầu, vì chất lượng và giá tour được xây dựng trên những thỏa thuận đã có với các khách sạn".
Chính vì sự tăng giá và khan hiếm phòng như vậy mà giá tour cũng bị đẩy lên cao. Anh Trung Dũng, nhân viên marketing một công ty du lịch lớn cho biết, nhiều hợp đồng đã bị hủy vì khách không ý với giá tour mới. Cũng đã có trường hợp du khách không hài lòng với công ty du lịch vì không được ở tại khách sạn theo đúng hợp đồng thỏa thuận.
Theo Trịnh Vũ
Vnexpress