1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH tới 60-70 tỉ đồng

(Dân trí) - “Cả nước có khoảng 320.000 doanh nghiệp đăng ký mã số thuế, nhưng mới chỉ có 150.000 doanh nghiệp đăng ký bảo hiểm xã hội. Trong đó, 600 doanh nghiệp nợ BHXH ở mức trên 1 tỉ đồng và không ít doanh nghiệp nợ tới hàng chục tỉ đồng”.

|Tình trạng nợ BHXH còn xảy ra ở nhiều nơi (Ảnh có tính chất minh họa)
|
Tình trạng nợ BHXH còn xảy ra ở nhiều nơi (Ảnh có tính chất minh họa)

PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Liệu - Trưởng ban Thu - Bảo hiểm xã hội Việt Nam - về tình hình nợ đọng bảo hiểm của các doanh nghiệp hiện nay.

Thưa ông, con số hơn 11.000 đồng vừa công bố thể hiện tình trạng nợ đọng BHXH của doanh nghiệp ra sao?

Con số 11.000 tỉ đồng là tổng quát từ số nợ của doanh nghiệp từ 3 nguồn: Nợ bảo hiểm xã hội (hơn 7.200 tỉ đồng), bảo hiểm y tế (gần 3.000 tỉ đồng) và phần còn lại thuộc về bảo hiểm thất nghiệp.

Theo thống kê, cả nước có 320.000 doanh nghiệp đăng ký mã số thuế, nhưng mới chỉ có 150.000 doanh nghiệp mới đăng ký bảo hiểm xã hội cho khoảng 7 triệu lao động. Như vậy, số lượng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội rất lớn.

Trong số 150.000 doanh nghiệp đóng BHXH, có gần 600 doanh nghiệp đang nợ BHXH ở mức trên 1 tỉ đồng và dạng BHXH trên 12 tháng.

Các địa phương có nhiều vi phạm như: Hà Nội có 179 doanh nghiệp nợ BHXH, TPHCM 87 doanh nghiệp, Hải Phòng 41 doanh nghiệp, Cần Thơ 18 doanh nghiệp, Bắc Ninh 16 doanh nghiệp, Đồng Nai 13 doanh nghiệp…

Thống kê cho thấy nhiều doanh nghiệp có số nợ đóng BHXH lên tới hành chục tỉ đồng, như: Công ty CP Mai Linh miền nam hơn 66 tỉ đồng, công ty TNHH MTV Tổng công ty tàu thủy Nam Triệu trên 65 tỉ đồng, Công ty xây lắp công nghiệp hơn 18 tỉ đồng, Công ty cổ phần Lilama 3 hơn 18 tỉ đồng…

Ngoài ra, chúng tôi còn thống kê khoảng 170 doanh nghiệp FDI đang bỏ trốn, không đóng BHXH cho khoảng 5.000-6.000 lao động.

Doanh nghiệp nợ đóng BHXH ảnh hưởng nghiêm trọng tới Quỹ BHXH trong tương lai, ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động, gây nên hậu quả đình công, lãn công. Người lao động khi chuyển khỏi doanh nghiệp cũng chưa chốt được Sở BHXH…

Ông Trần Đình Liệu - Trưởng ban Thu - Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Ông Trần Đình Liệu - Trưởng ban Thu - Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Tình trạng này đã tồn đọng từ nhiều năm nay. Nguyên nhân gì khiến số lượng nợ lớn tới vậy, thưa ông?

Do mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn nhiều so với mức lãi suất vay tiền ngân hàng, chưa kể thủ tục rườm rà. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp đã chiếm dụng nguồn tiền đóng BHXH thay vì đi vay ngân hàng.

Chế tài xử phạt còn quá thấp, mức vi phạm cao nhất mới chỉ dừng ở 60-70 triệu đồng/lần xử phạt, không có tính răn đe với những trường hợp nợ BHXH lên tới hàng chục tỉ đồng.

Cơ quan BHXH không có chức năng thanh tra, xử phạt vi phạm BHXH. Khi phát hiện ra vi phạm, cơ quan BHXH chỉ được quyền nhắc nhở doanh nghiệp chấp hành, sau đó phản ánh với UBND cấp tỉnh hoặc huyện để xử lý.

Nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải phá sản hoặc tạm dừng hoạt động không có khả năng đóng BHXH cho lao động.

Mặc khác, nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động cũng là một nguyên nhân. Đặc biệt là khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nhận thức của người sử dụng lao động rất hạn chế. Người lao động do chưa am hiểu pháp luật và sợ mất việc làm khi đấu tranh với chủ sử dụng lao động về quyền lợi tham gia BHXH…

Trước thực trạng trên, ông có kiến nghị gì để hạn chế tình trạng nợ đóng BHXH như vừa qua?

Đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật BXHH, tập trung vào các điểm sau: Tăng chế tài xử phạt các vi phạm quy định về đóng BHXH, tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm BHXH.

Ví dụ, mức phạt hiện từ 60-70 triệu đồng/lần xử phạt có thể lên tới 400-500 triệu đồng hoặc cao hơn.

Về chức năng quản lý, BHXH Việt Nam kiến nghị được giao thêm chức năng thanh tra xử lý vi phạm cho ngành BHXH. Khi có vi phạm, ngành BHXH chỉ có thể kiến nghị, còn chức năng thanh tra BHXH do lực lượng thanh tra của ngành LĐ-TB&XH thực hiện.

Với một số mức vi phạm lớn, có thể chuyển đổi thành tội danh hình sự đối với tình trạng chủ doanh nghiệp chậm và nợ đóng BHXH nhăm tăng tính răn đe.

Tăng cường phối hợp liên bộ giữa BHXH Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Kế hoạch đầu tư, Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính) chia sẻ thông tin liên quan tới doanh nghiệp khi thành lập, khai báo và quyết toán thuế hàng năm.

Đồng thời, liên Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính ban hành văn bản xử lý nợ khó thu BHXH, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Nội vụ cần kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHXH…

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Mạnh (thực hiện)