1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Hà Tây:

Nhiều đoạn trạch đê chống lũ bị dân phá

(Dân trí) - Tuyến đê tả sông Đáy thuộc địa phận huyện Ứng Hoà (Hà Tây) có nhiệm vụ phòng chống lũ và bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Thế nhưng, bất chấp những quy định của pháp luật, một số người dân địa phương đã ngang nhiên đập phá, huỷ hoại trạch đê để làm lối đi…

Phá trạch đê làm đường đi

Ngày 15/9, chúng tôi đi dọc tuyến đê tả ngạn sông Đáy qua địa bàn các xã Hòa Nam, Lưu Hoàng, Vân Bình, Vạn Thái, Hoà Xá, Hoà Phú, Phù Lưu… và bắt gặp khá nhiều đoạn trạch đê, vốn được xây dựng kiên cố bằng đá trên nền tuyến đê xung yếu, bị tan hoang, nham nhở. Thậm chí, có đoạn trạch đê vỡ kéo dài tới hơn chục mét.

Theo Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều Hà Tây, trạch đê chống lũ thuộc địa phận huyện Ứng Hoà có tổng chiều dài toàn tuyến là 14,66 km, được xây dựng ngay trên mặt đê tả sông Đáy.

Trước đây, trạch đê chống lũ này được nhân dân xây dựng bằng đất để đề phòng nước dâng cao, tràn qua đê chính, gây ngập lụt cho các huyện phía Nam tỉnh Hà Tây và những vùng lân cận thuộc tỉnh Hà Nam.

Những năm gần đây, do huyện Ứng Hoà được liệt vào danh sách vùng trọng điểm về phân lũ, sẵn sàng cứu Thủ đô Hà Nội và Hà Tây nếu có lũ lụt lớn xảy ra. Vì thế, trạch đê chống lũ bằng đất đã được phá đi và Nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng thay thế bằng trạch đê kiên cố (xây bằng đá hộc và xi măng cát, cao 1,2m, đáy dưới rộng 1m, đáy trên rộng 40 cm).

Khi thiết kế và xây dựng, các ngành chức năng đã mở 70 lối đi nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Thế nhưng, không ít người dân sống gần đê vẫn tự ý đập phá trạch đê để mở thêm nhiều lối đi vào nhà mình cho tiện. Theo thống kê của Hạt Quản lý đê Ứng Hoà, tính đến nay trạch đê chống lũ đã có hơn 10 điểm bị người dân tự ý đập phá.

Hậu quả khôn lường

Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Phùng Xuân Dụng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều Hà Tây, cho biết: Mặc dù trạch đê chống lũ ở huyện ứng Hoà được xây dựng xong từ nhiều năm nay nhưng đó chỉ là một hạng mục trong toàn bộ Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 21B do Sở Giao thông - Vận tải Hà Tây làm chủ đầu tư.

Sau nhiều năm thi công dự án này đến nay vẫn chưa  xong nên Sở Giao thông - Vận tải Hà Tây chưa bàn giao chính thức cho ngành đê điều quản lý. Do đó, việc quản lý đê điều nói chung, quản lý trạch đê nói riêng trở nên rất khó khăn đối với cơ quan quản lý đê.

Hơn nữa, cơ quan quản lý đê khi phát hiện ra sai phạm của người dân chỉ có thẩm quyền lập biên bản, bàn giao chính quyền địa phương xử lý. Trong khi đó, biện pháp xử lý của chính quyền địa phương lại thiếu kiên quyết khiến tình trạng vi phạm ngày càng diễn biến phức tạp hơn…

Theo ông Dụng, những tồn tại, sự cố trên ảnh hưởng nhiều đến khả năng phòng, chống lũ của tuyến đê tả sông Đáy. Chi cục đã rất nhiều lần có văn bản đề nghị Sở Giao thông - Vận tải Hà Tây sớm hoàn thiện công trình và bàn giao cho Chi cục quản lý nhưng chưa nhận được sự hợp tác.

Đặc biệt, ngày 29/6/2007, UBND tỉnh Hà Tây đã có Văn bản số 2433/UBND-NN, yêu cầu Sở Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa, hoàn thiện những tồn tại và sự cố trên bàn giao cho đơn vị quản lý, thời gian xong trước ngày 15/7/2007. Nhưng cho đến nay, mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ.

Ông Dụng lo lắng cho biết: “Mùa bão lũ đã đến với những diễn biến vô cùng phức tạp. Nếu tình trạng đập phá, huỷ hoại trạch đê ở huyện Ứng Hoà không được ngăn chặn dứt điểm, kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn tới việc đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân khi lũ lụt lớn xảy ra”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc những vấn đề liên quan đến sự việc trên.

Nhóm Phóng viên