Nhiều điểm sạt lở trên tuyến đường huyết mạch từ Nghệ An sang Lào
(Dân trí) - Không chỉ sạt lở taluy dương, một số điểm sạt lở taluy âm thậm chí đã "nuốt" gần nửa lòng đường. Một số đoạn kè bằng rọ đá ở chân núi cũng bị đẩy vỡ, xiêu vẹo.
Quốc lộ 7 dài hơn 220km, xuất phát từ điểm giao với quốc lộ 1A tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) qua các huyện Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và kết thúc tại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (xã Nậm Cắn, huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An).
Đây được xem là tuyến quốc lộ huyết mạch từ Nghệ An sang Lào. Mỗi ngày trên quốc lộ này có hàng trăm chuyến xe đi Lào và ngược lại thông qua cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn.
Quốc lộ 7 nhiều đoạn một bên là sông, một bên là đồi núi cao.
Những ngày đầu tháng 8, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương xuất mưa lớn khiến nhiều điểm dọc quốc lộ 7 bị sạt lở.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, khu vực xã Tà Cạ, Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) xuất hiện nhiều điểm sạt lở ta luy dương nguy hiểm. Riêng đoạn đường từ thị trấn Mường Xén lên cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn dài khoảng 22km có nhiều điểm sạt lở đã ăn ra quốc lộ 7 khoảng 1m, kéo dài 5-8m.
Đầu tháng 8, cung đường xuất hiện nhiều điểm sạt lở và nguy cơ cao sạt lở hàng chục điểm khác.
Ông Lang Thanh Lương, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cắn, cho biết hễ mưa lớn, quốc lộ 7 đoạn qua địa phận xã lại bị sạt lở, đe dọa ách tắc giao thông.
"Mới đầu mùa mưa nhưng đã có 2 điểm sạt lở, đất đá tràn xuống quốc lộ 7. Khu vực này là vỉa, mỏ than lộ thiên lớn nhất Việt Nam chưa đủ tuổi khai thác nên rất dễ sạt lở. Đặc biệt là điểm sạt lở tại bản Trường Sơn, ở trên đồi có 8 hộ dân và 2 điểm trường nên rất nguy hiểm. Xã và người dân cũng đã nhiều lần đề xuất làm kè để đảm bảo an toàn", ông Lương lo lắng.
Nguy hiểm nhất là đoạn qua địa phận xã Tà Cạ. Nhiều vách núi dựng đứng bên đường "bở ra" sau những cơn mưa lớn. Phần lớn những ngọn núi này đều chưa được bạt mái, bùn đất bị nước mưa đẩy trôi thẳng xuống mặt đường.
Không chỉ sạt lở taluy dương, một số điểm sạt lở taluy âm thậm chí đã "nuốt" gần nửa lòng đường. Một số đoạn kè bằng rọ đá ở chân núi cũng bị đẩy vỡ, xiêu vẹo.
Anh Hoàng Đăng Kiều, một người dân ở xã Tà Cạ, cho biết đất ở huyện Kỳ Sơn có độ kết dính rất thấp, khi mưa lớn kéo dài, đất bị ngấm nước rất dễ bị sạt lở.
"Đợt mưa tháng 10/2022 đã kéo đổ sập cả quả đồi, vùi lấp khoảng 100m quốc lộ 7, đoạn qua đầu thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Hiện, trên tuyến đường lên cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã có khá nhiều điểm sạt lở từ núi xuống quốc lộ 7. Nếu trời mưa tầm tã như thế này, tôi chắc chắn rằng chẳng mấy chốc quốc lộ 7 sẽ chia cắt bởi đất đá sạt lở", anh Kiều cho biết.
Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết, quốc lộ 7, đoạn qua địa phận huyện Kỳ Sơn có nguy cơ sạt lở rất cao. Qua khảo sát, hiện có ít nhất 4 vị trí rất dễ xảy ra sạt lở nếu mưa lớn kéo dài nhiều ngày.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, một cán bộ Khu quản lý đường bộ (quản lý quốc lộ 7), thuộc Khu quản lý đường bộ II, cho biết để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông, đơn vị này đã khảo sát và dự kiến sẽ làm kè 18 điểm taluy âm trên tuyến quốc lộ 7; đào đất, hạ tải đất, đá trên các ngọn đồi có nguy cơ đổ sập xuống đường trong thời gian tới.
Được biết, trong đợt mưa lũ tháng 10/2022, quốc lộ 7 đã bị sạt lở hàng chục điểm, trong đó có hơn 10 điểm nghiêm trọng, khiến tuyến giao thông huyết mạch này "đứt đoạn" suốt gần nửa tháng.