Nhiều “điểm đen” ném đá xe khách ở Tây Nguyên
Thời gian gần đây, vấn nạn ném đá xe khách lưu thông trên 2 tuyến Quốc lộ 14 và 19 đoạn qua các tỉnh Tây Nguyên xảy ra thường xuyên, liên tục, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho các doanh nghiệp, lái xe và hành khách. <br><a href='http://dantri.com.vn/xa-hoi/vu-xe-khach-bi-nem-da-nan-nhan-hong-hoan-toan-mat-trai-948608.htm'><b> >> Vụ xe khách bị ném đá: Nạn nhân hỏng hoàn toàn mắt trái</b></a>
Một chiếc xe khách bị ném đá.
Đáng chú ý trong 2 tháng 8 và 9 vừa qua, hàng chục xe khách của các doanh nghiệp dịch vụ vận tải trên địa bàn tỉnh Gia Lai lưu thông trên 2 tuyến lộ trình Gia Lai đi Thành phố Hồ Chí Minh và Gia Lai đi Đà Nẵng đã bị các đối tượng xấu chủ động ném đá làm vỡ kính khiến nhiều hành khách bị thương nặng đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc công ty TNHH dịch vụ vận tải Hồng Hải bức xúc cho biết: Thời gian qua xe khách của công ty liên tục bị ném đá làm một lái xe hỏng một mắt, một hành khách gãy xương hàm và một người bị chấn thương sọ não phải nhập viện.
Cùng chung tình cảnh này, ông Phạm Thanh Yên, Giám đốc điều hành Công ty vận tải Việt Tân Phát khu vực Tây Nguyên cũng không khỏi lo lắng: Từ đầu năm đến nay, hãng xe bị ném đá 87 lần, thiệt hại về tài sản hơn 422 triệu đồng, trong đó có một vụ làm hành khách một phen hú vía khi tài xế bị rách mắt phải.
Chỉ tính riêng trong tháng 9, công ty phải hứng chịu 11 vụ ném đá gây vỡ kính, chưa kể những vụ ném đá làm móp, méo thân xe. Thực trạng này đang tiềm ẩn nhiều khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp và gây tâm lý bất an cho hành khách. Chúng tôi đề nghị các ngành chức năng sớm vào cuộc quyết liệt phát động phong trào bảo vệ trật tự an toàn xã hội để ngăn chặn triệt để tình trạng này vì sự an toàn của hành khách.
Qua tìm hiểu, trên 2 tuyến lộ trình vận tải hành khách từ Gia Lai đi Thành phồ Hồ Chí Minh, Gia Lai đi Đà Nẵng xuất hiện nhiều “điểm đen” ném đá tập trung ở các địa phương như huyện: Chư Pưh, Mang Yang, Chư Sê của tỉnh Gia Lai; huyện Ea H’Leo, Krông Buk của tỉnh Đăk Lăk; huyện Cư Jut, Đăk Mil của tỉnh Đăk Nông và huyện Bù Đăng của tỉnh Bình Phước.
Các vụ ném đá chủ yếu xảy ra vào ban đêm nên công tác đấu tranh, truy tìm thủ phạm của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Trần Quốc Ánh, Phó Giám đốc Công ty bảo hiểm Bảo Việt Gia Lai: Từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng công ty đã làm thủ tục bồi thường cho gần 250 trường hợp xe vỡ kính do bị ném, vật rơi với số tiền trên 1 tỷ đồng. Tình trạng này diễn ra hết sức nhức nhối không chỉ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải, công ty bảo hiểm mà còn đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của hành khách.
Trước thực trạng này, tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tiến hành rà soát, nắm danh sách để có biện pháp giáo dục, răn đe cá biệt đối với các đối tượng thanh thiếu niên càn quấy, thường xuyên vi phạm pháp luật trong lĩnh vực trật tự giao thông. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải khách nhắc nhở lái phụ xe chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa; không có những hành động bột phát vi phạm pháp luật; kịp thời thông tin, báo cáo đầy đủ diễn biến, hậu quả của các vụ việc xảy ra; tích cực phối hợp với lực lượng chức năng trong công tác điều tra, thu thập chứng cứ để xử lý các đối tượng vi phạm.
Mặc dù đã có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, song tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, tính mạng hành khách vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để ngăn chặn triệt để tình trạng ném đá vào xe khách diễn ra trên trên hai tuyến Quốc lộ 14 và 19, đoạn qua địa bàn các tỉnh Tây Nguyên mang lại sự bình yên cho người dân, đòi hỏi cần có sự vào cuộc đồng bộ quyết liệt từ các ngành chức năng, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho nhân dân sinh sống dọc 2 tuyến quốc lộ này.
Theo Nguyễn Hoài Nam
TTXVN