1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Nhiều công nhân xây dựng mua dâm khi xa nhà”

“Nhiều công nhân xây dựng thừa nhận có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân khi làm việc xa nhà” - kết quả công bố tại Hội thảo quốc gia về giới, tình dục và sức khỏe tình dục do Viện nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) tổ chức ngày 8 và 9/11 tại Hà Nội.

Chuyên gia Sáng kiến Tiếp cận Y tế (Quỹ Clinton), bà Bùi Thị Thanh Thủy cho biết, cuộc điều tra này đã tiến hành 28 cuộc phỏng vấn sâu với hai nhóm công nhân xây dựng di cư đang làm việc tại tỉnh Bắc Giang và Vĩnh Phúc nhằm phác họa một bức tranh về nhu cầu quan hệ tình dục (QHTD) trong giới lao động này.

Theo đó, trong nhóm Bắc Giang, nhiều công nhân nam giới tìm kiếm dịch vụ mại dâm trong thành phố hoặc quan hệ với chính công nhân trong cùng nhóm, “quan hệ” với công nhân khác nhóm thỉnh thoảng đến thăm công trường.

Nhiều người thú nhận, họ (cả nam lẫn nữ) có thể “quan hệ” với vài người khác hoặc ngược lại. Địa điểm là nơi làm việc, nhà nghỉ hoặc ở góc phố, ven sông, công viên... Mối quan hệ yêu đương này chấm dứt khi công trình xây dựng hoàn thiện và chuyển sang làm việc ở công trình khác.

Họ không gọi nhau là “bạn”, “anh ấy”, “chị ấy” mà thay vào đó là “con gái”, “cháu gái”, “anh trai” cho dù họ chẳng có mối quan hệ họ hàng nào cả…

Một thực tế nữa là các chủ lao động tư nhân (gọi là cai) không chỉ quản lý tiền công, mà còn cai luôn là dịch vụ quan hệ tình dục trong nhóm.

Ví dụ như “cai” Cường (ở Vĩnh Phúc) đã sử dụng dịch vụ tình dục với một vài nữ công nhân trong nhóm như là phần thưởng cho các công nhân nam khác, đồng thời không quên khấu trừ khoản tình phí này vào tiền công của họ. Do đó, “cai” thầu vừa đóng vai trò người dẫn mối, vừa sắp xếp dịch vụ tình dục giữa các công nhân trong cùng nhóm.

Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) lo lắng vì sự vi phạm chuẩn mực đạo đức này khá đồng đều nên công nhân có phản ứng bảo vệ nhau, giám sát lẫn nhau để không ai phá hủy các thành quả mà cộng đồng có thể thụ hưởng từ những người rời làng quê đi làm việc.

Theo bà Hồng, hầu hết các công nhân cho rằng để làm tròn vai trò của người chồng, người đàn ông chỉ cần kiếm đủ tiền là ổn. Họ xem tiền là biểu tượng của tình yêu, là sự làm tròn trách nhiệm. Trong khi đó, phụ nữ lại cho rằng chuẩn mực của họ là “tiết hạnh”.

Chính quan niệm này đã khiến đàn ông có QHTD ngoài hôn nhân thì không bị phán xét nghiêm khắc nếu anh ta vẫn có chu cấp cho gia đình. Đây chính là quan niệm cần phải thay đổi hiện nay trong nhóm công nhân di cư theo nhóm (làng) riêng rẽ hay nhóm hình thành từ những người đến từ nhiều nơi.

Theo HL
VTC News