1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhiều công nhân không dám... đi vệ sinh trong giờ làm việc

(Dân trí) - Đó là một thực trạng đáng chú ý trong một số công ty 100% vốn nước ngoài (FDI) ở Việt Nam qua khảo sát mới nhất của Nhóm nghiên cứu thuộc trường ĐH Khoa học Huế và Viện Rosa Luxemburg Stiftung (CHLB Đức).

Quyền lợi người lao động không đảm bảo

Ý kiến khảo sát trên được đưa ra ở Tọa đàm “Vai trò Công đoàn trong bảo vệ quyền người lao động” tại TP Huế ngày 29/9. Qua khảo sát mới nhất này cho thấy, do những bất cập của công đoàn đã dẫn đến các yếu kém trong bảo vệ quyền lợi cho người lao động ở các doanh nghiệp FDI.

Như mức lương so với giá trị sản phẩm công làm ra rất thấp dẫn đến công nhân không đủ sống; công nhân bị bóc lột phải làm việc với cường độ quá cao; bị xúc phạm về nhân phẩm (bị cán bộ quản lý quát mắng, miệt thị khi phạm lỗi); môi trường làm việc không đảm bảo; công nhân không dám đi vệ sinh trong giờ làm việc do việc quá nhiều; đặc biệt nhiều công nhân nữ không được nghỉ để làm vệ sinh cá nhân…

Tại một cuộc đình công, một công nhân đã bức xúc phản ánh: “Công ty liên tục tăng định mức lao động khiến công nhân phải làm hụt hơi. Một số công đoạn trước đây được khoán định mức cho 3 người nhưng hiện nay chỉ còn 2 người; có công việc hiện nay chỉ 1 công nhân làm, thay vì 2 người như trước nhưng lương không hề tăng.

Cán bộ quản lý thì liên tục la mắng công nhân để ép phải đạt sản lượng. Nhiều khi chúng tôi không dám đi vệ sinh, bởi lẽ đi về xong là hàng ùn đầy trước mặt, làm tối tăm mặt mũi. Nhiều người bị bệnh cũng không dám xin nghỉ”.

Một số công nhân cũng phản ánh thêm: “Chúng tôi không kịp uống hết cốc nước thì hàng đã chạy qua, họ vặn dây chuyền chạy nhanh hơn quy định của công ty mẹ. Mỗi ngày bước đến công ty, chúng tôi đều thấy khiếp sợ”.

Nữ công nhân công ty S.H.C chua xót: “Một ví dụ điển hình là bữa cơm giữa ca của công nhân rất kém, có lúc lấy cơm và thức ăn từ bữa ăn ca trước đun lại cho công nhân làm ca sau, thậm chí phải mua mỳ tôm thay thế. Trong cuộc họp 3 bên giữa ban giám đốc công ty, công đoàn và anh em công nhân, chúng tôi đã phản ánh nhiều nhưng không được cải thiện”.

“Các doanh nghiệp FDI đã đẩy mạnh cường độ lao động, tăng định mức biến người lao động như những cỗ máy vận hành liên tục. Các chủ doanh nghiệp chỉ quan tâm làm sao tăng năng suất lao động mà vẫn không tăng giờ làm và không phải tăng lương. Có thể khẳng định, đây là một hình thức lách luật tinh vi của các chủ doanh nghiệp” – TS Lê Thị Kim Lan, Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, ĐH Khoa học Huế cho biết.

Nhiều công nhân không dám... đi vệ sinh trong giờ làm việc
Tọa đàm “Vai trò Công đoàn trong bảo vệ quyền người lao động” tại TP Huế đã chỉ ra nhiều nỗi khổ của công nhân trong doanh nghiệp FDI qua thực tế khảo sát rất kỹ lưỡng của các nhóm nghiên cứu

Công đoàn không bảo vệ được công nhân

Không thể kể đến lợi ích to lớn của doanh nghiệp FDI đem lại cho nền kinh tế Việt Nam. Đến tháng 4/2014, sau 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài, cả nước có 16.300 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 238 tỷ USD từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ sự đầu tư doanh nghiệp FDI đã tạo ra khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp và 1 triệu việc làm gián tiếp từ Bắc vào Nam.

Tuy nhiên, vai trò công đoàn trong các doanh nghiệp này rất mờ nhạt ở việc bảo vệ quyền lợi người lao động. Khó khăn nhất của công đoàn là giải quyết quan hệ “tay 3” giữa chủ - công đoàn – công nhân. Do cán bộ công đoàn nhận lương từ chủ, nhiều cán bộ công đoàn cũng tham gia công tác quản lý nên bảo vệ quyền lợi cho công nhân chẳng khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Thống kê từ 2005 đến 2012 cả nước đã xảy ra khoảng 4.380 cuộc đình công, trong đó 80% xảy ra tại các doanh nghiệp FDI. Nguyên nhân sâu xa, một phần do công nhân chưa được phổ biến kiến thức về pháp luật, ý thức chính trị. Nhưng bên cạnh đó là khi cơ quan thẩm quyền tuyên truyền pháp luật cho người lao động, thì cán bộ công đoàn không nhiệt tình tham gia. Thành ra không phổ biến lại được cho công nhân. Đó là chưa kể đến việc cán bộ công đoàn không được đào tạo bài bản về nghiệp vụ công đoàn; cán bộ trẻ thiếu kỹ năng và kinh nghiệm giải quyết tình huống thực tế.

“Cán bộ công đoàn cơ sở rất khó trong việc độc lập hoạt động do nhận lương từ chủ. Công đoàn cơ sở cũng khó đóng vai trò hòa giải khi có đình công hoặc tranh chấp do họ được chủ sử dụng lao động trả lương. Vì thế nên đấu tranh cho người lao động, họ sẽ mất việc làm” – anh Nguyễn Văn Nam, cán bộ công đoàn Khu công nghiệp Bình Dương trăn trở.

Chỉ có một trường hợp duy nhất ở tỉnh Bình Dương, cán bộ công đoàn 1 công ty FDI đã đồng hành cùng công nhân trong vụ kiện năm 2012. “Cán bộ công đoàn ở công ty này đã giúp công nhân thắng kiện trong vụ họ bị sa thải do phạm lỗi đánh bài trong giờ nghỉ trưa và yêu cầu công ty phải bồi thường 20 triệu đồng do thực hiện không đúng quy định cho thôi việc. Đây là một trong những vụ hy hữu ở các công ty này” – anh Nam, 40 tuổi, cán bộ Liên đoàn lao đọng tỉnh Bình Dương cho biết.

Nhóm nghiên cứu cho biết khi làm đề tài này, đã gặp rất nhiều khó khăn do các doanh nghiệp FDI rất khó cho thông tin và khó cho tiếp cận đối với báo chí và các đơn vị muốn tìm hiểu quyền lợi người lao động trong doanh nghiệp họ. Nhóm đã thực sự rất cố gắng nỗ lực hết sức để đưa ra các dẫn chứng chính xác nhất.

Qua hội thảo, đã đề xuất lương cán bộ công đoàn cần được trích từ ngân sách nhà nước chứ không cho chủ sử dụng lao động chi trả để đảm bảo tính độc lập. Nhà nước cần hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật theo hướng cụ thể, rõ ràng, quy định việc bảo vệ cán bộ công đoàn trong mối quan hệ với chủ doanh nghiệp; tăng cường tập huấn cán bộ công đoàn có các kỹ năng thương lượng, đàm phán; thường xuyên thanh kiểm tra doanh nghiệp FDI.

“Một sự khác biệt của công ty FDI so với các công ty khác là sự hiện diện của tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ có 1/5 công ty có Chi bộ Đảng, nhưng Chi bộ này muốn chỉ đạo phải thông qua công đoàn. Các công ty khác, công đoàn không chịu sự lãnh đạo của Đảng vì không có tổ chức Đảng. Sự vắng bóng của tổ chức Đảng trong các công ty FDI là một khó khăn lớn cho công tác công đoàn, nhất là trong nắm bắt các vấn đề về chính trị, tư tưởng của công nhân (như đình công, bạo loạn…) – NCS. Lê Thị Nga; TS. Lê Thị Kim Lan và nhóm nghiên cứu ĐH Khoa học Huế.


Đại Dương