Nhiều cơ quan công quyền “né” trả lời báo chí

(Dân trí) - Không ít vụ việc nóng bỏng mà cơ quan báo chí đưa ra hoặc có nhiều văn bản yêu cầu cơ quan chức năng phản hồi đã rơi vào tình trạng im lặng kéo dài, hoặc bị né tránh.

Tại Hội thảo “Mức độ phản hồi của cơ quan Nhà nước đối với kiến nghị, phê bình của tổ chức, công dân báo chí” do Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức chiều 27/10, thu hút đông đảo sự tham gia của các nhà báo đang tác nghiệp trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là những nhà báo hoạt động trong lĩnh vực chống tiêu cực.

Tại Hội thảo, ông Kim Quốc Hoa, Tổng Biên tập báo Người cao tuổi đưa ra những kinh nghiệm trong quá trình đấu tranh với những vụ việc tiêu cực như: Hàng loạt sai phạm tại Trường Đại học kinh tế Quốc dân; Vụ việc liên quan đến đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến…“Trên thực tế, trong quá trình báo Người cao tuổi thu thập thông tin, đăng tải các tin, bài liên quan các vụ việc tiêu cực thì hầu hết đều gặp phải áp lực từ nhiều phía, bị đe dọa, gây khó khăn. Không ít công văn mà báo Người cao tuổi gửi đi đề nghị làm rõ sự việc báo nêu không ít bị rơi vào im lặng kéo dài hoặc bị né tránh” - ông Hoa chia sẻ.

Quang cảnh buổi hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo

Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp với cơ quan tư pháp, Phó trưởng đại diện văn phòng Hà Nội báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh Hoàng Nghĩa Nhân cho biết: Có thực trạng kéo dài đó là sự phản hồi từ cơ quan tư pháp khá một chiều, khi báo chí phản ánh đúng, cơ quan tư pháp thường “lặng lẽ” điều chỉnh, nhưng nếu có sai phạm họ sẽ dùng công văn đề nghị báo chí điều chỉnh hoặc nhắc nhở yêu cầu sửa chữa sai phạm rất nhanh và cương quyết. “Ngành tư pháp rất quan tâm đến thông tin báo chí đưa ra, bởi ngay bản thân ngành chưa nắm hết thông tin mà phải qua kênh báo chí. Trong khi đó, hầu hết các báo chưa sử dụng hết “quyền năng” và quyền của báo chí đối với cơ quan tư pháp. Còn phía cơ quan tư pháp cũng thừa nhận, hầu hết phản ánh của báo chí là đúng. Những sự việc sẽ  được ưu tiên giải quyết khi vừa có thông tin đăng báo lại có công văn của báo chí gửi đến cơ quan chức năng…”- ông Nhân chia sẻ.

Tại hội thảo, bà Trần Hoài Thu, Phó giám đốc kênh VTC1, Đài VTC cũng chia sẻ kinh nghiệm quá trình xử lý đơn thư qua “đường dây nóng” của kênh truyền hình; những áp lực, thậm chí sai sót của trong quá trình tác nghiệp trong khi thực hiện các vụ việc tiêu cực...

Ở góc nhìn khác, ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng thanh tra Báo chí xuất bản, Bộ Thông tin- Truyền thông lại trao đổi về trách nhiệm của báo chí trong việc chuyển tải ý kiến của công dân, kinh nghiệm từ thực tiễn xử lý sai sót của báo chí. Theo ông Toàn, với thông tin nhanh nhạy, trung thực, khách quan và đa chiều báo chí cách mạng Việt Nam đã trở thành diễn đàn của đông đảo quần chúng nhân dân, là nơi thể hiện sự giám sát phản biện. Tuy nhiên, không thể phủ nhận đã có những vụ tiêu cực liên quan đến báo chí.

Ông Toàn cũng cho rằng, “quyền năng” của báo chí vẫn chưa được sử dụng triệt để. Một số báo cũng chưa đặt đúng mức trách nhiệm chuyển tải ý kiến công dân, chưa đặt nhiệm vụ này ngang hàng với các nhiệm vụ khác trong hoạt động chuyên môn. Ông Toàn đưa ra ý kiến, để khắc phục những tồn tại, nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tiếp tục kiện toàn hệ thống pháp luật, kịp thời phát hiện xử lý những hành vi vi phạm trong việc chuyển tải ý kiến của công dân...

 Phạm Thanh