1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 5

(Dân trí) - Người tham gia bán hàng đa cấp có quyền trả lại đồ đã mua; Tẩy xóa chứng từ kế toán sẽ bị phạt nặng; Thông đồng hưởng bảo hiểm xã hội bị phạt đến 100 triệu đồng… là những chính sách quan trọng có hiệu lực trong tháng 5/2018.

Tham gia bán hàng đa cấp có thể trả lại đồ đã mua

Từ ngày 2/5, Nghị định 40 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chính thức có hiệu lực. Theo đó, người tham gia bán hàng đa cấp có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bao gồm cả hàng hóa được mua theo chương trình khuyến mại, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng.

Theo Nghị định, doanh nghiệp đa cấp không được trả hoa hồng, tiền thưởng cho người tham gia bán hàng đa cấp quá 40% doanh thu trong năm. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có trách nhiệm mở tài khoản ký quỹ tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỉ đồng tại một ngân hàng thương mại. Khoản tiền ký quỹ sẽ được ngân hàng phong tỏa trong suốt thời gian hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được tổ chức hội nghị bán hàng đa cấp tại nơi doanh nghiệp đã được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Trường hợp hội nghị bán hàng đa cấp có sự tham dự của từ 30 người trở lên hoặc có sự tham dự của từ 10 người tham gia bán hàng đa cấp trở lên, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thông báo tới Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước khi thực hiện.

Hướng dẫn bù chênh lệch lãi suất mua nhà ở xã hội

Quyết định 18 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100, có hiệu lực từ ngày 20/5, áp dụng cho các khoản giải ngân vốn vay từ ngày 10/12/2015.

Các khoản vay đủ điều kiện khi mua nhà ở xã hội sẽ được cấp bù chênh lệch lãi suất (Ảnh minh họa)
Các khoản vay đủ điều kiện khi mua nhà ở xã hội sẽ được cấp bù chênh lệch lãi suất (Ảnh minh họa)

Cụ thể, các khoản cho vay được ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất khi đáp ứng đủ các điều kiện như đã ký hợp đồng tín dụng và đã được giải ngân vốn vay tại các tổ chức tín dụng; Đúng đối tượng và khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích; Là khoản cho vay trong hạn tại thời điểm cấp bù chênh lệch lãi suất.

Mức chênh lệch lãi suất được ngân sách Nhà nước cấp bù cho các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay theo chương trình nhà ở là 3%, áp dụng giai đoạn 2016-2020. Thời gian được cấp bù chênh lệch lãi suất bằng thời gian các khoản cho vay đối với khách hàng vay vốn được quy định tại Nghị định 100.

Tẩy xóa chứng từ kế toán bị phạt nặng

Từ ngày 1/5, Nghị định 41 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, có hiệu lực. Theo đó, hành vi tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán; ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ, mực phai màu; ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.

Hành vi không tổ chức bàn giao công tác khi thay đổi kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán cũng bị phạt đến 10 triệu đồng.

Thông đồng hưởng bảo hiểm phạt tới 100 triệu đồng

Từ ngày 10/5, Nghị định 48/2018 sửa đổi Nghị định 98/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, xổ số chính thức có hiệu lực. Nghị định nêu rõ mức phạt tiền từ 90 - 100 triệu đồng đối với hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm.

Hành vi thông đồng hưởng bảo hiểm phạt tới 100 triệu đồng
Hành vi thông đồng hưởng bảo hiểm phạt tới 100 triệu đồng

Nghị định cũng nêu rõ mức phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng về hành vi ép buộc mua bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe dưới mọi hình thức. Tổ chức vi phạm quy định sẽ bị phạt gấp đôi (tức là phạt từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng).

Với hành vi triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn sẽ chịu mức phạt cao hơn trước rất nhiều, từ 60 triệu đến 70 triệu đồng thay vì chỉ từ 10 triệu đến 20 triệu đồng như trước.

Định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải dựa vào giá thị trường

Nghị định 30 quy định thành lập, hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự, có hiệu lực ngày 1/5. Nghị định nêu rõ việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải dựa vào giá thị trường.

Đối với tài sản không phải là hàng cấm phải dựa vào giá do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định; Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; Giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có); Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá.

Với tài sản là hàng cấm, phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên theo quy định tại nghị định này. Trường hợp đặc biệt, viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao quyết định việc định giá lại tài sản khi đã có kết luận định giá lại lần hai của Hội đồng định giá. Việc định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt do Hội đồng định giá theo vụ việc ở trung ương thực hiện.

Cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế 3 triệu đồng

Thông tư 33 về phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, nội địa; cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, có hiệu lực từ ngày 14/5. Nội dung Thông tư nêu rõ việc thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch với mức phí là 650.000 đồng/thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa; 200.000 đồng/thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

Nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 5 - 3

Phí thẩm định cấp mới, cấp đổi và cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và nội địa lần lượt là 3 triệu, 2 triệu và 1,5 triệu đồng/giấy phép.

Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài, lệ phí cấp mới là 3 triệu đồng và cấp lại, điều chỉnh, gia hạn là 1,5 triệu/giấy phép.

Quang Phong