Kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 18 khóa VII:
Nhiều chất vấn sai phạm trong quản lý xây dựng
(Dân trí) - Tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 18 khóa VII, nhiều đại biểu vẫn chất vấn xung quanh về trách nhiệm cho những sai phạm tại cầu Văn Thánh 2 và sự thiếu khách quan trong dự án Metro 1.
Ai đền 142 tỷ đồng sửa cầu Văn Thánh 2
Cầu Văn Thánh 2 là một phần trong dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Hữu Cảnh do Công ty Thanh niên Xung phong làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6, Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam là đơn vị tư vấn thiết kế và Phân viện Khoa học công nghệ phía Nam là đơn vị giám sát. Sau khi đưa vào sử dụng không bao lâu thì cây cầu này liên tục xảy ra sự cố lún, sụt nên Thành phố phải chi gần 142 tỷ đồng để sửa chữa.
Sau cầu Văn Thánh 2, TP còn phải chi hàng trăm tỷ đồng để chống lún cho đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa chất vấn lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT): “Trước đây để đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân, Thành phố đã ứng trước 142 tỷ đồng để sửa chữa hư hỏng. Sau đó mới yêu cầu xác định trách nhiệm của các bên để trả lại cho ngân sách. Đến nay số tiền này đã thu hồi lại từ các đơn vị sai phạm chưa?”.
Trả lời chất vấn, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Tòa án cũng đã xử lý trách nhiệm của các cá nhân tổ chức có sai phạm trong vụ việc này”. Tuy nhiên, về việc thu hồi số tiền 142 tỷ đồng thì ông Phượng không trả lời.
Khi hội đồng mời ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư hỗ trợ thông tin thì được biết: “Hiện đã lập được ban liên ngành để xác định trách nhiệm và thu hồi cho ngân sách. Ban liên ngành này do Sở GTVT chủ trì”. Tuy nhiên, theo ông Phượng, ban liên ngành mới thành lập, còn đang xác định trách nhiệm của từng đơn vị để xác định mức bồi thường.
Ông Phượng cũng giải thích: Không kể những sai phạm của các đơn vị liên quan thì thời điểm xây dựng cầu chúng ta chưa có giải pháp xử lý lún tốt. Khi sửa chữa, chúng ta dùng giải pháp tốt hơn, xây dựng cầu dài thêm mấy chục mét nên số tiền mới cao như vậy.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thì lo lắng về số tiền mà Thành phố tiếp tục phải chi để khắc phục sự cố lún sụt đường Nguyễn Hữu Cảnh (cũng nằm trong dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Hữu Cảnh). Bởi con đường này đưa vào sử dụng không bao lâu thì cũng bị lún, ngập triền miên và cần có hơn 100 tỷ đồng để khắc phục, còn muốn chống lún hoàn toàn thì cần đến 300 tỷ đồng. “Ai sẽ gánh số tiền này, không lẽ tiếp tục là ngân sách Thành phố", ông Nghĩa băn khoăn.
Về việc này, ông Phượng cho biết, hiện chủ đầu tư cũng thường xuyên khắc phục bằng cách bù lún. Nhưng vì đây là một con đường trung tâm, Thành phố không chấp nhận tình trạng ngập úng, hư hỏng liên tục nên yêu cầu chống lún vĩnh viễn. Để làm được như vậy thì cần chi phí rất lớn, Thành phố phải bỏ tiền ra làm.
Tính khách quan trong thẩm định dự án Metro số 1
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cảnh báo tình trạng không kiểm soát được việc các dự án ODA tăng vốn vô tội vạ, đơn cử như dự án Metro số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên tăng từ 1 tỷ USD lên 2,3 tỷ USD.
“Cũng công ty đó ban đầu thẩm định dự án trình Chính phủ là 1 tỷ USD. Sau khi Chính phủ duyệt, giao cho Thành phố làm thì cũng công ty đó tham gia thẩm định nâng vốn lên 2,3 tỷ USD là sao?”.
Ông chỉ ra điểm yếu của khâu thẩm định: “Đề xuất nâng vốn cũng là bên cho vay, công ty thẩm định độc lập nhưng cũng là công ty nước ngoài do bên cho vay thuê. Vậy là khách quan mà không khách quan!”.
Dù ông Trần Quang Phượng và ông Thái Văn Rê đều giải thích nguyên nhân tăng vốn đều là do các nhân tố khách quan như trượt giá, thay đổi thiết kế… và đều đã được các ban ngành Thành phố và trung ương thẩm định kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lo lắng: “Nếu không có giải pháp tự vệ ngay từ bây giờ thì chúng ta sẽ lâm vào tình trạng lệ thuộc, bất lực. Tuyến metro 1 chưa làm đã tăng vốn đến như vậy, tôi không tin là khi làm nó sẽ dừng lại ở con số 2,3 tỷ USD”.
Tùng Nguyên