“Hơn 100 giáo viên tố cáo tiêu cực”:
Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ
(Dân trí) - Sau khi Dân trí đăng bài “<a href=" http://dantri.com.vn/Sukien/2006/5/120356.vip"> Hơn 100 cán bộ, giảng viên tố cáo tiêu cực</a> tại trường ĐHNN-ĐHQGHN”, ngày 1/6, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã tổ chức cuộc đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với một số cơ quan báo chí để làm rõ những vấn đề báo chí đã nêu.
Mặc dù chưa thỏa mãn với những thông tin tại cuộc họp này nhưng chúng tôi rất hoan nghênh thái độ cầu thị của lãnh đạo trường ĐHNN. Trước những phản ứng của dư luận, chúng tôi tiếp tục thông tin thêm về vụ việc này.
Vẫn “ông nói gà, bà nói vịt”!
Ngay sau khi bài viết được đăng tải, chúng tôi đã đồng thời nhận được phản hồi từ hai phía, trường ĐHNN và đại diện cho 123 giáo viên tố cáo tiêu cực. Tuy nhiên, quan điểm và ý kiến của hai bên còn nhiều điểm rất khác nhau.
Trong nhiều lần làm việc trực tiếp với lãnh đạo trường ĐHNN, chúng tôi luôn được những người có trách nhiệm “lưu ý”: Sở dĩ việc sắp xếp nhà ở cho 123 cán bộ không thể thực hiện bởi đây chỉ là “danh sách dự kiến” chứ không phải là “danh sách chính thức”.
Mặt khác, ĐHQGHN và ĐHNN khi ban hành các văn bản xem xét nhà ở cho các cán bộ này là không đúng quy định. Để sửa sai, ĐHNN và cấp trên là ĐHQGHN đã có văn bản chấm dứt hiệu lực. Tuy nhiên, theo quan điểm từ phía giáo viên, chỉ riêng xung quanh chuyện này ĐHQGHN và ĐHNN cần phải làm rõ, kể cả văn bản thông báo “hủy” việc sắp xếp nhà ở cho 123 cán bộ, giảng viên.
Đối với cái được gọi là “danh sách dự kiến”, đây là văn bản được ký tên, đóng dấu rất rõ ràng chứ không phải là “tờ giấy nháp” có thể gạch xóa tùy ý. Điều quan trọng hơn, văn bản này và danh sách những người hiện đã được phân nhà hoàn toàn giống nhau, nghĩa là đều có chữ “dự kiến”.
Còn khác nhau ở chỗ người thì đã được sắp xếp, bố trí chỗ ở còn người thì chưa. Trong một hội nghị giữa Ban Giám hiệu nhà trường và 123 cán bộ này vào tháng 4/2005, có cả sự tham gia của An ninh văn hóa thành phố Hà Nội, vấn đề này đã được đưa ra nhưng nhà trường không đưa ra được luận cứ thuyết phục.
Liệu có “lập lờ...”
Ngày 8/12/2005, ĐHQGHN ra văn bản thông báo chấm dứt hiệu lực của công văn 06, tức là 123 giáo viên khiếu kiện sẽ không được bố trí sắp xếp nhà ở. Theo tố cáo của 123 giáo viên, đưa các văn bản thông báo “hủy” việc sắp xếp chỗ ở của họ, ĐHQGHN và ĐHNN đã có sự “lập lờ đánh lận con đen”, cố tình nhầm lẫn trong việc “bố trí sắp xếp chỗ ở” và “giải phóng mặt bằng”. Trong từng thời điểm khác nhau, 123 giáo viên này lúc thì được đưa vào diện bố trí sắp xếp chỗ ở lúc thì đưa vào diện giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, nếu có dự án giải phóng mặt bằng nào đó, ĐHNN cũng cần phải làm rõ nhiều vấn đề khác.
Năm 1995, khi giải phóng khu N nhằm thực hiện dự án xây nhà điều hành ĐHQGHN, đây là dự án của Chính phủ có bồi thường đền bù cơi nới, tái định cư. Khi đó, khu N gồm 56 hộ.
Tuy nhiên khi thực hiện cho những hộ này, lãnh đạo ĐHNN đưa ra lý do là bố trí sắp xếp chỗ ở chứ không phải giải phóng mặt bằng. Từ đó mới đưa ra cách tính điểm cho những hộ này, đã có hơn 40 hộ được vào nơi quy hoạch, số còn lại vì không đủ điểm phải “nhường” chỗ.
Và cũng từ đây mà có con số 173 hộ được đi vào khu quy hoạch. Nếu giải phóng mặt bằng thì về nguyên tắc những hộ thuộc diện 56 hộ trong nhà N dù không đủ điểm cũng phải đưa họ vào.
Chính từ việc này đã nảy sinh ra một khiếu kiện khác đối với ĐHNN. Nếu coi những hộ ở nhà N thuộc diện giải phóng mặt bằng thì trong tổng số 173 hộ đã được bố trí phải chăng thuộc diện giải phóng mặt bằng nào khác? Đề nghị ĐHNN đưa ra dự án và giải thích?
Nhẹ nhàng liệu có vô tâm?
Quay trở lại với văn bản “hủy” việc bố trí, sắp xếp nhà ở của ĐHQGHN và ĐHNN, chúng tôi cũng rất ngạc nhiên bằng một thông báo chấm dứt hiệu lực rất nhẹ nhàng, thanh thản, thậm chí xét mặt nào đó còn thiếu cả tính nguyên tắc khi cho rằng chấm dứt mà không đưa ra một hướng giải quyết cụ thể về hậu quả pháp lý và không tính đến sự công bằng.
Tại sao cùng một văn bản lại có 173 trường hợp được hưởng lợi, còn 123 người kia lại không được?
Điểm sàn có bị... “du di”
Ngoài những vấn đề mang tính chất chung của sự việc, trong các buổi làm việc với Lãnh đạo trường ĐHNN, chúng tôi đã cố gắng làm rõ những vấn đề chi tiết. Chẳng hạn, theo tố cáo của 123 giáo viên là đã có tình trạng một số người không đủ tiêu chuẩn theo quy định (điểm sàn là 20) nhưng vẫn được bố trí sắp xếp, cụ thể đó là các bà Nguyễn Thúy Liên, Nguyễn Thị Hương, Đỗ Thị Dinh.
Trong buổi làm việc với chúng tôi, lãnh đạo ĐHNN đã đưa ra các văn bản có thể hiện điểm của những người này là đủ 20 điểm. Tuy nhiên, trong một văn bản kết quả tính điểm khác, những người này chỉ đạt mức 19,2 điểm. Văn bản này do ông Vũ Quỳnh-Phó Hiệu trưởng ĐHNN lúc đó ký xác nhận. Câu hỏi đặt ra là phải chăng những con số này đã được “du di” làm lại? Việc làm này dựa trên cơ sở, nguyên tắc nào?
Các giáo viên còn cho biết, theo quy định bố trí sắp xếp nhà ở, những người về trường sau năm 1989 không thuộc diện này nhưng không hiểu vì sao vẫn có người “lọt sổ”...?
Hoan nghênh và ghi nhận. Nhưng...!
Trở lại với cuộc họp 1/6, tham dự cuộc họp này, phía ĐHNN có các ông Nguyễn Văn Lợi - Phó Bí thư Đảng ủy nhà trường và là Hiệu phó, ông Nguyễn Duy Bao - Trưởng phòng Quản trị, ông Nguyễn Công Uyên - Truởng phòng Tổ chức cán bộ, ông Nguyễn Lân Trung - Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy, Nguyễn Bảo Lộc - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp.
Phía Báo chí là phóng viên các báo Khuyến học & Dân trí, Tuổi trẻ Thủ đô, Văn nghệ trẻ, Lao động, Đại đoàn kết... đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội là ông Phạm Quốc Bản - Phó ban.
Mở đầu cuộc họp, ông Phạm Quốc Bản đề nghị và thống nhất đây là cuộc đối thoại giữa ĐHNN và báo chí nhằm làm sáng tỏ vấn đề đã nêu chứ không phải để giải quyết việc khiếu kiện giữa nhà trường và 123 cán bộ.
Tuy nhiên theo cảm nhận chung của chúng tôi, cuộc đối thoại giữa lãnh đạo trường ĐHNN và báo chí chưa thực sự thỏa mãn, bởi phần lớn thời gian cuộc họp, lãnh đạo trường ĐHNN trình bày sự việc, những vấn đề thuộc tính lịch sử...
Đối với một số vấn đề cụ thể mà báo chí nêu, trong đó có cả những vấn đề trong bài viết này đề cập đều chưa được ĐHNN giải đáp một cách cặn kẽ mà hẹn trong một cuộc gặp khác tại nhà trường.
Tuy vậy, điều mà báo chí ghi nhận và hoan nghênh là thái độ cởi mở, cầu thị của lãnh đạo ĐHNN tại cuộc họp này. Hy vọng, lãnh đạo ĐHNN sẽ sớm làm sáng tỏ sự việc.
Thư cảm ơn Kính gửi: Ông Phạm Huy Hoàn, TBT báo Khuyến học & Dân trí Thưa ông, chúng tôi là một số cán bộ, giáo viên trường ĐH Ngoại ngữ - Đại học QGHN xin gửi tới ông và nhóm phóng viên lời chào trân trọng và lời cảm ơn sâu sắc nhất. Bài báo “Hơn 100 cán bộ, giáo viên tố cáo những tiêu cực của trường Đại học NN-ĐHQGHN” ra ngày 29/5 và đưa lên báo điện tử dantri.com.vn ngày 30/5/2006 vừa qua đã phản ánh rất xác đáng những vấn đề bức xúc, những bất cập tại trường ĐHNN-ĐHQGHN chúng tôi. Chúng tôi rất phấn chấn và càng tin tưởng hơn vào báo Khuyến học & Dân trí. Bài báo vừa qua đã làm cho chúng tôi thêm tin tưởng vào nền báo chí tốt đẹp của chúng ta, vào những phóng viên đã làm việc hết lòng để góp tiếng nói vào cuộc đấu tranh xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Đồng thời bài báo này đã gieo vào lòng chúng tôi niềm hy vọng rằng với sự ủng hộ của công luận, chúng tôi sẽ sớm có được “quyền lợi chính đáng” của mình sau 10 năm chờ đợi. Quan điểm của báo khiến chúng tôi thực sự cảm phục và chúng tôi khẩn thiết kêu gọi sự quan tâm của quý báo với tất cả lương tâm nghề nghiệp, ông sẽ chỉ đạo tiếp tục bảo vệ quyền lợi chính đáng của chúng tôi, những người đã và đang cống hiến đời mình cho sự nghiệp của giáo dục. Đây cũng chính là bảo vệ cho lẽ phải, sự công bằng mà chúng ta đang hướng tới. Một lần nữa, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến quý báo đã viết lên sự thật để không chỉ giúp chúng tôi mà còn góp phần trí tuệ, nhiệt huyết của mình vào cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ, công bằng, trật tự và văn minh của đất nước chúng ta hiện nay. Hà Nội, ngày 30/5/2006 |
Nhóm PV (Thực hiện)