Nhiều bộ ngành tự “đẻ” ra cấp “hàm”

(Dân trí) - Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, dù văn bản không quy định nhưng nhiều Bộ ngành, cơ quan tự vận dụng cho cán bộ hưởng chế độ theo cấp “hàm”. Cá nhân ông Bình nhận thấy đây là vấn đề cần phải quan tâm giải quyết.

Chiều ngày 18/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tiếp tục trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến trọng dụng nhân tài, tiền lương và cả vấn đề chạy công chức.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tiếp tục đăng đàn chiều 18/11
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tiếp tục đăng đàn chiều 18/11

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương tiếp tục đề nghị Bộ trưởng Bình giải thích về tình trạng bổ nhiệm ồ ạt trước khi nghỉ hưu. Ngoài ra, theo ông Cương cử tri cũng phàn nàn với ông rất nhiều về sự xuống cấp, cũng như sự nhũng nhiễu của bộ phận công chức, viên chức. “Bây giờ có thêm bệnh vô cảm. Bộ trưởng có cho rằng đây là bệnh phố biến hiện nay không. Theo tôi đòi hỏi mọi người phải đồng cảm trong thực thi công vụ, thực hiện đúng chức trách được giao”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu câu hỏi.

Về bệnh vô cảm của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay mà đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận đúng là có tình trạng này. Dù cho rằng cán bộ công chức cần đồng cảm, tự đặt mình vào vị trí của người dân, nhưng theo ông Bình để đạt được điều đó rất khó bởi bệnh vô cảm thuộc vấn đề đạo đức, trong luật chỉ quy ở mức độ nhất định.

Theo ông Bình pháp luật cũng quy định cấm công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu, hách dịch nhân dân. Và thực hiện được quy định đó phần nào cũng chống được bệnh vô cảm với với của một bộ phận công chức, viên chức. “Bệnh vô cảm là phạm trù đạo đức, do vậy cần giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ năng lực… Làm được như vậy, tôi tin sẽ chống được bệnh vô cảm của cán bộ, công chức, viên chức”, ông Bình cho nói thêm.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng cho biết, nhiều người băn khoăn những năm gần đây xuất hiện chức danh “hàm” như là hàm vụ trưởng. Đại biểu Hùng đề nghị Bộ trưởng Bình cho biết, vai trò, chức năng của chức danh này trong bộ máy hành chính? Nếu không xác định rõ tới đây sẽ có một loạt “hàm” mới như hàm giám đốc.

Ngoài ra, đại biểu Hùng còn đề nghị Bộ trưởng Bình nói rõ vì sao những thủ tục hành chính vẫn tiếp tục gây phiền hà, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Xét về nguyên nhân không phải thiếu quy định mà xuất phát do người trong cuộc. Tuy nhiên, một bộ phận công chức không muốn đơn giản hóa thủc tục, bộ máy hành chính mà tìm mọi cách hành dân và hành doanh nghiệp.

Về vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, thực tế nhiều nhiều bộ ngành, cơ quan Trung ương lại vận dụng cho hưởng “hàm” với chức danh lãnh đạo quản lý với các bộ, công chức, viên chức dù không có trong các văn bản quy định nào về “hàm”. “Bộ Nội vụ và cá nhân tôi cho thấy đây là vấn đề cần phải quan tâm giải quyết. Do đó ngày 11/6/2014 , Bộ đã có công văn gửi các bộ, ngành đề nghị cung cấp danh sách cán bộ công chức, viên chức được hưởng chế độ “hàm” lãnh đạo từ cấp phòng trở lên”, ông Bình cho biết.

Ông Bình cho biết, theo báo cáo chưa đầy đủ của 18 Bộ, cơ quan ngang bộ và 7 cơ quan Chính phủ hiện có 329 công chức, viên chức đang được vận dụng hưởng chế độ “hàm” chức danh quản lý, lãnh đạo từ cấp phòng trở lên. Trong đó, hưởng chế độ hàm vụ trưởng là 96 trường hợp, vụ phó là 150, trưởng phòng là 76 người và phó phòng là 17.

Nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bình, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, chính sách tiền lương hiện nay còn nhiều bất cập như thiếu tính công bằng, chưa thực sự minh bạch, không tạo được động lực cho người lao động. “Xin Bộ trưởng cho biết, cảm nhậu của tôi có đúng không? Nếu đúng xin Bộ trưởng cho biết vì sao có tình trạng đó? Theo Bộ trưởng giải pháp nào để giải quyết tình trạng này?”, đại biểu Tâm nêu một loạt câu hỏi.

Ngoài ra, đại biểu còn quan tâm đến vấn đề xử lý người đứng đầu, liệu đã phù hợp với tình trạng trì trệ, sai phạm ở nhiều đơn vị hay chưa? Theo Bộ trưởng vì sao xử lý người đứng đầu lại khó đến vậy?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bình cho biết, lương hiện hành đã phát sinh bất cập, đời sống người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn khó khăn. Tuy nhiên, việc đổi mới cơ chế còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Nguyên nhân được ông Bình cho biết là do tốc độ tăng GDP thấp, tăng chi cho quốc phòng an ninh, an sinh xã hội, khó cân đối nguồn cho cải cách lương.

Ông Bình cho biết, định hướng sẽ thực hiện lộ trình tăng lương thích hợp. Bộ Nội vụ đã phối hợp với các Bộ, nghiên cứu xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương, báo cáo Chính phủ, trình Hội nghị Trung ương 5 và Hội nghị Trung ương 7. “Trung ương đã có điều chỉnh lương, tiến tới đảm bảo mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, việc sắp xếp bộ máy tinh giản biên chế chưa đạt kết quả. Kinh tế còn khó khăn nên khó có nguồn cho chính sách tiền lương”, ông Bình nói.

Đại biểu Lê Thị Tám hỏi vấn đề thi tuyển công chức, viên chức. Cử tri cho rằng vì nội dung, cách thức thi tuyển hiện nay không phù hợp thực tế vừa tốn kém, dễ nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực, không chọn được người thực tài. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ qua thanh tra đã phát hiện bao nhiêu trường hợp sai phạm và cách thực giải quyết vấn đề này.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải băn khoăn về chính sách thu hút người tài. “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rằng không thể ký được mức lương cho GS Ngô Bảo Châu, đây có phải là bất cập về mặt thể chế, chính sách đột phá thu hút người tài? Thầy Đặng Minh Tuấn - một giáo viên đã có bằng tiến sĩ đang dạy hợp đồng tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nhưng thi viên chức lại không đỗ. Như vậy tôi thấy cách thức ra đề thi, quy trình tuyển, không chọn được người tài mà còn mang tính cào bằng”, đại biểu Hải nói.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải chất vấn Bộ trưởng Bình về vấn đề trọng dụng nhân tài
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải chất vấn Bộ trưởng Bình về vấn đề trọng dụng nhân tài

Trả lời băn khoăn của đại biểu Hải, Bộ trưởng Bình cho biết, việc tuyển công chức, viên chức ngoài những quy định thông thường thì còn có xét tuyển đặc cách cho những người có kinh nghiệm trong ngành, tốt nghiệp đại học loại giỏi trong và ngoài nước, những người có tài năng, năng khiếu đặc biệt… “Việc tổ chức thi tuyển, xét đặc cách hoàn toàn do cấp có thẩm quyền xem xét lựa chọn. Về trường hợp của Tiến sỹ Tuấn ở trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội xem xét nếu đủ điều kiện đặc cách, tuyển thẳng thì hoàn toàn đúng quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Bình nêu.

Về vấn đề tiêu cực trong thi tuyển công chức, ông Bình cho biết cần phải thương xuyên thanh tra, kiểm tra, ứng dụng công nghệ thông tin vào thi tuyển và đặc biệt phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu và xử lý nghiêm vi phạm. Nếu làm tốt vấn đề này thì chắc chắn sẽ giảm sai phạm.

Về vấn đề bổ nhiệm, ông Bình cho biết để tránh tiêu cực thì đối tượng này phải nằm trong quy hoạch. Quy hoạch hàng năm phải được đánh giá, nếu người trong quy hoạch không xứng đáng thì phải đưa ra ngoài, cũng như bổ sung thêm người vào đối tượng quy hoạch. Rồi bổ nhiệm phải bảo đảm đúng quy trình, công khai minh bạch và phải thường xuyên được sự kiểm tra, thanh tra cấp trên. “Nếu làm được như vậy sẽ chặn được tiêu cực trong việc luân chuyển, bổ nhiệm”, ông Bình nói thêm.

Kết luận vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói, có bộ phận cán bộ theo tinh thần của Đảng là “không nhỏ” có nhiều sa sút, tài và đức chưa đáp ứng được yêu cầu. Tinh thần phục vụ nhân dân còn nhiều bất cập, đồng bào cử tri cả nước còn kêu ca nhiều. Do vậy, vấn đề đặt ra cho ngành nội vụ phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Rèn luyện cho được, đào tạo cho được đội ngũ này cả về đức, cả về tài.

“Tôi cho rằng, phải tiếp tục đánh giá, để có được những đánh giá chính xác. Hôm nay, thì thấy nói chỉ còn không phẩy mấy phần trăm không hoàn thành nhiệm vụ, tôi đề nghị phải đổi mới cơ chế đánh giá, đi theo đó là chế độ thi, tuyển công chức viên chức chặt chẽ trên tinh thần đổi mới để tránh được tình trạng bằng thật kiến thức giả”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Quang Phong