"Nhiều bộ, ngành, địa phương còn xem nhẹ truyền thông chính sách"
(Dân trí) - "Nhiều địa phương, bộ, ban ngành vẫn còn xem nhẹ công tác truyền thông chính sách; thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin", Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nói.
Chiều 29/9, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị Diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề "Truyền thông chính sách - Góc nhìn từ các cơ quan báo chí".
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Quảng Ninh, Hà Nam và lãnh đạo một số cơ quan báo chí, tạp chí, các cơ quan quản lý báo chí.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, Hội nghị là nơi để lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí có cơ hội gặp gỡ, trao đổi về những vấn đề cũng như những áp lực, thách thức mà các tòa soạn đang và sẽ phải đối mặt trong dòng chảy biến động không ngừng của đời sống báo chí, truyền thông.
Từ đó, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhau kiến nghị, đề xuất những giải pháp tháo gỡ.
Những năm gần đây, công tác truyền thông chính sách ngày càng được chú trọng, trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động truyền thông Nhà nước nói chung và truyền thông Chính phủ nói riêng.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết thêm, phải thừa nhận một thực tế là cho tới nay, công tác truyền thông chính sách vẫn còn nhiều bất cập.
Nhiều địa phương, bộ, ban ngành vẫn còn xem nhẹ công tác truyền thông chính sách; thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin.
Hệ quả là thời gian qua đã để xảy ra không ít sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Diễn đàn "Truyền thông chính sách - Góc nhìn từ các cơ quan báo chí" bao gồm hai phiên thảo luận với chủ đề: "Báo chí - Cánh tay nối dài của truyền thông chính sách" và "Cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách".
Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp, tham luận nhằm đẩy mạnh truyền thông chính sách.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, chúng ta cần hiểu thế nào cho đúng về truyền thông chính sách, sự khác nhau giữa tuyên truyền chính sách và truyền thông chính sách là gì.
Ông Minh nhấn mạnh, thực tế việc thực hiện truyền thông chính sách thời gian qua, đâu là những bước tiến, đâu là những mặt còn hạn chế, qua đó đề ra những giải pháp cụ thể để nâng cao hơn nữa hiệu quả của truyền thông chính sách.
Chúng ta cần hiểu rõ về vai trò, tầm quan trọng cũng như cách thức của báo chí trong việc phổ biến, lan tỏa, đưa những chính sách đã được ban hành đến với các tầng lớp nhân dân, giúp chính sách đi vào thực tế cuộc sống.
"Theo tôi, chúng ta cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí trong thực hiện truyền thông chính sách; có các giải pháp về kinh tế và công nghệ trong việc nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách tại các cơ quan báo chí…", ông Minh nêu quan điểm.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin, Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đổi mới phương thức và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí.
Sự đổi mới này là hết sức cần thiết. Chúng ta phải chú trọng đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách chuyên trách tại các bộ, ngành, địa phương.
Về truyền thông chính sách, một số cơ quan báo chí còn thiếu sáng tạo, tính đặc thù của mỗi cơ quan báo chí chưa được phát huy một cách triệt để; thiếu tính phản biện, đánh giá, dự báo.
Nhiều tòa soạn chưa chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông chính sách bài bản… Truyền thông chính sách là quá trình chuyển tải thông điệp, cơ chế, chính sách của Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp đến người dân.
Truyền thông chính sách hiệu quả sẽ giúp người dân hiểu rõ, tham gia, hợp tác, đồng thuận trong quá trình thực thi chính sách.