Nhiên liệu chứa "thành phần lạ" liên quan đến cháy xe

(Dân trí) - Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, từ đầu năm 2011 đến 9/2012 có 552 vụ cháy ô tô, xe máy. Nhiều nguyên nhân gây cháy xe, trong đó có nhiên liệu không đạt quy chuẩn, hoặc nếu đạt thì trong nhiên liệu cũng chứa nhiều thành phần lạ.

Ô tô, xe máy cháy thuộc nhiều hãng khác nhau

Theo số liệu thống kê từ đầu năm 2011 đến 9/2012, trên toàn quốc đã cháy 252 xe ôtô (va chạm 6 xe, chập điện 11 xe, hỏa hoạn tại nơi để xe 3 xe, ma sát lốp với mặt đường 1 xe, chưa rõ nguyên nhân 74 xe), chiếm 0,168 % trên tổng số 1,5 triệu xe ô tô.
 
Đối với xe máy xảy ra 300 xe cháy (va chạm hoặc đổ 9 xe, chập điện 10 xe, hỏa hoạn tại nơi để xe 132 xe, cố ý đốt 6 xe, rò rỉ xăng 6 xe, chưa rõ nguyên nhân 98 xe), chiếm 0,08 % trên tổng số 34 triệu xe máy.
 
Nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy xe được đưa ra thời gian qua

Nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy xe được đưa ra thời gian qua

Theo ông Hoàng các vụ cháy, nổ xảy ra ở nhiều hãng xe khác nhau và bị cả xe cũ, xe mới. Về nhiên liệu, hiện tượng cháy nổ xảy ra cả với ô tô sử dụng động cơ xăng và diesel, trong đó số lượng xe diesel chiếm tới 70%.

Để tìm nguyên nhân dẫn đến cháy nổ phương tiện giao thông, đầu năm 2012, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập hợp các nhà khoa học thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xác định nguyên nhân và các giải pháp kỹ thuật phòng chống cháy, nổ đối với ôtô và xe máy”. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Phòng thí nghiệm trọng điểm về Công nghệ lọc hóa dầu tích cực tham gia vào đề tài.

Đến nay, đề tài đã thu được một số kết quả quan trọng để góp phần làm sáng tỏ nguyên nhân gây cháy nổ xe ô tô, xe mô tô và đề xuất một số giải pháp để hạn chế, khắc phục hiện tượng cháy nổ phương tiện giao thông xảy ra gần đây.

Kết quả nghiên cứu cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cháy nổ phương tiện. Các nguyên nhân được đưa ra như nguy cơ gây cháy nổ từ kết cấu hệ thống điện bị chập, hệ thống dẫn nhiên liệu bị rò rỉ, hệ thống tản nhiệt làm mát và hệ thống xả khí của động cơ gây phát nhiệt cao trong điều kiện vận hành thực tế và khi phát sinh sự cố từ các hệ thống của xe máy.

Phụ gia không phù hợp với nhiên liệu có lưu huỳnh cao ở Việt Nam

Bộ trưởng Công thương cho biết, các thí nghiệm đã được tiến hành đã khẳng định được chất lượng nhiên liệu chế biến của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhiên liệu nhập khẩu của các nhà nhập khẩu xăng dầu có uy tín đều đảm bảo chất lượng, thậm chí còn tốt hơn so với tiêu chuẩn.

Mặc dù vậy, ở Việt Nam, còn có một số cơ sở pha chế nhiên liệu có chất lượng thấp (xăng A83, naphtha condensat) được pha chế để gian lận thành nhiên liệu có chất lượng cao (A92, A95). Diesel có hàm lượng lưu huỳnh cao 2500 ppm, hoặc phân đoạn cũng thường được sử dụng để pha chế gian lận thành diesel 500 ppm.
 
Kết quả là, nhiên liệu thu được, hoặc là không đạt quy chuẩn, nếu có đạt thì trong nhiên liệu cũng có nhiều thành phần lạ, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến sự an toàn cháy nổ.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã kiến nghị với Chính phủ cho phép cấm lưu hành xăng A83 trên thị trường. Tuy nhiên, để tránh các tác động không tốt đến thị trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương đánh giá tác động đối với kinh tế - xã hội khi cấm lưu hành sản phẩm này. Hiện nay, Bộ Công Thương đang gấp rút triển khai lấy ý kiến của các Bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các phụ gia đã được sử dụng trên thế giới có thể rất phù hợp với nguyên liệu có chất lượng tốt (hàm lượng lưu huỳnh rất thấp - đạt tiêu chuẩn euro IV) nhưng lại không phù hợp với nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao (chỉ đạt tiêu chuẩn euro II) ở Việt Nam.
 
Đây cũng là một nguyên nhân gián tiếp gây cháy nổ do hình thành nên hợp chất trung gian giữa thành phần kim loại trong phụ gia (đặc biệt là phụ gia chứa sắt đang được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam) và các hợp chất chứa lưu huỳnh trong nhiên liệu.

Hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu, theo qui định của Việt Nam hiện nay là cao dẫn đến sự hình thành nhiều SOx trong khói thải, không những gây ô nhiễm không khí (mưa axit) mà còn ảnh hưởng đến tuổi thọ động cơ do tạo thành axit gây ăn mòn các chi tiết có liên quan, có thể gián tiếp gây cháy.

Ngoài ra, cũng không loại trừ nguyên nhân chảy nổ ô tô xe máy từ phía người sử dụng phương tiện như sử dụng xe chưa đúng cách; chưa có thói quen chăm sóc, bảo dưỡng xe định kỳ; tự ý yêu cầu thay đổi kết cấu của xe; tự ý sử dụng phụ gia tiết kiệm nhiên liệu...

Để xác định đầy đủ căn cứ nguyên nhân gây cháy, nổ ôtô, xe máy, thời gian tới các đơn vị liên quan sẽ tập trung nghiên cứu về ảnh hưởng của phụ gia nhiên liệu, nhiên liệu đến các vật liệu làm chi tiết tiếp xúc với nhiên liệu trong phương tiện giao thông. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đánh giá khả năng gây cháy từ các bộ phận trong phương tiện, đánh giá ảnh hưởng của các kết cấu…

Quang Phong