1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Nhiệm kỳ mới của Thủ tướng: Kỳ vọng và áp lực

Vị Thủ tướng trẻ nhất của Việt Nam trong 20 năm qua đã được Đảng và nhân dân tin tưởng, tiếp tục giao phó trọng trách. Một năm qua, ông đã kịp xây dựng hình ảnh của một nhà lãnh đạo “cải cách và đổi mới”. 5 năm tới, sẽ là quãng thời gian đầy thử thách để Thủ tướng đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Nhà lãnh đạo của đổi mới và cải cách

 

Nhận cương vị người điều hành Chính phủ vào đúng thời điểm VN đang gặp nhiều thuận lợi, nhưng cũng đối mặt với những vấn đề mang tính hệ thống của bộ máy dưới quyền, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay lập tức “tấn công” vào những vấn đề đang nóng bỏng, gây nhiều bức xúc nhất cho người dân: nạn tham nhũng, hành chính hành dân...

 

Với ưu thế trẻ và có thử thách, sự am hiểu hệ thống khi 9 năm làm Phó Thủ tướng thường trực đã giúp ông không phải thăm dò, nên trong thời gian ngắn đã làm được khối lượng công việc rất lớn như lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tổ chức thực hiện nhanh Luật đầu tư, thực hiện quy chế một cửa về thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ những thủ tục gây phiền hà cho dân...

 

Trong một thời gian ngắn, ông đã tạo được phong cách làm việc khác hẳn. Tác phong nhanh nhẹn, chịu khó di chuyển, trong ngày có thể có mặt ở nhiều địa phương, phát biểu không cần dùng văn bản soạn sẵn kể cả khi công cán nước ngoài.

 

Sự quyết đoán, năng động đó đã đem lại sự phấn khởi và niềm tin cho người dân về một Chính phủ trẻ trung, can đảm, sẵn sàng đương đầu và giải quyết những thách thức

 

Đó cũng là lý do khiến World Business đánh giá Thủ tướng Việt Nam là một trong 20 nhân vật cải cách của châu Á.

 

Báo giới nước ngoài cũng nhận định, sau một năm nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang đưa Việt Nam phát triển theo khuynh hướng kinh tế thị trường và giúp đất nước trở thành thành viên năng động, quan trọng hơn trên trường quốc tế.

 

Những giải pháp mang tính sách lược giúp tạo ra sự thay đổi có thể nhìn thấy ngay tức khắc, nhưng bề dày kinh nghiệm giúp Thủ tướng Việt Nam hiểu rằng, những tồn tại của bộ máy đòi hỏi ở ông những quyết sách mang tính chiến lược. Tinh giản bộ máy điều hành, xây dựng Luật Thủ tục hành chính, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước... cho thấy Thủ tướng và Chính phủ của ông đang đi đúng hướng.

 

Chiếc ghế “nóng”

 

Không phải ngẫu nhiên, người ta thường dùng từ “chiếc ghế nóng” để nói về công việc của những nhà lãnh đạo, chính khách. Ghế “nóng”, vì những trọng trách đặt lên vai họ luôn nặng nề. Ghế “nóng”, vì họ luôn phải đối mặt với nhiều áp lực.

 

Nếu hiểu theo khía cạnh đó, có lẽ, vị trí Thủ tướng là một trong những chiếc ghế “nóng” nhất. Bởi ông nắm giữ cương vị điều hành Chính phủ, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất. Đây là nơi quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Nhà nước; bảo đảm hiệu lực của bộ máy Nhà nước từ TƯ đến cơ sở. Và bởi lẽ, sự thành công của Chính phủ có thể được cảm nhận, được đo lường một cách hữu hình và cụ thể.

 

Chỉ số giá tăng cao, nền kinh tế bắt đầu chịu những áp lực gay gắt của hội nhập... Những khó khăn khách quan, chủ quan có thể khiến chúng ta phải ráng gồng mình mới duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Quan trọng hơn, là làm sao ngày càng nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Nền hành chính nước nhà, cho dù đã có nhiều nỗ lực cải cách, vẫn còn cồng kềnh, nhiều thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Tệ quan liêu, tham nhũng vẫn còn tồn tại phổ biến, trở thành vật cản của nền kinh tế...

 

Rõ ràng, con đường phía trước Thủ tướng và các cộng sự của ông không được trải hoa hồng. Một Chính phủ của thời kỳ hội nhập toàn diện đòi hỏi phải là một chính phủ biết bứt phá. Bứt phá để đem đến đột phá cho sự phát triển kinh tế, đưa đất nước vượt lên khỏi lạc hậu, nghèo nàn, bắt kịp với thiên hạ trong cuộc đua tranh đang ngày càng trở nên khốc liệt. Và bứt phá trong hoàn cảnh vẫn còn tồn tại những rào cản vô hình, những bất hợp lý mang tính cơ cấu.

 

Tiếp tục cải cách

 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn ngay sau khi tái đắc cử, Thủ tướng đã khẳng định ông và Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách trong 4 lĩnh vực: thể chế, tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách tài chính công.

 

Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước để tăng sức cạnh tranh và hiệu quả cho nền kinh tế. Tinh gọn cơ cấu Chính phủ theo hướng bộ quản lý đa ngành, xoá bỏ bộ chủ quản đối với doanh nghiệp. Cải cách hệ thống hành chính theo hướng đơn giản, thông thoáng. Quy trách nhiệm đối với người đứng đầu... Những giải pháp mang tính căn cơ này đã được Thủ tướng bắt đầu trong thời gian cuối của nhiệm kỳ trước, nay đòi hỏi phải được tiếp tục thực thi một cách quyết liệt hơn nữa. Bởi đó sẽ là tiền đề cơ bản để Chính phủ của ông bứt phá trong nhiệm kỳ mới.

 

Nhưng, để hoàn thành trách nhiệm nặng nề ấy, ông và các cộng sự cần phải được trao những quyền năng tương ứng. Trách nhiệm và quyền hạn luôn luôn là hai mặt song hành của nguyên tắc quyền lực. Chịu trách nhiệm đến đâu thì phải trao quyền lực đến đấy. Để không như Bộ trưởng Mai Ái Trực từng phải kêu lên trước Quốc hội rằng: Quyền hạn của ông thì hữu hạn, nhưng trách nhiệm thì vô hạn.

 

Cũng chính vì vậy, trong xã hội đã có những luồng ý kiến nói nên chăng, có thể coi Thủ tướng có quyền đình chỉ công việc của các thành viên là chuyện bình thường. Điều này là phù hợp với nguyên tắc quyền lực của người đứng đầu Chính phủ.

 

Thậm chí, họ cho rằng: Thủ tướng phải được miễn nhiệm, cách chức các thành viên khi họ không đáp ứng được công việc mà Thủ tướng yêu cầu.

 

Một năm qua, Thủ tướng đã nhận được sự tin tưởng, ủng hộ và kỳ vọng lớn từ nhân dân. Trong giai đoạn đầy thách thức trước mắt, người dân tiếp tục gửi gắm niềm tin và mong chờ ở vị Thủ tướng của mình.

 

Theo Minh Anh

VietNamnet