Nhật thực xuất hiện mờ nhạt tại Việt Nam

(Dân trí) - Sáng 9/3, hiện tượng nhật thực một phần được thấy khá mờ nhạt ở TP Hồ Chí Minh. Còn tại Hà Nội, những người yêu thích thiên văn đành phải bỏ lỡ khoảnh khắc thiên nhiên kỳ thú này vì mây mù dày đặc.

Theo thông tin từ Nasa trước đó, nhật thực toàn phần (Mặt trăng che khuất hoàn toàn Mặt trời) sẽ diễn ra vào ngày 9/3, hình thành vùng bóng tối trên Trái Đất. Đường đi của nhật thực toàn phần chỉ qua một phần miền trung Indonesia và Thái Bình Dương.

Cũng theo dự báo, khu vực Đông Nam Á và phía bắc nước Úc có thể quan sát được nhật thực một phần. Tại Việt Nam, tất cả các tỉnh, thành phố đều có thể quan sát được nhật thực với độ che phủ Mặt trời từ 20% - 60%.

Tuy nhiên, do bầu trời Hà Nội mấy ngày nay có mây mù dày đặc nên sáng nay 9/3, không ai có thể quan sát được nhật thực. Trên các diễn đàn thiên văn, nhiều nhóm, câu lạc bộ thiên văn ở Hà Nội bày tỏ tiếc nuối sau mấy ngày chuẩn bị "đồ nghề" để quan sát nhật thực nhưng đành "bất lực" trước mây mù.

May mắn hơn Hà Nội, người yêu thích thiên văn ở TP HCM đã quan sát được nhật thực một phần trong buổi sáng 9/3. Từ gần 7h sáng, Mặt trăng bắt đầu che khuất Mặt trời. Độ phủ của Mặt trăng lên Mặt trời tăng dần theo thời gian, đến gần 8h thì đạt cực đại, che khuất khoảng 30%.

Do độ che khuất Mặt trời thấp nên hiện tượng bầu trời tối đen đã không xuất hiện, thay vào đó là ánh nắng chói chang như những ngày gần đây ở TP HCM. Tới gần 9h, hiện tượng nhật thực kết thúc, bóng Mặt trăng rời khỏi Mặt trời hoàn toàn.

Do bầu trời không có biểu hiện bất thường nên đa số người dân TP HCM tỏ ra không quan tâm, thậm chí không hay biết có hiện tượng nhật thực đang diễn ra. "Nghe đâu đó nói hôm nay là nhật thực toàn phần nhưng sáng giờ có thấy gì đâu?", nam thanh niên tên Hưng ( quận Thủ Đức) cho biết. Trong khi đó, anh Tuấn (chủ quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức) cũng cho biết: "Sáng giờ vẫn không thấy có gì bất thường, trời vẫn nắng nhưng được cái dịu hơn những ngày qua".

Đây là lần thứ 6 xuất hiện nhật thực tại Việt Nam. Nhật thực một phần với độ phủ thấp thường không gây hiện tượng bất thường trên bầu trời, thậm chí rất khó nhìn thấy nếu không quan sát kỹ. Trái lại, nhật thực toàn phần khiến Mặt Trời gần như biến mất và bầu trời sẽ rơi vào trạng thái tối đen trong vài phút.

Nhật thực toàn phần từng diễn ra một lần tại Việt Nam vào ngày 24/10/1995. Dự báo đến năm 2019, hiện tượng thiên nhiên kỳ thú mới có thể xuất hiện lại.

Một số hình ảnh nhật thực tại TP Hồ Chí Minh và Bình Định:


Các bạn trẻ háo hức quan sát Nhật thực ở TP HCM. Ảnh: Nguyễn Đình Đôn

Các bạn trẻ háo hức quan sát Nhật thực ở TP HCM. Ảnh: Nguyễn Đình Đôn


Đồ nghề của các bạn trẻ yêu thích thiên văn dùng để quan sát nhật thực. Ảnh: Nguyễn Đình Đôn.​

"Đồ nghề" của các bạn trẻ yêu thích thiên văn dùng để quan sát nhật thực. Ảnh: Nguyễn Đình Đôn.


Nhật thực một phần quan sát được ở Quận 8.

Nhật thực một phần quan sát được ở Quận 8.


Thời điểm độ phủ của Mặt trăng lên Mặt trời đạt cực đại.

Thời điểm độ phủ của Mặt trăng lên Mặt trời đạt cực đại.


Bóng Mặt trăng dần rời khỏi Mặt trời sau khi độ phủ đạt cực đại.

Bóng Mặt trăng dần rời khỏi Mặt trời sau khi độ phủ đạt cực đại.


Nhật thực một phần khá mờ nhạt trên bầu trời Tp HCM, khó thấy nếu như không quan sát kỹ.

Nhật thực một phần khá mờ nhạt trên bầu trời Tp HCM, khó thấy nếu như không quan sát kỹ.


Hình ảnh nhật thực quan sát được qua ống kính chuyên dụng của các bạn trẻ TP HCM. Ảnh: Nguyễn Đình Đôn.

Hình ảnh nhật thực quan sát được qua ống kính chuyên dụng của các bạn trẻ TP HCM. Ảnh: Nguyễn Đình Đôn.


Hình ảnh nhật thực một phần quan sát được ở Bình Định. (Ảnh: Hội Thiên Văn Nghiệp Dư Hà Nội)

Hình ảnh nhật thực một phần quan sát được ở Bình Định. (Ảnh: Hội Thiên Văn Nghiệp Dư Hà Nội)

Phan Tuấn

Ảnh: Đình Thảo