1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn:

“Nhất thiết phải có cán bộ, lãnh đạo là người dân tộc thiểu số”

(Dân trí) - Đầu xuân Ất Mùi, Ủy viên Trung Ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn đã có cuộc trao đổi với PV báo Dân trí về tính thực tiễn của Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BNV-UBDT.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Quốc Tuấn.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Quốc Tuấn.

Cơ sở pháp lý để thực hiện tốt công tác cán bộ dân tộc thiểu số

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Điều 11, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 về công tác dân tộc, vừa qua, Ủy ban Dân tộc (UBDT) và Bộ Nội vụ đã phối hợp xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BNV-UBDT quy định chi tiết hướng dẫn thi hành chính sách cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là một văn bản pháp quy quan trọng, là cơ sở pháp lý để thực hiện tốt công tác cán bộ người dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Những điểm then chốt để triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch ở cấp Trung ương

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Quốc Tuấn và Thứ trưởng Bộ Giáo dục 
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Quốc Tuấn và Thứ trưởng Bộ Giáo dục 
và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa trao giấy chứng nhận Vì sự nghiệp phát triển 
giáo dục dân tộc thiểu số tới các báo, tạp chí thực hiện 
Quyết định 2472/QĐ-TTg.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức; cơ cấu vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, đảm bảo tỷ lệ hợp lý, tỷ lệ này ở UBDT được quy định là 40% tổng số biên chế.

Đối với các vụ, đơn vị thuộc UBDT, trong quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý phải có ít nhất một chức danh cấp trưởng hoặc cấp phó là người DTTS. Để đạt được tỷ lệ này, đồng thời với việc đảm bảo chất lượng cán bộ, đòi hỏi UBDT, các bộ, ngành Trung ương thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, chặt chẽ các khâu công tác cán bộ: từ tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đến bổ nhiệm, quản lý.

Hiện nay, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS của UBDT là 22,2%; đặc biệt, tỷ lệ lãnh đạo cấp Thứ trưởng trở lên là 4/6 đồng chí, chiếm 66,7%. Tuy nhiên, không phải vụ, đơn vị nào cũng có lãnh đạo (cấp trưởng, hoặc cấp phó) là người DTTS. Do đó, đòi hỏi trong thời gian tới, chúng ta cần làm tốt công tác rà soát, bổ sung quy hoạch, tạo nguồn bổ nhiệm cán bộ theo đúng quy định của Thông tư liên tịch số 02.

Đối với địa phương cần đảm bảo tỷ lệ cán bộ người DTTS hợp lý

Đối với địa phương: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội; điều kiện, yêu cầu cụ thể của địa phương để tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, đảm bảo tỷ lệ hợp lý, tương ứng với tỷ lệ người DTTS tại địa phương.

Ở các địa phương vùng DTTS, nhất thiết phải có cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý là người DTTS. Ưu tiên quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức người DTTS là nữ, trẻ tuổi, dân tộc rất ít người tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị các cấp.

Thực tiễn cho thấy, vùng DTTS là vùng tập trung đông đồng bào các dân tộc, sinh sống theo cộng đồng, thường là vùng xung yếu về an ninh, chính trị, có vị trí chiến lược, vùng ''phên dậu'' của Tổ quốc... đòi hỏi nhất thiết phải có cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý là người DTTS, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt có uy tín, biết tiếng dân tộc, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào.

Để đảm bảo số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ này, đòi hỏi chúng ta phải xây dựng và thực hiện chiến lược quy hoạch, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực người DTTS một cách bài bản, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ, tránh tư duy nhiệm kỳ.

Thời gian qua, thực hiện chính sách cử tuyển theo quy định tại Nghị định 134 của Chính phủ, chúng ta đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Tuy nhiên, chúng ta cần nghiên cứu, mở ra những trường văn hóa hoặc những lớp dự bị đại học cho con em đồng bào DTTS để nâng cao trình độ, giúp họ tự đủ sức thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, từ đó họ mới có khả năng thực sự làm cán bộ giỏi, song việc thực hiện đòi hỏi phải có lộ trình thích hợp.

Mặt khác, căn cứ vào khoản 2 Điều 10, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, UBDT hiện nay đang phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo và các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án thành lập Học viện Dân tộc.

Ngoài việc thực hiện nghiên cứu Chiến lược công tác dân tộc, theo tôi, Học viện Dân tộc cần tập trung mở những khóa đào tạo cho con em đồng bào DTTS trong cả nước để tạo nguồn đầu vào, đào tạo đa ngành ở bậc đại học cho con em các DTTS để tạo nguồn nhân lực phục vụ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Nâng cao sự phối hợp giữa Bộ Nội Vụ, Ủy ban Dân tộc với các bộ, ngành

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Quốc Tuấn trao bằng khen
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Quốc Tuấn trao bằng khen 
tới các tập thể và cá nhân xuất sắc tại Đại hội Đại biểu 
các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk lần thứ II (năm 2014).

Hằng năm, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong kế hoạch tuyển dụng phải xác định một tỷ lệ biên chế hợp lý trong tổng số biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao để tổ chức tuyển dụng người DTTS vào công chức, viên chức.

Trường hợp đã sử dụng hết chỉ tiêu biên chế thì cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức, viên chức cấp bộ, ngành và địa phương phải tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức người DTTS bổ sung, thay thế các trường hợp đã thôi việc, nghỉ hưu, thuyên chuyển công tác.

Để đảm bảo thực hiện tốt các nội dung nêu trên, hằng năm, Bộ Nội vụ và UBDT phối hợp với các bộ, ngành, hướng dẫn địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện, định kỳ tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch này.

Phương Nhung (Ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm