1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhập hộ khẩu TP: Chỉ cần “một năm”, “một giấy”

Trong thời gian tới, việc nhập khẩu vào các thành phố lớn thuộc Trung ương như Hà Nội, TPHCM của người dân sẽ rất thông thoáng: Chỉ cần tạm trú liên tục từ 1 năm trở lên và có 1 loại giấy tờ chứng minh “chỗ ở hợp pháp”.

Các cơ quan chức năng đang gấp rút hoàn tất dự thảo Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Cư trú (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2007). Theo đó, một thực tế tréo ngoe “Nhà đòi hộ khẩu - Hộ khẩu đòi nhà” từng gây nhiều bức xúc cho người dân cũng sẽ chấm dứt khi Luật Cư trú có hiệu lực.

 

Tạm trú một năm và thuê nhà cũng được nhập khẩu

 

Như vậy, để đăng ký thường trú ở các TP trực thuộc Trung ương, người dân đã được bớt đi 2 năm “tạm trú liên tục” theo như quy định hiện hành. Thậm chí, trong 1 năm quy định này, công dân tạm trú tại nhiều chỗ ở khác nhau, song vẫn thuộc phạm vi TP vẫn được tính là “tạm trú liên tục 1 năm”.

 

Thời hạn tạm trú được tính từ ngày công dân đến đăng ký tạm trú cho đến thời điểm công dân nộp đủ hồ sơ đăng ký thường trú. Để chứng minh thời gian tạm trú, người dân chỉ cần xuất trình một trong 3 loại giấy tờ: sổ tạm trú; xác nhận của công an xã, phường về thời gian tạm trú; hoặc giấy tạm trú có thời hạn đã được cấp.

 

Luật Cư trú cũng cho phép những người chưa có nhà ở, phải đi thuê nhà hoặc ở nhờ cũng được nhập khẩu. Song, để bảo đảm chặt chẽ, tránh tình trạng cho ở nhờ, cho thuê nhà tràn lan để hợp thức hóa đủ điều kiện nhập hộ khẩu TP, dự thảo Thông tư quy định rõ: Người có hộ khẩu đồng ý cho người khác nhập khẩu phải là Chủ hộ; việc đồng ý cho nhập vào hộ khẩu phải ghi rõ vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu - nhân khẩu, ký và ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm đồng ý...

 

Còn 380 văn bản "ăn theo" hộ khẩu

 

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Đặng Văn Hiếu, tính đến nay có 380 văn bản còn hiệu lực có quy định “ăn theo” hộ khẩu, một số trường hợp quy định về hộ khẩu bị sử dụng sai mục đích, hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân gây bức xúc trong nhân dân.

Bộ Công an cũng sẽ giảm thiểu các loại giấy tờ trong hồ sơ đăng ký thường trú nói chung trong cả nước. Ngoài giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp, người dân chỉ cần thêm phiếu thay đổi nhân khẩu, bản khai nhân khẩu hoặc giấy chuyển hộ khẩu (đối với các trường hợp cấp giấy chuyển hộ khẩu theo điều 28 Luật Cư trú). Công dân chỉ cần xuất trình bản chính và nộp bản photo giấy tờ về “chỗ ở hợp pháp”, không cần công chứng, chứng thực.

 

Trường hợp không cấp sổ hộ khẩu, cơ quan công an (cấp huyện, thị) phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Đặc biệt, để tránh tình trạng công an nơi chuyển đi đòi phải xuất trình giấy đồng ý của công an nơi chuyển đến, mới làm thủ tục cắt khẩu, quy định mới nêu rõ: Nghiêm cấm việc yêu cầu công dân phải có giấy đồng ý cho đăng ký thường trú của cơ quan công an nơi chuyển đến mới cấp giấy chuyển hộ khẩu!

 

Chứng minh chỗ ở hợp pháp: Chỉ cần 1 loại giấy

 

Bộ Công an cũng chú ý đến giảm thiểu các thủ tục, điều kiện đăng ký thường trú. Cụ thể, đối với các tỉnh chỉ cần có chỗ ở hợp pháp, không cần có thêm điều kiện cụ thể khác. Lãnh đạo Cục C13 - Bộ Công an cũng từng khẳng định, việc giải quyết nhập khẩu đối với người có chỗ ở hợp pháp và cư trú liên tục trên 1 năm ở các TP trực thuộc Trung ương cũng sẽ được đơn giản, gọn, thoáng.

 

Theo quy định mới, người dân sẽ chỉ cần một trong các loại giấy tờ sau để chứng minh “nơi ở hợp pháp”, như: Sổ đỏ, sổ hồng, hoặc các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền cấp trong các thời kỳ trước; Giấy phép xây dựng; Hợp đồng mua nhà hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà của các doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư nhà (không cần công chứng, chứng thực); Giấy giao tặng nhà tình nghĩa, cấp nhà ở, đất ở cho hộ gia đình di dân; Giấy mua bán, chuyển nhượng nhà đất có chứng thực...

 

Thậm chí, nếu người dân không có một trong các giấy tờ trên thì chỉ cần có giấy xác nhận nhà ở, đất ở hiện không có tranh chấp quyền sở hữu của UBND cấp xã cũng đủ điều kiện.

 

Đối với trường hợp có “nơi ở hợp pháp” do thuê, mượn, ở nhờ, công dân chỉ cần có một trong các loại giấy tờ: Hợp đồng cho thuê, mượn, ở nhờ nhà của cơ quan, tổ chức; Hợp đồng cho thuê, mượn, ở nhà của cá nhân có công chứng hoặc xác nhận của UBND cấp xã.

 

Đối với một số trường hợp đặc biệt khác cũng chỉ một loại giấy tờ như: Giấy xác nhận của cơ quan tổ chức tôn giáo về việc công dân có chỗ ở; Giấy phân nhà, chuyển nhượng nhà, giao đất làm nhà của cơ quan, tổ chức.v.v...

 

Bãi bỏ, sửa đổi các quy định lạm dụng hộ khẩu

 

Dự thảo Nghị định do Bộ Công an soạn thảo quy định: Lạm dụng quy định về hộ khẩu là hành vi của cá nhân, cơ quan, tổ chức căn cứ vào quy định về đăng ký thường trú, tạm trú làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

 

Các hành vi lạm dụng hộ khẩu gồm: Ban hành văn bản pháp luật, văn bản  khác có liên quan đến các quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; Ban hành quyết định hạn chế quyền tự do cư trú của công dân trái thẩm quyền và không theo trình tự, thủ tục pháp luật; Tự đặt ra các quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; Cố ý giải quyết hoặc từ chối giải quyết các quy định về hộ khẩu trái quy định pháp luật…

 

Dự thảo Nghị định yêu cầu các bộ, ngành, UBND các cấp phải rà soát các văn bản để kiến nghị, chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền hoặc tự sửa đổi, bãi bỏ các quy định lạm dụng hộ khẩu hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi lạm dụng các quy định về hộ khẩu.

 

Ngoài ra, Bộ Công an còn có trách nhiệm đình chỉ, bãi bỏ hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ những quy định về đăng ký, quản lý cư trú trái với quy định pháp luật.

 

Những trường hợp chỗ ở không cho nhập hộ khẩu

 

Không giải quyết đăng ký thường trú, tạm trú, tách sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đối với một trong các loại chỗ ở sau: Chỗ ở nằm trong khu vực cấm xây dựng hoặc lấn chiếm; Chỗ ở đã được giải quyết đền bù, hỗ trợ di dời do Nhà nước thu hồi đất để giải phóng mặt bằng; Chỗ ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng nhà ở, đất ở mà cơ quan có thẩm quyền đang giải quyết (trừ trường hợp có quan hệ là ông, bà nội ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con); Chỗ ở đang bị kê biên, tịch thu để thi hành án.

 

Theo Quang Đông, Công Minh
Tiền Phong