1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhận thức, quản lý về hộ tịch chưa đáp ứng yêu cầu

(Dân trí) - Theo bà Pratibha Mehta - Điều phối viên Liên Hợp quốc tại Việt Nam - đăng ký hộ tịch giống như “một hộ chiếu” để tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội; tác động đến việc thực hiện các quyền tham gia chính trị, quốc tịch, sở hữu...

Tới năm 2024 tất cả người dân đều được đăng ký hộ tịch (Ảnh minh họa: Pháp luật TPHCM)
Tới năm 2024 tất cả người dân đều được đăng ký hộ tịch (Ảnh minh họa: Pháp luật TPHCM)

Tại hội thảo công bố kết quả Hội nghị cấp Bộ trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về đăng ký và thống kê hộ tịch (CRVS) ngày 20/5, ông Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp - cho biết Việt Nam cùng các quốc gia trong khu vực đã thể hiện sự quyết tâm cao trong việc thực hiện Tuyên bố của CRVS. Việc này sẽ song hành cùng các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc đặt ra và sẽ được xem xét thông qua vào tháng 9/2015. Theo ông Ngọc, các nội dung Tuyên bố cũng phù hợp với chính sách pháp luật của Việt Nam, nhất là trong điều kiện Việt Nam vừa thông qua Luật Hộ tịch và chuẩn bị có hiệu lực.

Tuy nhiên, ông Ngọc cho rằng Việt Nam cũng sẽ gặp phải không ít khó khăn khi thực hiện Tuyên bố khi mà nhận thức về hộ tịch, quản lý hộ tịch chưa đáp ứng yêu cầu; hộ tịch là lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành, gắn kết giữa trung ương và địa phương, dù thực hiện đã có những kết quả nhất định nhưng cần sự gắn kết hơn, cần có sự chỉ đạo chung, thông suốt từ Chính phủ để thống nhất hành động của các Bộ, ngành.

Theo ông Ngọc, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình hành động quốc gia thực hiện Tuyên bố nói trên. Ông mong muốn các tổ chức của Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Thập kỷ CRVS Châu Á - Thái Bình Dương 2015 -  2024, tất cả người dân Việt Nam đều được đăng ký hộ tịch.

Bà Pratibha Mehta - Điều phối viên Liên Hợp quốc tại Việt Nam - cho biết UNICEF ước tính khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có khoảng 135 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chưa được đăng ký khai sinh. Điều này dẫn đến nhiều rủi ro, nếu trẻ em bị chết sớm thì không được đăng ký khai tử, nếu sống sót có thể gặp nhiều nguy cơ như trở thành lao động trẻ em, tảo hôn, bị buôn bán… Bà Pratibha Mehta nói đăng ký hộ tịch giống như “một hộ chiếu” để tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội. Nó cũng tác động đến việc thực hiện các quyền khác như tham gia chính trị, trợ giúp pháp lý, quốc tịch, sở hữu, tài sản, việc làm và thừa kế. 

Bà Pratibha Mehta cũng đánh giá cao Việt Nam qua những bước tiến lớn về hộ tịch khi là 1/5 quốc gia trong khu vực đạt được tỷ lệ đăng ký khai sinh trên 95%, thống kê hộ tịch đã được thực hiện thường xuyên và phổ biến trên cơ sở điều tra, khảo sát,…

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) - cho biết một nội dung quan trọng trong Tuyên bố của CRVS là “tầm nhìn chung đến năm 2024, mọi người dân trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đều được hưởng lợi từ hệ thống đăng ký thống kê hộ tịch toàn diện và cập nhật. Hệ thống này tạo điều kiện để công nhận và hỗ trợ công tác quản lý tốt, hỗ trợ y tế và phát triển”.

Ông Khanh khẳng định, công tác đăng ký hộ tịch ở mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ rất quan trọng, nhưng phải được đặt trong mối quan hệ hài hòa trong công tác quản lý dân cư. Chính vì thế cần huy động tối đa các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, huy động sự hỗ trợ giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, tăng cường hợp tác đa phương và song phương để thực hiện các mục tiêu quan trọng mà Tuyên bố đặt ra.

Kha Xuân Lộc