“Nhấn” thêm quyền hạn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội
(Dân trí) - Ngày 11/12, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 43, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bàn về các hình thức hoạt động khác ngoài phiên họp, các uỷ viên UB Thường vụ muốn nhấn mạnh vai trò của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội.
Một vấn đề được nêu ra trong tờ trình của UB Thường vụ Quốc hội là việc bổ sung Điều 3 quy định cụ thể về các hình thức làm việc của Thường vụ, trong đó có hình thức "cho ý kiến bằng văn bản".
Ngoài Điều 3 quy định chung, Điều 20 dự thảo Quy chế đã làm rõ hơn thẩm quyền quyết định việc lấy ý kiến thành viên UB Thường vụ Quốc hội bằng văn bản, trình tự, thủ tục lấy ý kiến bằng văn bản. UB Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về quy trình, thủ tục trong việc xem xét các vấn đề về nhân sự và tổ chức bộ máy nhà nước theo thẩm quyền; quy trình, thủ tục hoạt động trong lĩnh vực xây dựng pháp luật...
Thẩm tra nội dung này, UB Pháp luật cho rằng, hình thức hoạt động thông qua phiên họp vẫn là hình thức hoạt động chủ yếu, cơ bản của UB Thường vụ Quốc hội. Do đó, tại Điều 20 cần quy định cụ thể hơn phạm vi các nội dung, vấn đề lấy ý kiến bằng văn bản; giá trị pháp lý của hình thức lấy ý kiến bằng văn bản; vai trò của cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội gửi văn bản xin ý kiến, tổng hợp, tiếp thu chỉnh lý theo ý kiến của UB Thường vụ Quốc hội.
Thường trực UB Pháp luật đề nghị cân nhắc nội dung trình UB Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định văn bản đã tiếp thu ý kiến của UB Thường vụ Quốc hội. Bởi vì trong một số trường hợp, nếu thực hiện đúng trình tự theo quy định trên thì sẽ không đáp ứng yêu cầu về thời gian, chẳng hạn như đối với văn bản do UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội thì theo quy trình hiện nay, sau khi xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội, văn bản sẽ được tiếp thu chỉnh lý và trình Lãnh đạo Quốc hội xem xét, quyết định trình Quốc hội.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, việc tiếp thu, chỉnh lý và kết quả tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo ý kiến bằng văn bản của thành viên UB Thường vụ Quốc hội đều phải được báo cáo UB Thường vụ Quốc hội tại phiên họp gần nhất; nếu có nhiều ý kiến khác nhau thì phải đưa ra phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận lại. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ hơn để chỉnh lý lại nội dung này cho chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn.
Góp ý về nhiệm vụ , quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu ý kiến, Điều 64 nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội và điều 65 nhiệm vụ quyền hạn của các Phó Chủ tịch Quốc hội và tại điều 2 của Dự thảo quy chế này nói hiệu quả hoạt động của UB Thường vụ Quốc hội được đảm bảo bằng hoạt động của các phiên họp, hoạt động của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên thường vụ Quốc hội.
Như vậy hiệu quả này không chỉ dựa vào các phiên họp mà còn là hoạt động của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên. Vì vậy, bà Mai xin đề nghị bổ sung thêm quy định để đồng bộ điều 64, 65 của Luật tổ chức Quốc hội về nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội.
P.Thảo