"Nhân dân yên lòng, tin tưởng với quyết tâm diệt trừ tham nhũng của Đảng"
(Dân trí) - Theo PGS.TS Bùi Hiền, nhiệm kỳ Đại hội XII vừa qua, Đảng ta đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã quyết tâm diệt trừ tham nhũng, nên nhân dân đã yên lòng...
Mong đất nước thật sự trở thành "con rồng" châu Á
Nhận xét về báo cáo do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng, PGS.TS Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Trước hết về hình thức, lần đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không đọc toàn văn Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương, mà tập trung nêu ngắn gọn, rành mạch những thành tựu, những yếu kém cơ bản trong quá khứ, chỉ ra những nguyên nhân, rồi rút ra những bài học và trên cơ sở phân tích khoa học, toàn diện tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế để đề ra những đường lối, phương hướng phát triển vững chắc và khả thi cho mọi mặt hoạt động của đất nước trong ngắn hạn và lâu dài. Điều này hoàn toàn phù hợp với ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng và toàn dân.
Nhà giáo Bùi Hiền chia sẻ, ông cảm nhận tức thời một số điều sâu sắc như sau: Trong 35 năm qua, mặc dù đứng trước vô vàn khó khăn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết tâm giữ vững được định hướng XHCN, chuyển đổi thành công từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, không bị hòa tan, mà trái lại, còn giành được vị trí ngày càng cao trong thế giới hiện đại.
Tuy nhiên, vì không lường trước được tính chất đặc thù của quá trình chuyển nền kinh tế nên một phần tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội (nhất là đất đai và tài nguyên) đã bị một số cá nhân lợi dụng và gây thành quốc nạn tham nhũng kéo dài, làm thiệt hại to lớn cho xã hội, kìm hãm bước tiến của đất nước, đặc biệt là làm giảm sút lòng tin của dân với Đảng.
Nhiệm kỳ Đại hội XII vừa qua, Đảng ta đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã quyết tâm diệt trừ tham nhũng, nên nhân dân đã yên lòng hơn và tin hơn, khiến Việt Nam đã thu được thắng lợi kép về cả y tế lẫn kinh tế, khiến cả thế giới khâm phục.
Nhưng chúng ta không được thỏa mãn và mất cảnh giác, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhiều lần cảnh báo. Bởi vì bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đất nước ta sẽ gặp phải vô vàn khó khăn và thử thách mà chỉ có thể vượt qua và tiến lên được bằng sự lãnh đạo kiên quyết, sáng tạo của Đảng, với lòng quyết tâm, sự tin tưởng, đoàn kết và nỗ lực của toàn dân, nghĩa là con người đóng vai trò tiên quyết.
PGS.TS Bùi Hiền mong muốn từng con người phát huy hết sức lực và tài năng để cùng kề vai sát cánh chấn hưng đất nước rồng tiên, để đất nước thật sự trở thành "con rồng" châu Á.
Ý thức rõ hơn về trách nhiệm của thanh niên với đất nước
Còn theo PGS.TS Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng đã cung cấp những đánh giá nghiêm túc về các thành tựu cũng như thực trạng, khoảng trống còn tồn tại, giúp các đại biểu, nhân dân thấu hiểu và chia sẻ cũng như ý thức rõ hơn về trách nhiệm của thanh niên với đất nước.
"Chúng tôi cũng nhìn thấy được mọi nỗ lực của cá nhân mình đều cần thiết và được hòa chung trong chặng đường phía trước của cả dân tộc; thấy được định hướng phát triển đất nước của Đảng chính là kim chỉ nam mà mỗi người trẻ đều cần đến để khai phóng tất cả tiềm năng của bản thân, biến điều đó thành giá trị xã hội rộng khắp", PGS.TS Trần Xuân Bách nói.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tin tưởng vào thành công Đại hội XIII của Đảng và sẽ nỗ lực hết mình, đoàn kết, thống nhất, tập hợp thanh niên, cùng chung sức, đồng lòng, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
"Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn hơn thời cơ"
TSKH Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, trong những năm tới, kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn hơn thời cơ. Covid-19 chưa biết bao giờ được kiểm soát hoàn toàn, một số vấn đề như điểm nghẽn phát triển, xung đột thương mại, biến đổi khí hậu…
"Điều đó đặt ra vấn đề phải làm sao để có những chủ chương, đường lối chính sách phù hợp trong bối cảnh mới. Tôi cũng kỳ vọng những quyết sách tới đây của Đại hội sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa nội dung 3 khâu đột phá.
Trong đó nhấn mạnh đến đột phá về thể chế, xử lý được những nút thắt, chồng chép trong hệ thống pháp luật. Đồng thời những cơ chế chính sách đang cản trở doanh nghiệp sẽ được "cởi trói", tạo môi trường để VN có những DN, tập đoàn cạnh tranh quốc tế.
Thứ hai là vấn đề nguồn nhân lực, cần có chính sách trọng dụng, thu hút nhân tài. Chính họ là những người sẽ tạo nên kỳ tích, tạo nên một quốc gia với sự phát triển "thần kỳ".
Một ưu tiên chiến lược mà Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa đó là kinh tế số. Tỷ trọng đầu tư của nhà nước cho khoa học công nghệ thời gian còn quá thấp. Nếu làm tốt, "VN hoàn toàn có thể lập nên những kỳ tích mới" như lời Tổng bí thư nói", TSKH Võ Đại Lược nhấn mạnh.
"Điều tôi quan tâm, kỳ vọng nhất vẫn là vấn đề lựa chọn mô hình thể chế kinh tế phù hợp"
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh ý kiến trên và trao đổi thêm, hiện có rất nhiều mô hình thể chế mang lại thịnh vượng, vấn đề làm sao lựa chọn cho được mô hình phù hợp với Việt Nam (từ văn hóa cho đến con người).
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, Việt Nam phù hợp mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Ở mô hình này, chúng ta đã nói nhiều về mô hình kiến tạo phát triển như của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Còn lại, nếu theo mô hình điều chỉnh sẽ khiến Việt Nam dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình bởi những khác biệt về mặt văn hóa.
"Cái quan trọng nhất vẫn là phải lựa chọn được những người tài giỏi vào bộ máy hành chính. Cần phải học thật và thi thật, kiên quyết áp đặt một chế độ khoa bảng và thi tuyển nghiêm khắc nhất vào bộ máy hành chính Nhà nước", TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Kỳ vọng nhiều đổi thay tích cực ở ngành giáo dục
Chia sẻ về những mong muốn, kỳ vọng về ĐH Đảng XIII, Thạc sĩ, ca sĩ Dương Minh Ánh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội - chia sẻ: "Tôi rất có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ tới đây sẽ đưa đất nước ta ngày càng phát triển trên mọi mặt và mọi lĩnh vực. Niềm tin này là có cơ sở dựa trên những gì đã diễn ra trong thực tiễn mà chúng ta đã thấy, đồng thời trong báo cáo Chính trị mà Đại hội Đảng XIII cũng đã phân tích.
Cá nhân tôi mong muốn những phương hướng đã được đề ra trong Đại hội Đảng XIII, Chính phủ cần nghiên cứu và bắt tay ngay vào hành động, tránh lối tư duy theo nhiệm kỳ. Đại hội sáng suốt, lựa chọn ra những người có tâm, có đức và có tài vào các vị trí quan trọng để lãnh đạo đất nước.
Là một nghệ sĩ, tôi hy vọng tới đây lĩnh vực văn hóa sẽ có nhiều khởi sắc, được quan tâm và đầu tư thỏa đáng để tương xứng với tiềm lực kinh tế. Là một nhà giáo đào tạo lĩnh vực nghệ thuật, tôi đặt kỳ vọng ở ngành Giáo dục nói chung và Giáo dục nghề nghiệp nói riêng sẽ có nhiều sự thay đổi tích cực, đạt được những bước tiến quan trọng công cuộc đổi mới ở giai đoạn tới đây.
Là một người dân, tôi luôn mong muốn được nhìn thấy đất nước ta phát triển mạnh mẽ nhưng luôn giữ được bản sắc văn hóa, người nghèo bớt nghèo, giảm ô nhiễm môi trường, bớt được cảnh tắc đường, tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội để được sống trong môi trường an toàn và trong sạch.
Cuối cùng, bằng cả niềm tin và hy vọng, tôi xin chúc cho Đại Hội XIII thành công tốt đẹp!".
Nâng cấp doanh nghiệp Việt hướng tới chuẩn mực toàn cầu
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Đại hội Đảng lần thứ XIII có vị trí vô cùng quan trọng. Đại hội có nhiệm vụ xác định tầm nhìn đến năm 2045, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2030 và kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2025, với khát vọng Việt Nam sẽ hoàn thành công nghiệp hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045.
Ông Lộc bày tỏ tin tưởng các Nghị quyết của Đảng tại Đại hội XIII sẽ tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, theo những chuẩn mực hàng đầu trên thế giới, và hướng tới mục tiêu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam phải lọt vào nhóm dẫn đầu trong ASEAN, vươn tới các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ tiếp tục khởi động một giai đoạn đột phá thể chế để nâng cấp các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới các chuẩn mực toàn cầu. Đó chính là nền tảng để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.