1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Bình:

Nhân chứng kể chuyện con tàu chìm làm 14 ngư dân mất tích

(Dân trí) - Lóng ngóng trước mũi khoang thuyền với hy vọng sẽ tìm thấy xác các nạn trong cabin tàu, ngư dân Mai Thọ buồn bã: “Mấy anh em cùng ra khơi một lúc nhưng giờ các anh nằm lại dưới biển khơi lạnh lẽo…”.

Có mặt tại hiện trường vụ trục vớt tàu cá QB 93714 TS do ngư dân Nguyễn Phong (trú tại Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) làm thuyền trưởng chở 13 ngư dân gặp nạn trên biển, PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với hai thuyền trưởng cùng xuất phát và đánh bắt cá cùng lạch nước với tàu cá gặp nạn.

Cuộc trò chuyện tại hiện trường với nhân chứng vụ việc. 
Cuộc trò chuyện tại hiện trường với nhân chứng vụ việc. 

Ông Mai Văn, thuyền trưởng chiếc tàu cá QB 93269 TS, kể lại: Khoảng 10h sáng ngày 26/12, tàu của ông cùng với tàu ông Mai Thọ và ông Nguyễn Phong (cùng trú tại Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc) nổ máy ra khơi. Dự định hải trình đánh bắt trong chuyến đi này kéo từ bờ Quảng Bình vào đến Thừa Thiên Huế.

Tuy nhiên, khi tàu 3 người mới vào đến khu vực biển Thừa Thiên Huế thì nhận được tin gió mùa ở miền Bắc đang tràn vào. “Thông thường mỗi chuyến ra khơi của chúng tôi thường kéo dài từ 1 tuần đến 10 ngày, nhưng do hôm đó ở biển xuất hiện gió mùa, thời tiết xấu nên anh em rủ nhau kéo lưới và quay tàu về nhằm đảm bảo an toàn”.
Nỗi đau tang thương của gia đình 14 nạn nhân trong vụ chìm tàu
Nỗi đau tang thương của gia đình 14 nạn nhân trong vụ chìm tàu
 
Đúng 15h chiều ngày 29/12, cả 3 người cho tàu quay về đất liền trú ẩn. Theo đúng lịch trình, khoảng 5h sáng ngày 30/12, tàu sẽ cập bến cửa Gianh. Nhưng khi tàu còn cách cửa Gianh chừng 10 hải lý thì gặp phải sóng to, gió lớn nên các thuyền trưởng đã cho tàu quay lại cảng Hòn La để neo đậu. Trên đường vào, khi tàu cá QB 93714 TS của thuyền trưởng Nguyễn Phong chở 13 ngư dân chỉ còn cách cửa Gianh chừng 7 hải lý thì bị chết máy. Sau đó, chiếc tàu đã bị sóng biển đánh chìm khiến 14 người mất tích.
Nỗi đau tang thương của gia đình 14 nạn nhân trong vụ chìm tàu
Người thân và nhiều ngư dân ở Cồn Sẻ lóng ngóng hy vọng lực lượng cứu hộ sớm tìm được xác 13 nạn nhân còn lại 

Có mặt tại hiện trường vụ chìm tàu, thuyền trưởng Mai Văn hãi hùng kể lại: “Khoảng 3h sáng ngày 30/12, trên đường đưa tàu về trú ẩn, tôi nhận được thông tin tàu của ông Nguyễn Phong cùng 13 ngư dân gặp nạn rồi sau đó chết máy”.

Nhận được tin kêu cứu từ thuyền trưởng Nguyễn Phong, anh Văn liền báo tin với một tàu cá khác do ngư dân Mai Thọ làm thuyền trưởng đến ứng cứu. Lúc đó, tàu của anh Thọ ở cách đó chừng 10 hải lý. Trên đường vào ứng cứu, khi tàu anh Văn và anh Thọ chỉ còn cách vị trí tàu gặp nạn khoảng vài hải lý nhưng không thể tiếp cận được bởi lúc đó sóng biển rất mạnh.
 
“Dù tàu chúng tôi đã tiếp cận rất gần với vị trí tàu gặp nạn nhưng do thời điểm đó sóng biển rất mạnh, đánh cao chừng chục mét, trời lại tối nên không có cách nào để ứng cứu chiếc tàu cùng 14 ngư dân”, thuyền trưởng Văn cúi mặt, thắp nén nhang cho những thuyền viên xấu số.
Nỗi đau tang thương của gia đình 14 nạn nhân trong vụ chìm tàu
Đến khoảng 20h30 tối 2/1, tàu cá gặp nạn đã được lực lượng cứu hộ vớt lên khỏi mặt nước nhưng vẫn không tìm thấy thêm xác nạn nhân nào 

Lóng ngóng trước mũi khoang thuyền từ trưa đến cuối giờ chiều với hy vọng lực lượng cứu hộ sẽ tìm thấy xác các nạn còn lại trong cabin chiếc tàu, ngư dân Mai Thọ, thuyền trưởng tàu cá QB 93999 TS, buồn bã: “Mấy anh em cùng ra khơi một lúc nhưng giờ thì… Sao các anh, các chú lại bỏ gia đình và người thân mà nằm lại giữa biển khơi lạnh lẽo như thế này? Các anh, các chú linh thiêng thì nổi lên để cho bọn tui được nhìn lần cuối”.

Trong tiếng khóc thương cho những người bạn thuyền đã từng cùng ăn, cùng ở, cùng bám biển mưu sinh bấy lây nay, thuyền trưởng Mai Văn, Mai Thọ cùng hàng trăm ngư dân ở Cồn Sẻ đang trông chờ các cơ quan chức năng sớm tìm được xác 13 nạn nhân còn lại.

Đặng Tài - Đăng Đức