1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhân chứng hồi tưởng ngày đại thắng qua bức hình lịch sử

Nhìn vào tấm hình gắn với dấu mốc ngày 30/4/1975, ông Thất bồi hồi nhớ giây phút rạng sáng 30/4/1975, đơn vị nhận lệnh vào giải phóng Sài Gòn theo hướng qua ngã ba Vũng Tàu ra xa lộ Biên Hoà- Sài Gòn; ngoài bộ binh, có xe tăng và pháo binh yểm trợ...

Tấm hình lịch sử ghi lại hình ảnh các chiến sỹ Quân giải phóng trong lực lượng thọc sâu Quân đoàn 2, đánh chiếm Dinh Độc lập, bắt và dẫn giải Tổng thống VNCH Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra Đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng ngày 30/4/1975, đã ghi lại dấu mốc quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, thống nhất Tổ quốc. Tuy nhiên, rất ít người biết về người lính đi đầu, bên trái trong tấm hình lịch sử đó: Chiến sỹ thông tin Bàng Nguyên Thất- thuộc Đại đội 18, Trung đoàn 66 bộ binh, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2…
Nhân chứng hồi tưởng ngày đại thắng qua bức hình lịch sử
Bức hình lịch sử

Gia đình của chiến sỹ thông tin Bàng Nguyên Thất năm xưa, hiện ở số nhà 15, ngõ 165, phố Chợ Khâm Thiên, Hà Nội. Trong căn phòng khách, treo trang trọng hình ảnh dẫn giải Tổng thống Dương Văn Minh ra Đài phát thanh Sài Gòn, ngoài ra còn có nhiều tấm hình về các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh; các cuộc giao lưu, tri ân các đồng đội trong dịp kỷ niệm ngày 30/4 tại Hà Nội và nhiều địa phương với ông Bàng Nguyên Thất cùng các đồng đội, cùng nhiều phần thưởng do Đảng và Nhà nước trao tặng.

Ông Thất quê gốc ở Bình Lục, Hà Nam, học xong PTTH, năm 1972 ông nhập ngũ vào Đại đội 70, Tiểu đoàn 68, Trung đoàn 59, Quân khu Thủ đô. Sau 3 tháng  huấn luyện ở Tân Lạc, Hoà Bình, cuối năm 1972 ông cùng đồng đội vào Nam chiến đấu theo đường giao liên 559 (đường mòn Hồ Chí Minh).

Đến tháng 3/1973 tại Cam Lộ (Quảng Trị) ông được bổ sung vào Đại đội 18, Trung đoàn 66 bộ binh, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Từ đây, ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh, phối với với các đơn vị bạn giải phóng TP Đà Nẵng, Thị xã Hàm Tân (Bình Tân cũ), tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh vào giải phóng Sài Gòn.  

Nhân chứng hồi tưởng ngày đại thắng qua bức hình lịch sử
Ông Bàng Nguyên Thất và vợ

Nhìn vào tấm hình gắn với dấu mốc ngày 30/4/1975, ông Thất bồi hồi nhớ lại giây phút thật khó quên trong ngày lịch sử: Rạng sáng 30/4/1975, đơn vị nhận lệnh vào giải phóng Sài Gòn theo hướng qua ngã ba Vũng Tàu ra xa lộ Biên Hoà- Sài Gòn; ngoài bộ binh, có xe tăng và pháo binh yểm trợ.

Quân ta lần lượt tiêu diệt địch tại các chốt chặn ở cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn, tiến thẳng qua ngã tư Hàng Xanh, tiêu diệt ổ phục kích của địch ở cầu Thị Nghè và thẳng tiến vào dinh Độc Lập. Vào lúc 9h30, ngay sau khi 2 chiếc xe tăng 843 và 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập, lực lượng chỉ huy tiền phương trên chiếc xe Jeep thu được của địch khi giải phóng Đà Nẵng, do Đại uý Phạm Xuân Thệ- Trung đoàn phó Trung đoàn 66 - chỉ huy cùng với Trung uý trợ lý tác chiến  Nguyễn Khắc Nhu, trợ lý cán bộ Trung uý Phùng Bá Đam, chiến sỹ truyền đạt Nguyễn Huy Hoàng, chiến sỹ thông tin Bàng Nguyên Thất và lái xe Đào Ngọc Vân tiến thẳng vào cửa dinh Độc Lập.

Khi nhìn thấy Đại uý Thệ, Tổng thống Dương Văn Minh bước tới nói: “Báo cáo cấp chỉ huy, chúng tôi thấy Quân giải phóng đánh vào nội đô, tôi và toàn bộ nội các đang chờ Quân giải phóng để bàn giao chính quyền”.

Ngay lập tức, Đại uý Thệ tuyên bố cương quyết: “ Các ông đã bị bắt làm tù binh. Các ông phải đầu hàng vô điều kiện chứ không có gì để bàn giao”. Sau đó, Đại uý Thệ mời Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các vào phòng họp để làm thủ tục tuyên bố đầu hàng. Do không thể nối được liên lạc với Đài Phát thanh, Đại uý Thệ đã hội ý với các sĩ quan, trợ lý phải dẫn giải ngay Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu sang Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng.

Khi đó thấy có nhiều tiếng súng nổ, Tổng thống Dương Văn Minh đề nghị tất cả lên xe riêng của Tổng thống, Đại uý Thệ đã nói: Chúng tôi sẽ bảo vệ tính mạng cho ông, đề nghị ông lên xe Jeep đi cùng với Quân giải phóng.

Nhân chứng hồi tưởng ngày đại thắng qua bức hình lịch sử

Hồi tưởng lại phút giây lịch sử…

Đại uý Thệ đã yêu cầu lực lượng bảo vệ, trong đó có chiến sỹ Bàng Nguyên Thất dẫn giải Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra xe đi đến Đài Phát thanh, cách dinh Độc Lập khoảng 2 km.

Ông Thất cho hay: Trong tấm ảnh lịch sử dẫn giải Tổng thống Dương Văn Minh ra Đài Phát thanh, người đi đầu bên phải ảnh là Đại uý Thệ, đi đầu bên trái ảnh là chiến sỹ thông tin Bàng Nguyên Thất, người đi cúi mặt là Tổng thống Dương Văn Minh, bên cạnh là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, người lính cầm súng phía sau bên phải Tổng thống Dương Văn Minh là Trung uý trợ lý tác chiến Nguyễn Khắc Nhu.

Suốt thời gian từ phòng họp ra xe, Tổng thống Dương Văn Minh luôn cúi mặt. Khi tới xe Jeep, Tổng thống Dương Văn Minh ngồi ghế trước giữa Đại uý Thệ và lái xe, còn Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ngồi ghế sau cùng với chiến sỹ thông tin Bàng Nguyên Thất và các đồng đội; ngoài ra, có 2 xe chở lực lượng bảo vệ  xe chở Tổng thống Dương Văn Minh.

Ông Thất cho biết, ông cùng đồng đội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ nhân chứng, dẫn giải Tổng thống Dương Văn Minh ra Đài Phát thanh tuyên bố đầu hàng Quân giải phóng  rồi đưa Tổng thống Dương Văn Minh quay trở lại dinh Độc Lập để bàn giao cho Uỷ ban Quân quản.

Tấm ảnh lịch sử ghi đậm dấu ấn ngày 30/4/1975 là do một nhà báo Pháp chụp lại được, sau đó đã gửi tặng một số hình ảnh, phim cho Trung đoàn làm kỷ niệm. Tấm hình này đã được trưng bày trong nhà truyền thống của Trung đoàn, Sư đoàn, Quân đoàn, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, trên các trang báo trong và ngoài nước phản ánh về chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975 của dân tộc Việt Nam.

Sau ngày 30/4/1975, ông Bàng Nguyên Thất cùng đồng đội tiếp tục giám sát các điểm đã được giải phóng, tháng 6/1975, ông cùng đồng đội được điều lên Tây Nguyên để truy quét tàn quân Fulrô, sau về Đà Nẵng nhận nhiệm vụ mới.

Tháng 3/1977 ông ra quân, chuyển về công tác tại Cty quản lý Công trình công cộng Hà Nội (nay là Sở giao thông Công chính) đến tháng 10/2005 thì nghỉ hưu. Về với gia đình thân yêu, ngoài việc chăm sóc, giúp đỡ vợ cùng 2 con và các cháu, ông vẫn dành thời gian gặp gỡ, giao lưu với các bạn trẻ, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng các đồng đội và cứ mỗi dịp tháng 4 về, khi cả nước kỷ niệm trọng thể ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4, ông và đồng đội lại hành hương về chiến trường xưa, về các nghĩa trang liệt sỹ để thắp hương tưởng nhớ đồng đội.

Ông tâm sự:  “Tôi thật vinh dự và tự hào được có mặt trong ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn , mỗi khi nhìn lại tấm hình lịch sử tôi thực sự xúc động và không bao giờ quên sự hy sinh của cả dân tộc đã chung sức, đồng lòng, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc”…

Theo T. Dương- T.Hải

Pháp luật Việt Nam