1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhầm bệnh nhân là chuyện phổ biến (!)

Vụ gây mê nhầm bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy vừa qua không phải là hi hữu. Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cũng từng mổ “thoát vị bẹn phải” cho một người vốn chỉ muốn phẫu thuật lấy đinh vít.

Trường hợp nhầm lẫn trên bắt nguồn từ việc gọi nhầm tên bệnh nhân nhưng sau đó bác sĩ không kiểm tra lại. Sau khi mổ xong “thoát vị bẹn phải” cho một người bệnh, bác sĩ mới được hộ lý báo cáo là đã mổ nhầm bệnh nhân. Thực tế bệnh nhân này không bị thoát vị bẹn phải mà chỉ vào bệnh viện để phẫu thuật ở đùi lấy chiếc đinh vít được đưa vào người từ ca phẫu thuật trước đó.

 

Trước đây, tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cũng từng xảy ra tình trạng trả nhầm con cho sản phụ do nhân viên y tế không phân biệt được bé nào là con của ai. Một sản phụ sinh con trai nhưng đến khi nhận con thì được bệnh viện trao cho một bé gái. Mặc dù sau đó, bác sĩ đã xác định lại sự việc và giải thích nguyên nhân là nhân viên y tế thông báo nhầm giới tính của trẻ lúc vừa chào đời nhưng sản phụ vẫn không biết thực sự bé nào là con của mình. Cũng may hiện nay đã có phương pháp xét nghiệm ADN nên việc xác định chính xác đã trở nên dễ dàng hơn.

 

Ngoài ra, không thiếu những trường hợp nhổ nhầm răng không đau; mổ dạ dày cho bệnh nhân bị sỏi mật; chẩn đoán suy thận trái nhưng cắt thận phải; mổ nhầm u buồng trứng hoặc bỏ quên bông băng, dao kéo trong người bệnh nhân...

 

Mặc dù những nhầm lẫn vẫn thường xảy ra nhưng chưa có quy định nào về trách nhiệm của bệnh viện để hạn chế rủi ro cho người bệnh. Tùy theo tình huống mà mỗi bệnh viện tự đưa ra cách thỏa thuận với gia đình bệnh nhân, thường là miễn chi phí điều trị hoặc “hỗ trợ” một ít tiền.

 

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, cho biết ở Việt Nam chưa có nghiên cứu về nhầm lẫn y khoa để rút ra những bài học kinh nghiệm và chưa có cách quản lý tốt để hạn chế những rủi ro này. Thực ra, những vụ kiện tụng hoặc bồi thường của phía bệnh viện cũng chỉ giải quyết phần ngọn, trong khi sai sót xảy ra là do việc quản lý hệ thống y khoa còn được thực hiện bằng phương pháp thủ công, chưa vi tính hóa. Việc chuyển giao bệnh nhân giữa các khoa phòng hoặc các nhóm trực cũng dễ gây nhầm lẫn.

 

Ở các nước tiên tiến, để hạn chế rủi ro, ngay từ khi nhập viện mỗi bệnh nhân đã được đeo mã vạch có đầy đủ thông tin. Trước khi tiến hành những chẩn đoán hay điều trị, bác sĩ sẽ kiểm tra bệnh nhân thông qua mã vạch này.

 

Theo giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, công tác ở Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan (Australia), nhầm lẫn y khoa không phải do lỗi một cá nhân nào, vì quy trình hay hệ thống hoạt động trong bệnh viện mới chính là yếu tố gây ra tai nạn. Các bệnh viện nên thiết lập hồ sơ điện tử để quản lý bệnh nhân, thư viện điện tử để tra cứu thông tin bệnh lý... Ông cho rằng tin học hóa giúp tinh giản và tối ưu mọi quá trình xử lý thông tin, giảm thiểu những sai lầm, tai nạn y khoa.

 

Theo nghiên cứu của Mỹ và Australia, khoảng 40-50% các tai nạn y khoa xảy ra ở phòng mổ. Nơi nguy hiểm thứ hai là khu điều trị, chiếm 27% trong tổng số tai nạn. Những khu điều trị có kỹ thuật cao như khu khẩn cấp và sinh sản cũng là những nơi mà nhầm lẫn y khoa có thể xảy ra, nhưng tỷ lệ thấp hơn (khoảng 3-5%).

 

Bệnh nhân càng lớn tuổi càng có nguy cơ bị tai nạn trong chữa trị, có lẽ vì người già thường có nhiều bệnh tật cùng một lúc hơn người trẻ tuổi. 

 

Theo Người Lao Động